TP Hồ Chí Minh: Áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Quốc Định 02/04/2016 07:35

Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, hướng tới nhu cầu của thị trường, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao; từ đó bước đầu đã có sức lan tỏa.

Năm 2010, Củ Chi là huyện nghèo của TP HCM với thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 19 triệu đồng/người/năm. Nhờ mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực nông thôn và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 40 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha của bà con nông dân tại huyện Củ Chi năm 2015 đã đạt 258 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước.

Tuy nhiên, đó không phải là “ví dụ duy nhất” của TP HCM về lĩnh vực này.

Bước tiến rõ nhất trong nông nghiệp công nghệ cao ở TP HCM trong năm 2015 được thể hiện qua sự phát triển của các DN. Nhiều chính sách ưu đãi để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này của thành phố đã phát huy được hiệu quả như: Miễn thuế thu nhập DN 6 năm; miễn thuế xuất khẩu đối với tất cả các sản phẩm sản xuất trong khu nông nghiệp công nghệ cao; miễn thuế nhập khẩu đối với các giống cây trồng, giống vật nuôi, nông dược đặc chủng được phép nhập khẩu để thực hiện dự án…

Hiện nay, TP HCM đã thu hút được 14 DN công nghệ cao đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 340 tỷ đồng. Các DN này tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ sinh học nông nghiệp; canh tác không sử dụng đất, sản xuất giống, bảo quản chế biến, hoa cây cảnh, nấm ăn và nấm dược liệu. Những công nghệ hiện đại trong sản xuất và chế biến đang được các DN sử dụng như: trồng cây trong nhà màng, nhà kính; tưới và bón phân tự động bằng hệ thống tưới nhỏ giọt; công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào thực vật, sinh học phân tử ứng dụng; sử dụng chiếu xạ, hơi nóng xử lý trái cây sau thu hoạch.

Năm qua, các DN trên địa bàn thành phố đã xuất khẩu được 262 tấn hạt giống và hơn 11 ngàn tấn rau, quả sang các nước Mỹ, Nhật, Trung Quốc, châu Âu với tổng giá trị 330 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Giang Vi- chủ một DN sản xuất nấm Linh Chi Việt, khu nông nghiệp công nghiệp cao TP HCM cho biết: “Sản xuất trong khu vực này, chúng tôi được hỗ trợ về đất đai, nhà xưởng và sự hỗ trợ về kỹ thuật khi cần thiết, chúng tôi rất yên tâm sản xuất. Sản xuất của mình đi theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm của mình làm ra được kiểm soát ngay từ khâu đầu tiên là con giống đến quá trình chăm sóc, thu hái. Vì vậy, sản phẩm của mình đạt chất lượng, mang lại sự an tâm, tin dùng cho người sử dụng”.

Chỉ trong vòng 5 năm đi vào hoạt động, khu nông nghiệp công nghệ cao đã cung cấp cho thị trường 59 tấn hạt giống F1 chất lượng các loại, hơn 100 ngàn túi meo giống nấm, 120 ngàn túi phôi nấm, 14 lít chế phẩm sinh học với doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng. Khu NNCNC đang làm tốt vai trò của mình trong dẫn dắt, lan tỏa công nghệ cao trong nông nghiệp. Đây là cầu nối để thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và thị trường, tạo dựng sự gắn kết giữa nhà khoa học, nhà nông và DN.

Theo ông Từ Minh Thiện- Phó trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ TP HCM, trong việc chuyển giao công nghệ, chúng tôi định hướng là phải dành cho 3 nhóm. Một là đối với những người có khả năng đầu tư vào sản xuất bằng cách tự động hoàn toàn. Nhóm thứ hai là dành cho những người có khả năng đầu tư vào hệ thống chăm sóc bán tự động. Một nhóm nữa là ứng dụng dành cho những người sản xuất thông thường, ví dụ như ứng dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng những sản phẩm khoa học tiến bộ liên quan đến hệ thống tưới kết hợp với bón phân, hoặc là sử dụng các loại phân hữu cơ để làm chất lượng sản phẩm tăng lên.

Cũng như nhiều thành phố khác, khu vực nông thôn TP.HCM đang đối mặt với tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Hàng năm có trên 1.000 ha đất nông nghiệp được chuyển sang mục đích sử dụng khác. Hiện nay, thành phố còn khoảng 78.000 ha đất nông nghiệp có khả năng canh tác, tập trung chủ yếu ở 5 huyện ngoại thành là: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Trong điều kiện quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, việc phát triển nông nghiệp hiện đại, đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất, chế biến và tạo ra chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ là hướng đi đúng của TP HCM.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú- Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho hay: “Đối với ngành nông nghiệp của huyện, chúng tôi hướng đến phát triển nông nghiệp phải là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp kết hợp với du lịch. Chúng tôi khai thác triệt để lợi thế để sản xuất nông nghiệp phục vụ cho thành phố. Trong đó, tập trung sản xuất rau, lan, bò sữa cho thành phố. Đặc biệt, với thủy sản chúng tôi sản xuất giống, không chỉ cho thành phố mà còn cung cấp cho các tỉnh, thành trong khu vực và cả miền Tây”.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở vùng nông thôn TP HCM đạt 39,5 triệu đồng/người/năm, bằng gần 80% mức thu nhập khu vực thành thị. Với những chính sách hỗ trợ thiết thực từ chính quyền và sự nỗ lực của người nông dân trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tin rằng, mục tiêu nâng trị sử dụng đất lên 300 triệu đồng/ha/năm, trong đó người lao động đạt từ 40 đến 50% lợi nhuận doanh thu có thể đạt sớm hơn kế hoạch mà thành phố đã đề ra vào năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO