TP Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh các dự án trọng điểm

Đoàn Xá 15/09/2022 07:06

Nhằm tháo gỡ ùn tắc tại các khu vực cửa ngõ và tăng sự kết nối với các tỉnh thành lân cận, TP Hồ Chí Minh đang tăng đầu tư, thúc đẩy các dự án hạ tầng quan trọng ở khu vực ngoại ô. Ngược lại nhiều dự án chậm tiến độ, không hiệu quả ở khu vực nội ô được xóa bỏ.

Phối cảnh dự án cầu nối TP HCM và Đồng Nai.

Đầu tiên là dự án cầu Nhơn Trạch nối TP HCM và Đồng Nai, thuộc dự án Vành đai 3 sẽ được khởi công ngay trong tháng 9/2022. Thực tế, nhu cầu về một cây cầu nối TP HCM và tỉnh Đồng Nai rất cấp bách và nhiều năm qua, dự án cầu ở khu vực Cát Lái đã không thể khởi công. Đây sẽ là cây cầu thứ 3 (sau cầu Đồng Nai, cầu Long Thành) kết nối 2 địa phương quan trọng nhất khu vực Đông Nam bộ. Với quy mô 4 làn xe cùng thiết kế đường chuẩn cao tốc, dự án cầu cùng đường dẫn này có nguồn vốn lên đến 6.900 tỷ đồng, có điểm đầu ở TP Thủ Đức. Theo nhiều người dân, cầu Nhơn Trạch không chỉ giúp kết nối TP HCM và tỉnh Đồng Nai mà còn kết nối nhiều tỉnh khác trong vùng Đông Nam bộ do nằm trên trục Vành đai 3 và sẽ kết nối với các tuyến cao tốc hiện hữu.

Được biết, thời gian tới nhiều dự án khu vực ngoại thành TP HCM hoặc kết nối với các địa phương khác sẽ được gấp rút tiến hành. Trong đó có nhiều công trình trọng điểm, được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt hạ tầng giao thông trong khu vực. Đó là dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài khoảng 58km. Mặc dù có điểm đầu nằm trên địa bàn tỉnh Long An và điểm cuối nằm ở tỉnh Đồng Nai nhưng dự án cao tốc trên chủ yếu đi qua địa bàn TP HCM với khoảng 70% chiều dài. Đây là dự án có vai trò quan trọng không chỉ với TP HCM mà cả Long An và Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ khác. Có kết nối với trục cao tốc Bắc - Nam hiện hữu tại nút giao Bến Lức (tỉnh Long An), dự án này khi hoàn thành sẽ giúp các phương tiện di chuyển thuận lợi từ miền Tây Nam bộ qua miền Đông Nam bộ mà không cần qua trung tâm TP HCM. Sau khi khởi công năm 2014 và được kỳ vọng hoàn thành 5 năm sau, dự án đã tạm dừng hầu hết các gói thi công quan trọng sau khi hoàn thành khoảng 80% khối lượng công trình vào năm 2019. Theo chủ đầu tư, cũng trong quý 3/2022 này, dự án sẽ được tái khởi công những gói quan trọng, gồm 2 cây cầu dây văng Bình Khánh và Phước Khánh.

Như đã nói, dù tuyến cao tốc này quan trọng với các tỉnh miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ nhưng dự án cũng đáp ứng nhu cầu hạ tầng quan trọng ở TP HCM bằng việc kết nối ở nút giao trên quốc lộ 50 ở huyện Bình Chánh. Cùng với việc sửa chữa, nâng cấp trục quốc lộ 50 đang tiến hành, hạ tầng khu vực phía Tây của TP HCM sẽ có nhiều thay đổi trong ít năm tới. Ngoài các dự án hạ tầng lớn và quan trọng kể trên, thời gian tới TPHCM vẫn tiếp tục triển khai các dự án hạ tầng khác ở khu vực nút giao cửa ngõ, như sửa chữa nâng cấp đường Nguyễn Văn Linh, sửa chữa nâng cấp quốc lộ 50, sửa chữa nâng cấp quốc lộ 13 hay đồng loạt triển khai nhiều đoạn của đường Vành đai 3, Vành đai 2 đang dang dở...

Ngược lại, TP HCM cũng vừa quyết định tạm dừng dự án cây dựng cầu Bình Tiên đi qua địa bàn quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh theo hình thức BT (đổi đất lấy công trình). Dù được quy hoạch và triển khai nhiều năm trước nhưng dự án đi qua nhiều khu vực dân cư đông đúc kể trên đã không thể tiến hành theo đúng kế hoạch. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM vừa quyết định chấm dứt dự án theo hình thức BT được phê duyệt từ 4 năm trước với số vốn hơn 2.600 tỷ đồng này. Theo Chủ tịch UBND thành phố, dự án này gặp một số vấn đề pháp lý, một số vướng mắc như khó kêu gọi nhà đầu tư, khó chỉ định nhà đầu tư... Trong khi đó, dù không chấm dứt và thay đổi quy hoạch nhưng với thực tế quỹ đất, mật độ cư dân và giá đất thị trường đang tăng nhanh, việc thực hiện các dự án hạ tầng đi qua các khu vực trung tâm ở TP HCM gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt dự án từng được quy hoạch, lên kế hoạch nhưng hiện nay đều không thể thực hiện. Ngược lại, các dự án hạ tầng vùng ven, cửa ngõ kết nối với các địa phương khác đang được đẩy mạnh. Đây cũng là tín hiệu lạc quan, không chỉ xóa bỏ khoảng cách trung tâm và ngoại thành mà còn giảm đáng kể áp lực giao thông ở khu vực trung tâm.

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề Quy hoạch giao thông vận tải TP HCM, dẫn thông tin từ Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức cho biết, thành phố cần khoảng 26 tỷ USD cho 15 dự án đầu tư để hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị với tổng chiều dài gần 220 km. Trong khi đến cuối tháng 8, thành phố huy động được hơn 6,5 tỷ USD từ vốn vay ODA cho 3 dự án, tương đương 25% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Như vậy, vẫn còn khoảng 75% nhu cầu vốn cần tiếp tục huy động bằng các giải pháp huy động vốn có tính đột phá. Theo TS Tuấn, mô hình đối tác công - tư (PPP) gắn với các dự án phát triển đô thị tích hợp nhà ga đường sắt đô thị (TOD) có thể sẽ là chìa khóa để giải quyết thách thức về huy động vốn và thu hút hành khách sử dụng giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh các dự án trọng điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO