TP Hồ Chí Minh: Giảm áp lực kẹt xe

Lê Anh - Đoàn Xá 01/09/2016 07:32

Để giải quyết vấn đề kẹt xe tồn tại suốt nhiều năm, TP HCM đã quy hoạch và kêu gọi đầu tư mở rộng và xây dựng mới nhiều tuyến đường kết nối hướng về trung tâm thành phố, với nguồn kinh phí dự kiến lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh: Giảm áp lực kẹt xe

TP HCM đang mở rộng quy hoạch nhiều nút giao thông.

UBND TP HCM vừa giao Sở Kế hoạch – Đầu tư TP lập danh mục các công trình xây dựng nút giao thông trọng điểm, đã có chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Chủ trương nhằm đảm bảo sớm hoàn thành giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn. Sở này có trách nhiệm trình UBND TP trong tháng 2-2017 đề án quy hoạch để thành phố xem xét phê duyệt.

Cùng với Sở Kế hoạch – Đầu tư TP, UBND TP cũng đã đồng ý phê duyệt đề xuất của Sở GTVT TP và Sở Quy hoạch Kiến trúc về xây dựng 4 nút giao tại ngã sáu Phù Đổng; bùng binh Quách Thị Trang; Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Phạm Ngũ Lão.

Trong khi đó, nút giao Mỹ Thủy đã đang trong quá trình xây dựng để giải tỏa ùn tắc giao thông dẫn vào cảng Cát Lái. Dự án này có tổng mức đầu tư trong giai đoạn 1 là 837 tỷ đồng.

Ngoài dự án này còn một dự án đang triển khai là dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Hiện đã có nhà đầu tư đồng ý xây dựng với tổng kinh phí dự kiến là 2.620 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây cầu vượt và hầm chui tại đây để giảm ùn tắc giao thông kết nối TP HCM với các tỉnh miền Tây.

Ngoài ra, tại khu vực phía Tây Nam, một số nút giao thông cũng được quy hoạch hoặc đang trong giai đoạn triển khai xây dựng là nút giao An Sương (huyện Hóc Môn), nút giao Gò Mây (quận Bình Tân)… cùng có vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

Cho đến nay, các dự án hầm chui nút giao An Sương (Q.12) và hầm chui nút giao Thủ Đức cũng đã được lên kế hoạch xây dựng. Dự án này nằm ngay trục giao cắt giữa đường Xuyên Á (quốc lộ 22) với đường Trường Chinh và đường Vành đai 2 (quốc lộ 1A) được kỳ vọng sẽ giảm áp lực giao thông từ khu vực ngoại thành vào trung tâm thành phố.

Song song với các dự án thuộc quyền quyết định của thành phố thì TP HCM cũng kiến nghị Chính phủ thuận chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 4 (đoạn Bến Lức - Hiệp Phước) để kết nối cụm đô thị cảng Hiệp Phước với Quốc lộ 1A đi các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đồng thời xây dựng quy hoạch hướng Đông thành phố kết nối các cụm cảng phía Đông với các tỉnh Đông Nam bộ, gồm Đồng Nai, Bình Dương.

Mới đây nhất, UBND TP HCM cũng đã kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét xây dựng kéo dài tuyến Metro về đến Long An để thúc đẩy năng lực kết nối giao thông của TP HCM với các tỉnh Tây Nam bộ.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 3a có lộ trình Bến Thành (TP HCM) - Tân Kiên (Long An) được TP HCM đề xuất đưa vào danh mục các dự án sử dụng ODA vốn vay Nhật Bản giai đoạn 2016 – 2018.

Dự án metro 3a có tổng vốn đầu tư khoảng 3,02 tỷ USD, trong đó riêng giai đoạn 1 sẽ đầu tư đoạn Bến Thành - Bến xe Miền Tây cũ dài 9,7 km đi ngầm toàn bộ. Giai đoạn 2 dự kiến đầu tư xâu dựng từ Bến xe Miền Tây cũ xuống Tân Kiên dài 10,1km.

Hiện nay, tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đang được xây dựng và dự kiến cũng sẽ kéo dài dự án xuống TP Biên Hòa (Đồng Nai) và và tỉnh Bình Dương. Tuyến số 3a kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 được kỳ vọng sẽ hình thành tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm nối trung tâm TP HCM với khu vực Tây Nam bộ.

Trong tháng 8/2016, Hội nghị các tỉnh “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” cũng đã xác định việc kết nối giao thông với TP HCM là một trong những mục tiêu được đặt ra trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Giảm áp lực kẹt xe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO