TP Hồ Chí Minh: Khát lao động chất lượng cao

LÊ ANH 10/02/2022 06:32

Thị trường lao động TP HCM vừa trải qua một năm chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19 với tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc gia tăng. Tuy nhiên, những điểm sáng đầu năm 2022 dự báo thị trường lao động sẽ có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Một mô hình chương trình tư vấn việc làm trực tuyến tại TP Hồ Chí Minh.

Kết quả khảo sát tại hơn 2.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) dự báo, các khởi sắc của thị trường lao động thành phố trong quý I năm 2022 sẽ tập trung vào nguồn lao động lành nghề, đã qua đào tạo để phục vụ nhu cầu bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt do tác động dai dẳng của dịch Covid-19.

Cũng theo dự báo của FALMI, thị trường lao động sau Tết Nguyên đán sẽ cần khoảng 44.800 - 55.600 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành như dệt may, giày da, sản xuất, chế biến thực thẩm, cơ khí, hóa chất, dược, cao su, kiến trúc, xây dựng, bán buôn và bán lẻ…

Đáng chú ý, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm tới trên 86% trong tổng cầu lao động, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13% và trung cấp chiếm hơn 25%.

Trước đó, có hai kịch bản được FALMI đưa ra trong xu hướng chung của thị trường lao động TP HCM. Trong đó, dự báo kịch bản tình hình dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến theo chiều hướng tích cực sẽ thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục kinh tế - xã hội của đô thị lớn nhất nước. Cụ thể, các dự kiến nhu cầu nhân lực của từng quý, bao gồm quý I cần khoảng 78.500 – 86.900 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 65.500 – 72.500; quý III cần khoảng 66.500 – 73.500 và quý IV cần khoảng 69.500 – 77.100 đầu việc làm.

Một đại diện của FALMI đưa ra nhận định, tác động của chính sách cũng sẽ góp phần khiến thị trường lao động TP HCM khởi sắc thời điểm sau Tết Nguyên đán. Đó là Quyết định số 1405/QĐ-BLĐTBXH vừa được Bộ LĐTB&XH ban hành về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong đó nêu rõ các giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt hỗ trợ lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc. Theo đại diện FALMI, điều này góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân sự và cũng là cơ hội việc làm cho sinh viên, học viên, người lao động trong năm mới.

Trước mắt, để giữ chân người lao động và công nhân có tay nghề tiếp tục trở lại thành phố làm việc, Sở LĐTB&XH TP HCM đã triển khai một số hoạt động an sinh xã hội tích cực. Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM, hiện nay thành phố đã lập danh sách chăm lo đối với 123 đối tượng, với tổng kinh phí hơn 900 tỷ đồng.

Trong đó, ngoài chính sách chăm lo cho người lao động ở lại thành phố đón Tết, Sở cũng đã làm việc với các chủ DN xem xét chi trả lương, thưởng cho người lao động. Trong khi đó, thành phố cũng có chính sách xem xét để hỗ trợ các DN khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm qua. Cũng theo ông Lâm, bối cảnh chung của thị trường lao động thành phố sau Tết sẽ cần một lượng lớn lao động lành nghề, tập trung các ngành kinh doanh thương mại, da giày, cơ khí…

Để cung ứng đủ nguồn lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn, Sở LĐTB&XH TP HCM đã chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức kết nối, giới thiệu nguồn nhân lực, lao động từ các địa phương lân cận trở lại thành phố làm việc ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết. Trong năm 2022, đại diện Sở LĐTB&XH TP HCM cũng dự báo các mô hình kết nối lao động và DN qua hình thức trực tuyến sẽ là xu hướng phát triển để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Khát lao động chất lượng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO