TP.HCM: Ban quản trị chung cư có bảo vệ được cư dân?

Nguyên Vũ 12/03/2021 09:35

Ban quản trị (BQT) chung cư được cư dân bầu ra để đại diện giải quyết tất cả các tranh chấp, khiếu nại, vận hành… Tuy vậy, một số chung cư tại TP.HCM BQT lại lộng quyền, cư dân phải chịu “ấm ức” khi quyền lợi bị xâm phạm nhưng không được bảo vệ thoả đáng.

Tại Hội thảo "Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?" diễn ra ngày 11/3 tại hội trường Báo Thanh Niên (TP.HCM) rất nhiều cư dân đã chia sẻ những bức xúc tồn đọng tại căn hộ của mình nhưng chưa có giải pháp xử lý. Bà Đỗ Thị Ngọc Oanh, cư dân chung cư The Central Garden (số 328 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1) cho biết, chung cư của bà, BQT hoạt động chưa được bao lâu thì chia rẽ, mất đoàn kết nghiêm trọng.

Nội bộ của BQT chia thành 2 nhóm: một nhóm bảo vệ quyền lợi cư dân và một nhóm bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư cũ (được gọi là nhóm lợi ích). Nhóm lợi ích cấu kết với chủ đầu tư, được đơn vị này hậu thuẫn nên lộng quyền.

Theo bà Oanh, kể từ ngày thành lập 30/8/2018, chưa bao giờ BQT tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên theo đúng quy định, chưa bao giờ đối thoại với dân cư mặc dù liên tục được yêu cầu. Đáng nói, không họp dân cư nhưng trưởng BQT tự ý mang danh cá nhân ký các văn bản gửi cơ quan chức năng, ký các hợp đồng trái pháp luật như hợp đồng bảo trì thang máy... mà không thông qua BQT. Cư dân nhiều lần gửi văn bản lên phường Cô Giang tố cáo nhưng không được giải quyết.

Vô lý hơn, khi cư dân liên tục yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư, BQT đã soạn dự thảo thay thế quy chế hoạt động của BQT, đưa ra quy định người tham dự phải đóng tiền ký quỹ trước cho BQT. Trong cuộc họp, cư dân chỉ được ngồi nghe, nếu phát biểu trái ý BQT sẽ bị phạt tiền và trừ vào tiền ký quỹ.

Anh Nguyễn Tấn Bảo (cư dân chung cư Masteri Thảo Điền, TP.Thủ Đức) phản ánh, BQT chung cư Masteri Thảo Điền có nhiêu sai phạm về quy chế hoạt động, quy chế thu chi tài chính được quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD như: không công bố báo cáo thu chi tài chính hàng tháng; không tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên trong 2 năm qua; sử dụng quỹ quản lý vận hành do cư dân đóng góp sai mục đích. Thậm chí, BQT còn tự ý ra quy định ngang ngược rằng những trao đổi, hoạt động giữa BQT và Ban quản lý là những thông tin mật, không được phép công khai, thảo luận.

Đặc biệt một vụ việc nghiêm trọng vừa diễn ra tại chung cư Phú Hoàng Anh (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM), khi BQT giam nhà cư dân.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trên cả nước hiện có hơn 3.000 khu nhà chung cư. Riêng TP.HCM có khoảng 1.440 khu nhà chung cư, trong đó có 474 khu xây dựng trước 1975 và những chung cư đã có từ 2005 trở về trước gần như không có BQT chung cư mà cư dân sử dụng hình thức như tổ dân phố để quản lý.

Cũng theo ông Châu, với hiện trạng có hơn 140.000 hộ gia đình sống ở các khu nhà chung cư của TP.HCM thì làm thế nào để cư dân có được môi trường sống tiện ích, an toàn an ninh, nhiều dịch vụ là điều quan trọng. Tuy vậy, thật khó để kiểm soát và không phát sinh tranh chấp.

Ông Châu nhận định Nhà nước là người bảo vệ thông qua thể chế pháp luật, quy định đã phân rõ trách nhiệm của UBND phường, quận... Đơn cử như vụ việc tại chung cư Phú Hoàng Anh, huyện Nhà Bè dù chính quyền đã sát sao trong việc giải quyết xung đột nhưng còn hơi “mềm” khi BQT không chấp hành thì chưa làm đến nơi đến chốn. BQT nhà chung cư phải thực hiện đúng nghị quyết; không được tự ý sử dụng quỹ bảo trì chung cư, nếu sai phạm có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Về những xung đột lợi ích thì phải chấn chỉnh vì vai trò của BQT là không thể thiếu. "Chúng ta đấu tranh với những tiêu cực trong BQT nhưng cũng cần khuyến khích các hoạt động của BQT", ông Châu đánh giá.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng Quản lý Nhà và Công sở (Sở Xây dựng TP.HCM) cho rằng, trong vụ việc tại chung cư Phú Hoàng Anh để xảy ra sự việc căng thẳng giữa cư dân và BQT một phần cho thấy năng lực quản lý của các phường vẫn còn hạn chế và Sở sẽ quan tâm thêm để hàng năm tăng cường tổ chức họp, mời các báo cáo viên từ sở, từ các đơn vị khác để thông tin thêm về luật có liên quan, nâng cao khả năng xử lý các vụ tranh chấp tại chung cư.

Luật sư Hoàng Thu từ Công ty Luật Hoàng Thu chia sẻ, những tranh chấp giữa BQT chung cư và người dân xoay quanh 3 vấn đề chính, gồm 2% phí bảo trì, phí quản lý và chi tiêu, sở hữu chung - riêng. Dù các tranh chấp này rất bức xúc, nhưng để đưa ra kiện tụng thì không dễ.

“Lý do khi xảy ra tranh chấp, lúc đầu thì nhiều người ủng hộ đặt ra vấn đề để giải quyết nhưng sau đó, người đi đấu tranh rất cô đơn. Người dân cần tỏ ra trách nhiệm hơn, ngay từ bước đầu khi bầu ra BQT cần có thêm tiêu chuẩn hiểu biết luật, cũng như chính sách đãi ngộ lương cho BQT như thế nào cho xứng đáng”, luật sư Hoàng Thu nhìn nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP.HCM: Ban quản trị chung cư có bảo vệ được cư dân?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO