Trà Vinh: Nâng cao chất lượng đàn bò

Thanh Hoà 23/09/2018 08:00

Đầu tháng 9, tại huyện Cầu Ngang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh tổ chức hội thảo bàn giải pháp nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh.

Trà Vinh: Nâng cao chất lượng đàn bò

Khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung.

Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 186.000 ha, chiếm khoảng 79% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, nên nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp khá dồi dào.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hàng năm, nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh lên đến trên 1 triệu tấn rơm, 500.000 tấn phụ phẩm từ cây mía,10.000 tấn thân cây lạc, trên 15.000 tấn thân lá cây ngô... là nguồn phụ phẩm rất thích hợp để phát triển ngành chăn nuôi, đặc biệt là nuôi bò.

Theo bà Lê Tuyết Hồng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh, hiện nay, tổng đàn bò của tỉnh đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Bến Tre, với tổng đàn gần 210.000 con. Tuy nhiên, hầu hết người dân nuôi bò ở quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả chưa cao, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành. Thêm nữa, giá cả thường xuyên biến động khiến thu nhập người nuôi bò thiếu ổn định.

Tại hội thảo, ngành chức năng và các địa phương đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đàn bò thời gian tới, giúp người dân nông thôn cải thiện sinh kế, tăng thu nhập xóa đói, giảm nghèo.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết, Cầu Ngang có tổng đàn bò nhiều nhất tỉnh với hơn 40.000 con. Tuy nhiên, phần nhiều là chăn nuôi nhỏ lẻ nên người nuôi chưa chủ động phòng, chống dịch bệnh, chưa chú trọng chất lượng con giống, thiếu liên kết giữa khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ…

Để việc chăn nuôi bò phát triển bền vững, tỉnh Trà Vinh cần khuyến khích các hộ nuôi nhỏ lẻ chuyển đổi sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi...; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến và bảo quản sản phẩm, nhập giống bò có năng suất, chất lượng cao để giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Ngành chuyên môn cũng cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi nâng cao kiến thức chăn nuôi theo quy trình an toàn dịch bệnh, phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Ông Dương Văn Toán - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hoà, huyện Cầu Ngang cho rằng, ngành chuyên môn cần tăng cường quản lý giống, đảm bảo nguồn giống bố mẹ chất lượng, kiểm tra chất lượng tinh bò của các công ty cung ứng trên thị trường. Thời gian qua, trên địa bàn có nhiều trường hợp bê con được sinh sản không cùng giống với bố mẹ ban đầu. Thêm nữa, người chăn nuôi thường gặp khó về thị trường đầu ra do bị thương lái ép giá, nên ngành chức năng cần hỗ trợ xúc tiến thương mại để thị trường tiêu thụ bò được ổn định.

Theo ông Trần Văn Đoái - Phó Trưởng phòng Chính sách và thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cần tổ chức lại chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa, phát triển theo ưu thế vùng, quy mô lớn, trang trại, liên kết tốt giữa người nuôi với doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cấp chuỗi giá trị bò thịt, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, hình thành thương hiệu bò thịt của tỉnh.

Tỉnh cũng cần tăng cường áp dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao, hướng dẫn các tiến bộ khoa học để người dân ứng dụng vào sản xuất theo hướng tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh và không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Trà Vinh cần thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nuôi bò, doanh nghiệp tiêu thụ, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, chế biến; xây dựng thương hiệu; tìm kiếm thị trường và liên kết, hợp tác giải quyết đầu ra nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trà Vinh: Nâng cao chất lượng đàn bò

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO