Trách nhiệm của doanh nghiệp

Minh Phương 25/01/2019 09:00

Trong số những thị trường ưa chuộng hàng nông sản của Việt Nam, phải kể đến thị trường Liên minh châu Âu (EU). Nếu nói về sản lượng xuất khẩu hàng nông sản, EU chính là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm thủy sản.

Sở dĩ, thị trường EU ưa chuộng các sản phẩm nông sản của Việt Nam bởi đây là khu vực không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước dồi dào các sản phẩm nông sản, hầu như đáp ứng được tất cả nhu cầu của người dân EU.

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu.

Với 28 nước thành viên (Vương quốc Anh đang làm thủ tục ra khỏi Liên minh), tổng dân số đạt khoảng 512 triệu dân, EU trở thành khu vực có nhu cầu nhập khẩu lớn các loại hàng hóa, đặc biệt là nông sản từ khắp các nước trên thế giới. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các DN nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, con đường dẫn đến thành công không bao giờ trải hoa hồng. EU là một thị trường vô cùng khó tính. Đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, họ có những quy định, quy chuẩn rất khắt khe, đặc biệt là về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thông tin từ Bộ Công thương, lâu nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu do còn tồn dư thuốc thú y, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh... Đây lại là một trong những điểm yếu cơ bản của nông sản nước nhà. Và đây cũng chính là lý do khiến cho không ít lần các sản phẩm nông lâm thủy hải sản của Việt Nam đã lên đường “ra khơi” lại bị các đối tác nước ngoài, trong đó có EU trả về.

Chỉ riêng trong năm 2018, đã có khoảng 80 lô hàng thủy sản của chúng ta bị EU và các thị trường nhập khẩu cảnh báo không đảm bảo chất lượng và điều này cũng đồng nghĩa rằng, phía đối tác từ chối, không cho phép nhập khẩu vào thị trường họ. Tuy nhiên con số này chỉ bằng ½ so với năm 2017 và năm 2016, và “chưa thấm vào đâu” so với những năm trước đó. Trong giai đoạn những năm 2002-2013, Việt Nam là nước đứng đầu danh sách các nước bị EU từ chối nhập khẩu 40% sản lượng (tiếp đến là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan). Ngay ở thời điểm hiện tại, ngành thủy sản của chúng ta cũng đang như “ngồi trên lửa” khi bị dính án “thẻ vàng” IUU (quy định về khai thác đánh bắt hải sản có trách nhiệm mà EU đặt ra).

Trở lại với con số 80 lô hàng bị đối tác cảnh báo không đảm bảo chất lượng trong năm 2018, có thể thấy, đây là con số đã giảm so với những năm trước đó. Điều này là minh chứng cho thấy, theo thời gian các sản phẩm nông lâm thủy hải sản của Việt Nam đã dần đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe từ phía thị trường EU cũng như các thị trường khó tính khác. Các DN đã tập trung vào những sản phẩm chất lượng bằng cách đầu tư thiết bị máy móc công nghệ cao, đáp ứng quy chuẩn quốc tế. Song, trên thực tế, số DN có đủ công nghệ sản xuất để đáp ứng được các tiêu chuẩn ngặt nghèo phía đối tác không nhiều. Chỉ có khoảng 5% DN nhỏ và vừa hiện nay có quy trình chế biến nông thủy sản đáp ứng quy định các thị trường lớn, còn lại hầu như các DN đều chưa đáp ứng được.

Theo chia sẻ của các chuyên gia nước ngoài, nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay nhiều DN Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU. Nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại EU như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải… EU vốn đã từng là một đối tác tiềm năng của Việt Nam nay lại càng trở nên quan trọng hơn khi chúng ta đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định này sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2019 này. Đây là hiệp định được đánh giá sẽ tạo bước ngoặt lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường với hơn 500 triệu dân này. Song, để có thể tận dụng được những cơ hội đó, yếu tố trọng yếu mà các DN Việt phải làm bằng được, đó là sản xuất có trách nhiệm, đáp ứng mọi quy chuẩn khắt khe mà phía đối tác đưa ra về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như những quy định liên quan khác.

Đối với các DN xuất khẩu Việt Nam, có thể những lô hàng nông sản bị trả về hay án phạt thẻ vàng IUU sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ về tài chính, về lợi nhuận song, cái mà DN của chúng ta có được lớn hơn rất nhiều lần. Đó là chữ tín, là thương hiệu, là hệ thống quản lý đạt chuẩn quốc tế… khi chúng ta tập trung khắc phục tất cả những điểm yếu nói trên. Có DN cho hay, từ những quy định khắc nghiệt của đối tác, họ có thể bứt lên để nâng sức cạnh tranh. Không hề “tự ái” với những thị trường khó tính để đi tìm các thị trường dễ tính hơn, DN của chúng ta vẫn nỗ lực khắc phục những điểm yếu của mình để hướng đến thị trường có tiêu chuẩn cao như EU. Bằng chứng là, nhiều DN đã đầu tư công nghệ vào dây chuyền sản xuất, tìm các giải pháp đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường, tiết kiệm năng lượng, an sinh xã hội… Bởi tất cả các DN đều hiểu rất rõ rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, quá dễ dãi với bản thân là họ sẽ tự đánh mất tất cả. Và hơn hết cả, khi mỗi DN có ý thức, trách nhiệm trong những sản phẩm của mình là họ đang góp phần đưa nền nông nghiệp nước nhà hướng đến sự phát triển, hội nhập bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm của doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO