Trách nhiệm của quản lý thị trường

Thế Tuấn 31/08/2022 07:56

3 ngày qua, tại các cảng cá Phan Thiết, Phan Rí Cửa, Phú Hải (tỉnh Bình Thuận), nhiều cây xăng báo hết dầu khiến chủ tàu không thể ra khơi, đúng vào lúc cao điểm vụ nam, thời tiết thuận lợi. Nhiều ngư dân phải mang can đến các cây xăng khác để mua nhưng cửa hàng cũng chỉ bán nhỏ giọt cho những khách hàng quen. Tuy nhiên, chuyện này không chỉ có ở Bình Thuận. Tại sao vậy?

Lý do chính là chủ các cây xăng đợi lên giá, vì đến ngày 1/9 sẽ là kỳ điều hành giá mới. Theo cách tính toán của họ, giá xăng dầu đã 6 lần giảm liên tiếp, lần mới nhất là đứng giá, thì lần kế tiếp giá sẽ được điều chỉnh lên. Chính vì thế, họ đã “găm” hàng, không bán.

Cũng chính vì vậy mà Bộ Công thương đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo các Cục QLTT chỉ đạo các đội QLTT giám sát 24/24 giờ, làm việc với các cây xăng để không xảy ra tình trạng thiếu hàng và đóng cửa. Nếu xảy ra tình trạng này cần có biện pháp xử lý ngay lập tức. Trường hợp cửa hàng xăng dầu hết hàng, đóng cửa, các Cục QLTT (hoặc giao cho Đội QLTT) ra quyết định kiểm tra hoặc giám sát các cửa hàng này để làm rõ nguyên nhân, phạt nặng nếu các thương nhân cung ứng xăng dầu vi phạm. Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nếu hết hàng, khi kiểm tra, giám sát phải “đo bồn” và đối chiếu hóa đơn mua bán hàng để xác định lượng hàng tồn kho.

Đây là động thái quyết liệt của Bộ Công thương đối với mặt hàng xăng dầu, “cột” trách nhiệm cho lực lượng QLTT.

Trước đó, ngày 26/8, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã chủ trì họp khẩn với các đơn vị liên quan điều hành xăng dầu. Nhận xét về những bất cập phát sinh, ông Diên cho rằng đó là điều “hết sức không bình thường” vì chúng ta đã sử dụng các công cụ thuế và quỹ bình ổn để điều tiết giá xăng dầu.

Cũng nên nhắc lại rằng, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để bình ổn, kéo giảm giá xăng dầu. Tới thời điểm này, giá xăng dầu (trung bình) đã trở về mức tương đương trước đây 1 năm. Cụ thể, ngày 26/8/2021, giá xăng RON95-III là 25.840 đồng/lít; thì hiện nay là 25.150 đồng/lít.

Trở lại với việc “găm” hàng đợi lên giá, chủ các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu sẽ phải chịu trách nhiệm gì? Nói dễ hiểu là họ sẽ bị xử phạt ra sao.

Tại Công văn số 1155, ngày 8/3/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng, sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Còn tại Điều 30 Nghị định 67/NĐ-CP về xử phạt lĩnh vực xăng dầu, với hành vi không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng; Niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, không dễ thấy sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 20 đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; Không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng…

Chưa hết, tại khoản 1 Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính sẽ bị phạt tiền, phạt tù. Cụ thể, phạm tội trong trường hợp hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội trong trường hợp hàng hoá trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1,5 đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Vậy cây xăng có được tự ý đóng cửa?

Tại Khoản 21 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 đã quy định rõ, thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ ngừng bán hàng sau khi được Sở Công thương chấp thuận bằng văn bản. Nếu cây xăng tự ý đóng cửa thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 35 Nghị định số 99/2020 của Chính phủ với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Xăng dầu không chỉ là mặt hàng thiết yếu mà còn là mặt hàng bình ổn, việc “găm” hàng nhằm trục lợi (hoặc là cắt lỗ) thì cũng đều vi phạm pháp luật. Các quy định pháp luật đã đầy đủ, vấn đề còn lại thuộc về trách nhiệm xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là lực lượng QLTT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm của quản lý thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO