Trách nhiệm giải ngân

H.Vũ (thực hiện) 15/10/2018 07:00

Hiện nay kế hoạch vốn và giải ngân vẫn rất chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn. Nhiều dự án quan trọng của quốc gia không đảm bảo tiến độ, chưa tuân thủ được quy định về tổng mức đầu tư đã quyết định. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chúng ta phải xử lý mạnh tay hơn, chậm ở khâu nào thì cần xử lý trách nhiệm của cơ quan có liên quan, như vậy tính nghiêm minh trong việc thực thi các dự án đầu tư công sẽ tốt hơn.

Trách nhiệm giải ngân

Ông Trần Anh Tuấn.

Hôm nay (15/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Báo cáo của Chính phủ về việc đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu ưu công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã cho thấy những lo ngại khi việc giao kế hoạch vốn và giải ngân quá chậm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả nguồn vốn. Nhiều dự án quan trọng quốc gia không bảo đảm tiến độ, chưa tuân thủ quy định về tổng mức đầu tư đã quyết định. Trao đổi với ĐĐK, ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chậm ở khâu nào thì cần xử lý trách nhiệm của cơ quan có liên quan.

PV:Thưa, ông nghĩ sao khi hiện nay hiệu quả đầu tư công của Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 của Singapore, 1/2 của Thái Lan và 2/3 Trung Quốc?

Ông Trần Anh Tuấn: Hiệu quả đầu tư công của Việt Nam thấp do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất do khâu chuẩn bị quá lâu, tất cả các dự án liên quan đến đầu tư công từ chủ trương cho đến triển khai thực hiện, thi công. Cho nên vốn dự kiến đối với dự án bị biến đổi, đội vốn lên rất lớn. Có nhiều dự án bị đội vốn lên gấp 1,5- 2 lần, thậm chí có dự án hơn 2 lần. Trong khi đó tại một số nước thì dự án được làm rất nhanh, từ khi có chủ trương là làm tư vấn, đấu thầu công khai minh bạch, lựa chọn nhà đầu tư có nguồn lực là thi công ngay. Cho nên thời gian chỉ bằng 1/3 của nước ta.

Thứ hai, năng lực thi công của một số nhà đầu tư dù đã thông qua đấu thầu, nhưng trong quá trình triển khai thi công lại thiếu năng lực, chưa huy động được nguồn lực, kể cả đơn vị thi công không đủ năng lực và kỹ thuật thi công các hạng mục khác nhau của một công trình dẫn tới thời gian thi công bị kéo dài. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát hiện nay của chúng ta chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới một số công trình sau khi thi công xong thì xuống cấp nhanh. Từ đó khiến cho đa phần những dự án đầu tư công của ta kém hiệu quả.

Hiệu quả đầu tư công thấp, nhưng ông nghĩ sao khi thực tế lại có việc một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dự án đưa vào danh mục?

- Trong mấy năm qua Chính phủ đã có sự lựa chọn ưu tiên trong đầu tư phát triển. Vấn đề là chúng ta làm không theo kịp tiến độ; rồi quá trình giám sát về chất lượng cũng chưa được chặt chẽ. Tất cả làm cho đầu tư công bị giảm và lãng phí rất nhiều. Hiện nay thông qua nhiều kênh như báo chí, người dân và chuyên gia góp ý nhiều về thứ tự ưu tiên trong bố trí vốn đầu tư công nên Chính phủ đã có điều hành, điều chỉnh kịp thời trong việc bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, ưu tiên. Bên cạnh đó, thời gian qua chúng ta đã có đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho các công trình ở khu vực nông thôn, miền núi để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Đây là sự đầu tư cần thiết nhưng trong quá trình làm cũng có một số bị dàn trải.

Trách nhiệm giải ngân - 1

Minh họa: Dungchoai.

Thưa ông, phải chăng đã đến lúc cần phải làm rõ trách nhiệm trong việc bố trí, phân bổ, sử dụng vốn không phù hợp?

- Đúng vậy, làm rõ trách nhiệm là cái chúng ta cần làm mạnh hơn trong thời gian tới. Bây giờ từ khâu thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện nếu làm chậm khâu nào, liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nào thì phải minh bạch trong xử lý, như vậy tính nghiêm minh trong việc thực thi các dự án đầu tư công sẽ tốt hơn. Hiện nay, việc xử lý chưa thật sự đúng người, đúng tội, đúng việc. Việc đó đã làm ảnh hưởng tới quá trình thực thi, tính nghiêm minh của pháp luật. Và hệ lụy là trách nhiệm không rõ ràng, dẫn tới tất cả các dự án đầu tư công kém đi tính hiệu quả.

Vậy chúng ta cần giải pháp nào để hiệu quả đầu tư công được nâng lên và gỡ được nút thắt hiện nay là nhiều dự án phân bổ vốn còn thiếu, thưa ông?

- Đầu tư công là nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội. Khi đầu tư hiệu quả sẽ mang lại tính lan tỏa tốt, thu hút được các nguồn vốn xã hội vào đầu tư. Ví dụ trong một dự án đầu tư, những chỗ nhà đầu tư tư nhân bên ngoài thấy kém hấp dẫn thì Nhà nước phải bỏ ngân sách ra để đầu tư vào những chỗ đó làm cho dự án khả thi lên. Cho nên vốn nhà nước là “vốn mồi”, còn để thực hiện toàn bộ dự án, cần thu hút nguồn vốn từ bên ngoài vào. Khi thu hút được nguồn vốn, những công trình lớn sẽ đáp ứng được vốn và sẽ tiếp tục tạo ra được cơ sở hạ tầng tốt cho xã hội. Vốn của Nhà nước vừa đem lại hiệu quả trực tiếp và gián tiếp đến thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài là như vậy.

Trong đầu tư công hiện nay, nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng là rất lớn nhưng nhiều dự án hiện nay đang bị thiếu vốn. Chính vì vậy bây giờ phải có hình thức giảm chi thường xuyên, cải cách tinh giản bộ máy để tăng tiền chi cho đầu tư phát triển, tập trung vốn cho những công trình trọng điểm cấp quốc gia và địa phương là điều cấp thiết.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm giải ngân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO