Trách nhiệm khi để dự án đội vốn và kéo dài

H.Vũ (thực hiện) 27/05/2019 08:00

Tham nhũng và lãng phí được coi là “anh em sinh đôi”. Trong khi tham nhũng được xử lý thì lãng phí ít được phát hiện, xử lý ngăn chặn nên tình trạng lãng phí đang được xem là nỗi lo của toàn xã hội. Đáng chú ý tình trạng thi công các dự án khiến đội vốn, kéo dài gây lãng phí nhưng chưa được xử lý và quy trách nhiệm đang khiến dư luận bức xúc.

Trao đổi với ĐĐK, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần phải quy trách nhiệm đơn vị, cá nhân để xử lý trách nhiệm.

Trách nhiệm khi để dự án đội vốn và kéo dài

Ông Hoàng Văn Cường. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa ông hiện tại một số công trình giao thông có sử dụng vốn vay ODA đều có tình trạng đội vốn cao gấp nhiều lần so với dự toán được duyệt và gây lãng phí. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

Ông Hoàng Văn Cường: Hạn chế, nhược điểm trong các dự án ODA, đặc biệt là ODA song phương thường có tình trạng đội vốn do quá trình khảo sát ban đầu không kỹ, dẫn đến thi công phát sinh những yếu tố phải điều chỉnh. Như vậy không chỉ làm cho vốn tăng lên còn làm cho thời gian hoàn thành dự án bị kéo dài.

Nguyên nhân rất cơ bản của tình trạng này là do quá trình chúng ta xây dựng các dự án thường không phải chủ động của đơn vị sử dụng vốn, chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào bên đối tác cung cấp vốn và những hợp đồng khi thỏa thuận với nhà cung cấp vốn ta thường để yếu tố bất lợi về phía chúng ta. Ví dụ khi nhận các vốn ODA song phương thì kèm theo điều kiện như: Nhà thầu của đơn vị cấp vốn, rồi sử dụng thiết bị kỹ thuật nguyên vật liệu của những nước đó bán cho mình, thậm chí là sử dụng đội ngũ chuyên gia của nước đó với chi phí rất cao. Tất cả làm cho những dự án ODA vay với mức lãi suất có vẻ thấp nhưng tổng chi phí lại trở thành cao.

Vậy chúng ta cần giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

- Việc phải huy động vốn ODA là rất cần thiết vì chúng ta đang trong quá trình thiếu vốn, cần đầu tư nhiều. Do đó phải thay đổi cách thức, trước hết là những đơn vị nhận vốn ODA phải tăng vai trò và trách nhiệm của họ chứ không phải nhận được vốn, có vốn rồi sau này hiệu quả không cần quan tâm. Như vậy trong quy định phải tăng phần tự vay, tự trả, không phải nhận vốn sau đó trách nhiệm trả thuộc về Nhà nước. Khi tăng phần tự vay tự trả, những đơn vị nhận vốn sẽ có trách nhiệm hơn trong việc thiết kế các dự án, thỏa thuận các điều khoản để làm sao ít bất lợi nhất. Thứ hai, đối với những dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện 100% Nhà nước phải tự vay tự trả thì ta phải tăng cường vai trò của những cơ quan trong nước trong việc thiết kế các dự án, giành quyền chủ động hơn để đưa ra những thiết kế chính xác, đặc biệt là quá trình thỏa thuận những điều khoản vay vốn, tránh việc lệ thuộc vào điều khoản bất lợi như thời gian vừa qua.

Thực tế thì tình trạng các dự án bị đội vốn kéo dài diễn ra đã nhiều năm, chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng đến nay vẫn không khắc phục được, theo ông nguyên nhân là do đâu?

- Thứ nhất không có cơ quan tư vấn lập các thiết kế tốt; thứ hai không quy trách nhiệm cho họ. Nếu lập dự án mà sau này phát sinh những vấn đề trong triển khai thì trách nhiệm của cơ quan tư vấn lập dự án phải được xem xét, xử lý. Chúng ta chưa bao giờ xử lý các cơ quan này cho nên họ cứ lập dự án, có dự án xong là hưởng thù lao, còn trong quá trình triển khai ai chịu trách nhiệm như thế nào thì gần như họ không bị quy trách nhiệm.

Yếu tố thứ hai là đối với hợp đồng để thầu, khi tiến hành các hợp đồng thầu phải cho các nhà thầu đó được tham gia vào quá trình khảo sát các phương án triển khai để bản thân các nhà thầu này khi đã nhận thầu rồi thì quá trình sự thay đổi, phát sinh phải hạn chế tới mức tối thiểu. Nếu chúng ta làm tốt việc đó tôi nghĩ việc điều chỉnh sẽ ít đi.

Nhưng ông nghĩ sao khi tình trạng tham nhũng thì ta xử lý còn việc đội vốn kéo dài cũng là tình trạng lãng phí nhưng không thể quy được trách nhiệm cho đơn vị nào?

- Chúng ta phải quy trách nhiệm cho những đơn vị cụ thể. Ví dụ do quá trình khảo sát thiết kế không đúng thì sau này các đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát đó phải chịu trách nhiệm. Còn nếu như anh đưa ra các phương án tư vấn thiết kế tốt nhưng người phê duyệt dự án lại chọn phương án khác mà phương án đó sau này phát sinh thì cơ quan đơn vị chọn phương án thiết kế đó phải chịu trách nhiệm. Nếu như thiết kế đúng, khảo sát đúng, phê duyệt dự án đúng nhưng quá trình thi công lại phát sinh thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm.

Lâu nay chúng ta không quy trách nhiệm cho các đơn vị và đó là kẽ hở dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

- Rõ ràng đó là lỗ hổng lớn nhất. Chính vì vậy những cơ quan tư vấn, thậm chí cơ quan phê duyệt họ cứ làm cho xong để làm sao có được dự án để được nhận vốn, sau quá trình thực hiện thì điều chỉnh. Thậm chí có khi họ biết trước quá trình này sẽ phải điều chỉnh nhưng họ đưa ra mức thiết kế rất nhanh để xếp hàng cho nhanh, thậm chí có thể ứng vốn ban đầu thấp để phê duyệt nhanh hơn vì nếu vốn cao dự án sẽ sang nhóm khác nên chậm.

Từ tình trạng các dự án kéo dài trong thời gian qua cũng như giải ngân đầu tư công thấp, theo ông hệ thống pháp luật của ta cần sửa đổi thế nào cho hoàn thiện hơn?

- Tôi nghĩ rằng Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này là một yếu tố cần thay đổi nhiều nhất. Thứ nhất phải xác định rõ trách nhiệm của những cơ quan, trong luật phải chỉ rõ trách nhiệm của những cơ quan này. Thứ hai, giải ngân chậm do quy trình của chúng ta thực hiện các dự án quá nhiều khâu phức tạp cho nên trong luật lần này phải thay đổi làm sao đơn giản hóa khâu đó đi. Thứ ba, việc lựa chọn dự án nào sẵn sàng đưa vào giải ngân là vấn đề đáng quan tâm vì hiện nay có nhiều dự án được phê duyệt, được cấp vốn nhưng không giải ngân được do quá trình chuẩn bị dự án rất vội vàng. Khi rót tiền vào mới triển khai giải ngân, muốn triển khai giải ngân phải chuẩn bị thiết kế xem đã chuẩn chưa? Các thủ tục để thực hiện giải ngân. Khi người ta chuẩn bị ban đầu chưa tốt thì rót vốn vào rồi cả năm không triển khai được, đó là cái mà chúng ta cần thay đổi quy trình lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào phân bổ ngân sách.

Trong báo cáo kinh tế - xã hội 2019 đã nhắc đến việc cần cắt giảm các thủ tục hành chính, vậy phải chăng ngay trong các luật của ta vẫn còn quá nhiều thủ tục và cần phải cắt giảm, thưa ông?

- Vì chúng ta không quy trách nhiệm rõ ràng nên phải trải qua nhiều khâu, nhiều người tham gia. Còn nếu quy trách nhiệm rõ ràng thì không phải qua nhiều khâu nữa, nó sẽ bị cắt giảm đi.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm khi để dự án đội vốn và kéo dài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO