Trách nhiệm, lòng thương với học trò

Việt Quỳnh (thực hiện) 13/09/2018 10:07

Khi những gian lận thi cử vừa qua tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình lần lượt được đưa ra trước pháp luật và công luận, các thầy cô bị khởi tố, đã tạo ra bức tranh ảm đạm đầy tiêu cực về giáo dục. Tuy nhiên, đó chỉ là một góc tối mà dư luận đang chăm chăm nhìn và để đào bới. Còn đó nhiều giáo viên tận tâm với nghề, khi đã xác định rõ ràng rằng, công việc hàng ngày trên bục giảng, đó là trao đi kĩ năng sống, và gieo trồng nhân cách tích cực tới học trò.

Trách nhiệm, lòng thương với học trò

Tình thầy trò giữa hai nhà nghiên cứu Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng.

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật/ Họa sĩ Nguyễn Quân từng nói về học trò của mình - Nhà nghiên cứu Nghệ thuật/ Họa sĩ Phan Cẩm Thượng:

“Anh Thượng là người giỏi trước khi học tôi. Tôi không rõ anh đã học được gì ở mình nhưng tôi tự hào về nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng bởi những điều khác tôi, hơn tôi của anh ấy. Hợp tác làm việc với anh cũng vui và thuận tiện. (…)

Khi tôi giới thiệu Phan Cẩm Thượng với Thái Bá Vân có ý ‘gửi gắm’ thì ông Vân cười gật gù bảo: Ông ấy ‘xong’ rồi! nghĩa là đã ‘thành’ chả cần giúp đỡ gì nữa. Nghiêm túc thì chả ai dậy ai được điều gì, chỉ có ta tự biết phải học ở người khác cái gì mà thôi”.

Một người thầy mà nhìn thấy, và nói rõ việc học trò hơn mình, và có ý gửi gắm để một nhân vật kiệt xuất khác dạy dỗ, và người này cũng nói rằng, học trò ấy đã thành, không cần gì giúp đỡ… đủ thấy sự Biết từ thông tuệ. Một học trò cũng rõ bản thân, thì tức khắc cũng biết tìm thầy cho mình. Một người thầy giỏi, là biết cái tài của trò, để hỗ trợ cho việc trau dồi và phát huy nó. Cái đó là sự cộng hưởng từ hai phía.

Về sau, Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cũng trở thành người thầy đứng trên giảng đường, và ông cũng lấy tấm chân tình mà đối đãi với học trò. Giờ đây, học trò đã trưởng thành, và gặt hái nhiều thành công lớn, thì họ vẫn cung kính trang nghiêm với thầy Thượng. Cũng như thầy Thượng rất mực giữ lễ nghĩa trọn đạo với thầy Quân.

Về sự kính trọng, rất nhiều sinh viên sau này khi ra trường, thành lãnh đạo tại các trung tâm nghiên cứu, vẫn nhắc nhớ, gửi niềm kính yêu về Nhà khoa học Nguyễn Kim Sơn. Hiện Thầy Sơn đang giữ trọng trách là Giám đốc Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, nhưng vẫn không ngừng tổ chức, thực hiện các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội và nhân văn. Thầy luôn có kết nối thân thiết với học trò của mình, và tạo đưa thông tin, tạo điều kiện hỗ trợ cho những ai muốn tiếp tục đi trên con đường nghiên cứu.

Tại Khoa Văn học (Trường ĐH KH XH & NV), nhiều thế hệ sinh viên luôn bày tỏ sự trân trọng đối với Nhà nghiên cứu Văn học Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thầy Vĩ được giữ lại làm giảng viên môn Văn học dân gian Việt Nam. Thầy Vĩ đã thực hiện hàng chục công trình nghiên cứu, sáng tác nhiều thi phú, là một trong những sáng lập viên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đã đóng góp cho bảo tàng nhiều tư liệu, ký tự cổ của người Việt Nam từ cổ đại đến nay. Không chỉ tận tâm trong việc giảng dạy, thầy Vĩ thường quan tâm, lo lắng và cùng chia sẻ đến hoàn cảnh sống của mỗi sinh viên, đối đã với sinh viên như người thân trong gia đình, nhất là sinh viên nghèo hiếu học.

Một người thầy, không những có tâm, mà còn luôn trau dồi chuyên môn, không ngừng học hỏi tiếp thu những kiến thức mới, để từ đó truyền tới học trò mình. Trường lớp vốn là không gian cho việc học hỏi và truyền dạy. Người giáo viên trước hết cần phải ý thức rõ về nghề nghiệp. Không vì cái danh, cái lợi, cái bản ngã “thầy” trước mắt, mà vùi dập những mầm non.

Cũng chính từ việc “trồng người”, là một người thầy có thể gây nhiều nhân phúc lành, đồng thời, cũng tự gây họa lớn cho bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm, lòng thương với học trò

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO