Trách nhiệm trước lịch sử

Thành Vĩnh 17/03/2016 11:13

Quốc hội đang chuẩn bị cho kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIII. Trong khi công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới – bầu cử Quốc hội khóa XIV – vẫn đang được tiến hành cẩn trọng, theo đúng qui định của pháp luật và đang được nhân dân quan tâm, trông đợi. Với trách nhiệm là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, trở thành đại biểu Quốc hội không phải để có một thứ danh mà là để thực hành quyền lực mà nhân dân gửi gắm qua lá phiếu lựa chọn của họ.

Tranh minh họa.

Có thể nói xã hội đang trải qua những ngày đáng mừng. Dân chủ ngày càng được mở rộng và việc thực hành dân chủ cũng đang ngày một nhuần nhuyễn hơn cả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước lẫn từ phía nhân dân. Thông tin chốt lại của Ủy ban bầu cử các cấp trước ngày Hiệp thương vòng 2 cho thấy danh sách những người tự ứng cử đã tăng lên đáng kể so với nhiều kỳ bầu cử trước. Trong đó có nhiều nhân sĩ, trí thức đã nộp đơn tự ứng cử - một biểu hiện dấn thân, không thờ ơ với việc nước, việc dân thật đáng hoan nghênh. Bởi vì, giữa việc đứng ngoài thờ ơ hoặc chỉ trích thì sự nhập cuộc, thực sự chung tay gánh vác vì mục tiêu chung là làm cho xã hội ngày một tốt lên, nhân dân ngày càng hạnh phúc và giàu mạnh hơn, có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Quan điểm tìm người tài đức trong thiên hạ đứng ra gánh vác việc chung được Hồ Chủ tịch bố cáo trên báo Cứu Quốc ngay từ những ngày chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa 1, năm 1946, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự và thực tiễn.

Vào những ngày chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa 14 này, nhiều lãnh đạo của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã bày tỏ trên báo chí một quan điểm nhất quán: Không có sự phân biệt giữa người ứng cử và người tự ứng cử. Trong đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha khẳng định: “Người tự ứng cử đương nhiên bình đẳng cùng những người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu để Mặt trận hiệp thương lựa chọn”. Còn theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim thì “không có rào cản nào đối với người tự ứng cử”. Bình luận việc có nhiều người tự ứng cử lần này, ông Kim cho rằng đó là điều đáng mừng, cho thấy không khí dân chủ của xã hội. Điều này phù hợp với xu thế phát triển, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trong bầu cử lần này.

Tuy nhiên, cho dù là được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử, đủ tiêu chuẩn và điều kiện vẫn là tiêu chí đầu tiên. Trở thành đại biểu Quốc hội là thực hiện một trách nhiệm nặng nề mà nhân dân gửi gắm, để thực sự đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân. Nói như Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha, ứng cử đại biểu Quốc hội là một việc nghiêm túc, “những người có ý định tự ứng cử phải hết sức nghiêm túc nếu cảm thấy mình đủ tiêu chuẩn và đủ điều kiện làm nhiệm vụ đại biểu hãy ra ứng cử chứ đừng coi bầu cử đại biểu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp như một phép thử dân chủ”. Thậm chí theo ông Vũ Trọng Kim, không phải chỉ có người tự ứng cử cần cân nhắc xem có đủ điều kiện và quyết tâm hay không mà ngay cả đối với người được giới thiệu ứng cử, tự thấy mình chưa thật sự sẵn sàng để trở thành một đại biểu Quốc hội thì cũng nên tự xin thôi.

Như thế để thấy ứng cử Quốc hội (được giới thiệu hay tự ứng cử) cũng là việc cực kỳ quan trọng. Một đại biểu Quốc hội khi hoạt động không phải chỉ đại diện cho cá nhân mình, không phải chỉ vì lợi ích của chính mình và gia đình mình, không phải chỉ để cho có đủ cơ cấu thành phần. Quyền lợi của nhân dân, tương lai của đất nước (ít nhất là một nhiệm kỳ 5 năm, chưa kể việc làm luật và phê duyệt các quy hoạch, dự án, việc thông qua các mục tiêu kinh tế - xã hội tầm nhìn vài chục năm… có tác động tới lâu dài) là việc cực kỳ trọng đại, không phải là việc để ai đó sử dụng như một “phép thử dân chủ” hoặc để “nếu trúng cử thì có cơ hội học tập, tích lũy kinh nghiệm”. Đại biểu Quốc hội là thực quyền và quyền lực ấy phải được thực thi nghiêm túc và hiệu quả. Ứng cử hay tự ứng cử đều được đảm bảo công bằng như nhau nhưng cũng đòi hỏi tiêu chuẩn và trách nhiệm công bằng như nhau.

Hôm nay, 17/3, sẽ diễn ra Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2. Tìm và lựa chọn được người tài đức là việc khó. Đang có một nỗi chờ đợi và kỳ vọng lớn, rất thật, trong tâm trạng của nhân dân. Nguyện vọng của nhân dân không có gì khác là một nguyên tắc sống còn: Mong muốn về một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Điều này được thể hiện rõ ràng và sinh động ở Quốc hội và đại biểu Quốc hội, cơ quan thực hiện quyền lực của nhân dân. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử để nhân dân lựa chọn làm sao xứng đáng với một nhiệm kỳ Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và lòng mong mỏi của nhân dân.

Quốc hội giải quyết những việc lớn của đất nước. Sẽ là sáo rỗng nếu chỉ nói đáp ứng nguyện vọng của nhân dân bằng ngôn từ trên giấy. Sự trông đợi của nhân dân phải được thể hiện bằng một khóa Quốc hội thực chất và hiệu quả. Để nhân dân phải thấy được sự chuyển biến thật sự của nền kinh tế, đời sống nhân dân đạt tới sự ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống được cải thiện, đói nghèo ngày càng giảm…

Khi nhân dân còn kỳ vọng là nhân dân vẫn luôn đặt niềm tin, gửi gắm niềm tin vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Chất lượng của bầu cử Quốc hội quyết định việc củng cố niềm tin ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm trước lịch sử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO