Trái ngọt cho núi rừng Đakrông

Bình Nguyên 31/08/2017 09:10

Bà Lý Kiều Vân, Bí thư Huyện ủy Đakrông, tỉnh Quảng Trị ví những trí thức trẻ ở miền xuôi lên các xã hẻo lánh, khó khăn của huyện công tác như những nhánh cây xanh đơm trái ngọt đầu mùa.

Những trí thức còn rất trẻ, gắn bó với núi rừng Đkrông, với chiến khu lừng lẫy Ba Lòng, đem theo ngọn lửa nhiệt tình, luôn nghĩ cách làm cho đời sống của đồng bào được no ấm, thôn bản đổi thay, giàu đẹp.

Phó Chủ tịch xã Ba Lòng Nguyễn Minh Luận.

Ngay từ những ngày đầu được phân công về với rừng núi chiến khu Ba Lòng theo Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, anh Nguyễn Minh Luận, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của xã Ba Lòng, đã nung nấu khát vọng làm giàu cho vùng đất này.

Người thanh niên quê huyện Triệu Phong, đem theo hành trang là vốn kiến thức tiếp thu được ở trường đại học Nông – Lâm (Huế), trăn trở rất nhiều. Để giúp đồng bào thay đổi nhận thức, cung cách sản xuất, phát triển kinh tế, Luận xin đồng bào cho mình cùng ăn, cùng ở trong nhà.

Quá trình chung sống với đồng bào đã giúp Phó Chủ tịch xã Nguyễn Minh Luận tìm ra định hướng phát triển kinh tế, thay đổi đời sống của người dân Ba Lòng

Ba Lòng có 10 thôn, bản với hơn 3 ngàn dân sống bằng phương thức sản xuất nông nghiệp manh mún. Nguyễn Minh Luận, bàn bạc cùng Chủ tịch UBND xã Ba Lòng, vận động đồng bào Pa Kô, Vân Kiều thay đổi quan niệm, phương thức thức sản xuất lạc hậu.

Từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển sang đầu tư sản xuất thâm canh các cây, con chủ lực của xã như đậu xanh, ngô, lạc, chủ động làm lại lúa nước để đảm bảo lương thực, quy hoạch lại chăn nuôi trâu, bò, dê chuồng trại, thay vì thả hoang và trồng rừng. Kết quả là liên tiếp những vụ sản xuất, cây trồng và vật nuôi ở Ba Lòng được mùa, năng suất cao.

Ra đường mọi người ai cũng nhắc đến cán bộ Luận. Mọi người kiến nghị cấp trên cho anh Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Luận ở lại Ba Lòng, giúp dân từng bước phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn.

Những ngày cuối tháng 8/2017, chúng tôi lên Ba Lòng và được Nguyễn Minh Luận hồ hởi cho biết vợ chồng anh đã quyết định ở lại vùng đất chiến khu xưa. Vợ anh là cô giáo Nguyễn Thị Thu Sương từ miền xuôi lên đây công tác. 2 vợ chồng đã có đứa con 15 tháng tuổi, họ sống hạnh phúc bên nhau trong căn nhà nhỏ nơi vùng đất chiến khu Ba Lòng.

Anh Nguyễn Đức Linh, hiện là Phó Bí thư Huyện đoàn Đakrông, nhớ lại những ngày đầu được phân công về làm Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó phụ trách lĩnh vực kinh tế - nông nghiệp.

Những gì học được ở trường đại học Nông – Lâm (Huế) chưa thể áp dụng ngay vào đời sống sản xuất của đồng bào. Muốn mọi người cùng nghe theo mình, thay đổi thói quen sản xuất, canh tác, người thanh niên Nguyễn Đức Linh đã phải đến từng nhà vận động, thuyết phục.

Dần dà mọi người cũng hiểu ra, cùng Phó Chủ tịch xã Nguyễn Đức Linh xây dựng mô hình thoát nghèo, bắt đầu từ trồng cỏ nuôi bò.

Mỗi hộ dân được huyện hỗ trợ 2 con bò. Anh Linh vận động người dân làm chuồng nuôi bò và trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Hộ này làm, hộ khác trong xã nhìn theo, hưởng ứng nên đàn bò ở Mò Ó tăng nhanh. Sau 5 năm, thực hiện mô hình chăn nuôi bò, Mò Ó đã có 20/24 hộ thoát nghèo.

Dòng sông Ba Lòng của vùng rừng núi chiến khu xưa. (Ảnh Bình Nguyên).

Rời trường đại học Kinh tế (Huế), trí thức trẻ Đỗ Thị Thanh Tình được phân công về làm Phó Chủ tịch xã Hướng Hiệp. Ngay từ ngày đầu về xã miền núi khó khăn này nhận công tác, Đỗ Thị Thanh Tình nhận thấy địa phương có lợi thế chăn nuôi nhưng thiếu định hướng, quy hoạch.

Từ vốn kiến thức sẵn có, chị Tình thuyết phục mọi người bỏ dần cung cách chăn nuôi thả rông, làm chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc.

Khi cách làm này phát huy được hiệu quả, cô gái trẻ Đỗ Thị Tình bắt đầu định hướng cho các hộ dân làm mô hình gia trại nuôi trâu bò, heo, dê với số lượng lớn để cung cấp cho thị trường.

Ông Hồ Ai Can ở thôn Pa Loang cho biết nhờ sự giúp đỡ của Phó Chủ tịch xã Đỗ Thị Thanh Tình mà nhà ông đã có gia trại hàng chục con dê, con heo như hiện nay. Thôn Pa Loang có 6 gia đình lập được gia trại chăn nuôi, mỗi gia trại rộng 4 đến 5 ha.

Xã Hướng Hiệp có diện tích lúa nước 140 ha, chiếm 1/4 diện tích lúa nước của huyện Đakrông. Chị Tình nhận thấy ruộng lúa ở Hướng Hiệp cho năng suất rất thấp do phần lớn đều ở trên các triền đồi, núi, phân bón dễ bị nước làm trôi hết các vi chất dinh dưỡng.

Chị Tình giúp dân sản xuất phân bón viên dúi (nén phân N-P-K thành từng viên rồi dúi xuống ruộng lúa để phân thấm dần trong đất).

Sau vụ đầu tiên nhờ bón phân dúi, kiểm soát được vi chất cho cây lúa nên ruộng cho năng suất từ chỗ 29 tạ/ha tăng lên đến 42 tạ/ha.

Hiện nay, dù đã ở cương vị công tác mới là Phó Trưởng Ban Kinh tế- Xã hội của HĐND huyện Đakrông, nữ trí thức trẻ Đỗ Thị Thanh Tình vẫn thường đến với các địa phương tìm hiểu, hướng dẫn mọi người cách làm kinh tế hiệu quả để thôn bản giàu đẹp.

Bà Lý Kiều Vân- Bí thư Huyện ủy Đakrông cho biết, rất nhiều mô hình kinh tế được nhân rộng như trồng cỏ nuôi bò nhốt, chăn nuôi gia trại, thâm canh sản xuất, trồng rừng kinh tế, trồng lúa nước ở địa phương này được triển khai, áp dụng thành công từ những trí thức trẻ được phân công lên đây nhận công tác.

Với hành trang là vốn kiến thức đã học được cùng với khát vọng căng tràn, sáng tạo trong cách nghĩ, cánh làm, trí thức trẻ như những nhánh cây đơm “trái ngọt đầu mùa” ở huyện miền núi Đakrông

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trái ngọt cho núi rừng Đakrông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO