'Trầm cảm hậu nghỉ lễ'

Đức Trân 11/02/2022 12:30

Sau một kỳ nghỉ lễ dài ngày, không ít người cảm thấy buồn bã, chán nản khi đi làm, thậm chí có người stress khi trở lại sau kỳ nghỉ vốn được cho là sẽ giúp cải thiện tinh thần, sức khoẻ.

Bác sĩ khám, tư vấn cho bệnh nhân về rối loạn giấc ngủ, lo âu.

Nguyên nhân gây trầm cảm

Trầm cảm hậu nghỉ lễ được coi là một dạng phiền muộn về tinh thần hơn là rối loạn vì tác động mà nó gây ra rất ít và thoáng qua. Nhìn chung, hiện tượng này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và nếu kéo dài thì sẽ được xếp vào dạng trầm cảm “nghiêm trọng”.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng này được cho là do những kỳ vọng không được đáp ứng, những quyết tâm phi thực tế, việc quay trở lại với sự cô đơn và cảm giác tội lỗi vì đã trót vui chơi quá mức. Các triệu chứng phổ biến gồm đau đầu, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, thay đổi về cân nặng và cảm giác thèm ăn, căng thẳng và lo âu, thậm chí là ốm. Khi gặp hiện tượng này, mức hoạt động trong cơ thể bị thay đổi đột ngột. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh giá, mưa phùn như hiện nay cũng khiến nhiều người mắc hội chứng trầm cảm theo mùa - một trong 6 loại trầm cảm thường gặp nhất...

Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hải Yến - Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam lý giải, nguyên nhân là do vào thời điểm này, môi trường bị thiếu ánh sáng mặt trời, thời gian ban ngày thường ngắn hơn bình thường nên khiến đồng hồ sinh học bị thay đổi, não bộ mất đi các melatonin hormone tự nhiên, đồng thời nồng độ serotonin cũng giảm xuống. Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và hệ thần kinh của những người bệnh.

Bệnh xuất hiện có tính chu kỳ, thường chỉ diễn ra vào một thời điểm nhất định trong năm, có thể tái đi tái lại nhiều lần. Tuy nhiên trong thời kỳ diễn ra bệnh nếu không sớm được kiểm soát, người bệnh cũng có những suy nghĩ và hành vi hướng tới việc tự tử.

Gần đây nhất là vụ 2 mẹ con tử vong tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh tối 5/2, đã được công an xác định nguyên nhân do người mẹ bị trầm cảm sau sinh sát hại con rồi tự sát. Cũng trong ngày này, một trường hợp khác cũng là mẹ bị trầm cảm sau sinh sát hại con trai ruột xảy ra tại Hà Tĩnh…

Đau lòng hơn, những trường hợp nói trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thống kê tại Việt Nam cho thấy, số người tự tử hàng năm lên tới 36.000-40.000 người, cao gấp 3 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông; và trầm cảm chiếm khoảng 75% các vụ tự tử kể trên. Tình trạng này cũng phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Căn bệnh nguy hiểm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 3.000 ca tự tử, trong đó có 70% trường hợp có liên quan tới trầm cảm. Cũng theo WHO, trầm cảm là một trong những căn bệnh tinh thần phổ biến nhất thế giới, đồng thời là nguyên nhân gây ra khuyết tật hàng đầu. Ước tính, hiện nay, cuộc sống của khoảng 350 triệu người trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi bệnh lý này.

Nói về tính nguy hiểm của căn bệnh, BS Lê Đình Phương - Trưởng Khoa Nội tổng quát, Y học gia đình và Kiểm tra sức khỏe, Bệnh viện FV cho biết: Diễn biến của bệnh trầm cảm rất lặng lẽ, âm thầm. Trước các biểu hiện ban đầu mơ hồ, khó nhận biết, bản thân bệnh nhân và những người thân bên cạnh thường bỏ qua hoặc coi nhẹ triệu chứng. Vì vậy, dạng rối loạn tinh thần này thường chuyển biến vô cùng phức tạp vào thời điểm được phát hiện và chẩn đoán.

Bệnh lý khiến sức khỏe người bệnh suy kiệt rõ rệt. Họ trở nên lãnh đạm, xa cách, thờ ơ với thế giới xung quanh và thường xuyên bỏ bê chính mình. Những bệnh nhân trầm cảm không muốn ăn uống và không thể tìm thấy hứng thú với những công việc/sở thích mà họ đam mê trước đây. Thời gian trôi qua, hệ thống miễn dịch của người bệnh từ từ suy yếu. Do đó, họ rất dễ chịu ảnh hưởng nặng nề từ những căn bệnh bình thường như nóng sốt, cảm cúm, cảm lạnh…

Căn bệnh lý này cũng dẫn đến nhiều suy nghĩ bi quan, tiêu cực, thúc đẩy bệnh nhân tự làm tổn thương bản thân cũng như gây nguy hiểm cho những người bên cạnh. Đây chính là hậu quả nghiêm trọng và phức tạp nhất của chứng bệnh.

Mặc dù vậy, có một thực tế đáng báo động là tới 80% người mắc trầm cảm không được phát hiện, đồng thời, số ca mắc trầm cảm là người trẻ tuổi đang ngày càng tăng cao. BS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thông tin: Nếu trước đây chỉ có khoảng 20-30 bệnh nhân đến khám/ngày tại Viện Sức khoẻ tâm thần thì những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân đến khám ngày càng tăng. Có ngày Viện tiếp nhận khoảng 300 lượt bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý, tâm thần, trong đó có rất nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi thanh - thiếu niên.

“Ngày nay với rất nhiều yếu tố nguy cơ như áp lực cuộc sống tăng lên, sự phổ biến của các trò chơi trên mạng internet, của các chất ma túy, nhất là các chất ma túy tổng hợp... thì mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm cũng như các rối loạn tâm thần khác. Ở lứa tuổi trẻ em thanh thiếu niên khi nhân cách chưa phát triển toàn diện dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bên ngoài. Vì vậy khi học tập đạt kết quả không như mong muốn hoặc bị bạn bè tẩy chay... cũng dễ xuất hiện các rối loạn tâm thần” - BS Phương lý giải.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có các biểu hiện của trầm cảm như khó ngủ, mất ngủ trong thời gian dài; cảm giác chán ăn, ăn không ngon hoặc ăn nhiều quá mức; cảm thấy bồn chồn, không thoải mái, lo lắng; không muốn nói chuyện, tiếp xúc với người xung quanh hay chậm chạp, chán nản, không có hứng thú với bất kỳ điều gì và luôn bi quan trong mọi việc; có ý nghĩ về tự tử hoặc đã từng tự tử thì nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Trầm cảm hậu nghỉ lễ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO