Trám kẽ hở xe đưa đón học sinh

Vi Cầm 09/10/2019 08:30

Bộ GDĐT vừa đề nghị Bộ GTVT chủ trì việc rà soát, nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải hành khách là học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông. Theo văn bản này, để tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho học sinh, Bộ GDĐT đề nghị Bộ GTVT chủ trì việc rà soát, nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải hành khách là học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông.

Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, mạng lưới trường học được mở rộng cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa phương đã phát triển dịch vụ đưa đón trẻ em và học sinh đi học bằng xe ô tô, tuy nhiên, chưa có quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể về loại hình dịch vụ này. Đầu năm học mới 2019, khi xảy ra vụ trẻ tử vong nghi do trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Trường Gateway (Hà Nội), Bộ GDĐT đã có văn bản gửi giám đốc các sở GDĐT về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô. Dẫu thế đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Đáng buồn hơn, là chỉ hơn 1 tháng sau, một vụ việc bỏ quên trẻ em trên xe đưa đón lại xảy ra trên địa bàn Bắc Ninh, khiến dư luận thực sự bất bình và hoang mang.

Theo ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT), hiện nay dịch vụ đưa đón học sinh diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh, không chỉ ở thành phố mà tại các tỉnh, nhiều phụ huynh cũng tham gia vì điều kiện đường xa, không có nhân lực đưa đón. Tuy nhiên, việc này cũng tồn tại nhiều bất cập như: Chất lượng xe không đảm bảo; ý thức lái xe không cao; hiểu biết pháp luật giao thông, các biện pháp bảo đảm an toàn không có hoặc thiếu...

Từ sự cố đưa đón học sinh tại Trường Gateway, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục, sở GDĐT các tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ôtô phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện để ngăn ngừa những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị Bộ GTVT rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông và sức khỏe cho hành khách là trẻ em trên các phương tiện vận tải. Cũng từ sau sự việc học sinh trường liên cấp Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã ráo riết siết chặt lại quy trình đưa đón để đảm bảo an toàn cho các em. Nhiều người bảo như thế là quá muộn, rằng “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhưng để tránh những hậu quả đáng tiếc lặp lại thì thà muộn còn hơn không…

Thống kê cũng cho thấy, hơn 100 trường học trên địa bàn Hà Nội sử dụng xe đưa đón học sinh. Nếu trung bình mỗi trường sử dụng 10 chuyến mỗi ngày thì sẽ có cả ngàn chuyến xe đưa học sinh đến trường. Đây là một con số không hề nhỏ phản ánh nhu cầu di chuyển của một nhóm đối tượng tham gia giao thông đặc thù. Tuy nhiên, hiện tại dịch vụ đưa đón học sinh vẫn hoàn toàn tự phát, mạnh trường nào trường đó làm, không có bất cứ chuẩn mực nào về giá cả, chất lượng. Việc này tạo ra nguy cơ mất an toàn cho trẻ em bởi khi không có các chuẩn mực bắt buộc thì xe đưa đón học sinh cũng không có gì khác các loại xe hợp đồng vận tải thông thường. Siết quản lý xe đưa đón học sinh việc cần sớm thực hiện, không những để đảm bảo an toàn cho con trẻ, mà còn để kiểm soát nhu cầu giao thông, tạo điều kiện dễ dàng để lên kế hoạch xây dựng các phương án giao thông - nhất là trong nội đô cho phù hợp.

Được biết, hiện xe chở học sinh của các trường học đều thuộc diện xe hợp đồng chở khách theo Nghị định 86/CP. Lái xe hợp đồng có trách nhiệm nắm được số lượng khách trên xe, phải kiểm tra khi xe tới điểm đến. Trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị/chủ xe kinh doanh phải thông báo tới Sở GTVT hành trình, số lượng khách, điểm đưa đón, trả khách. Đặc biệt, xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng có thể nắm lộ trình xe. Vậy, còn xe đưa đón học sinh thì sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trám kẽ hở xe đưa đón học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO