Trấn áp quốc nạn

Nguyên Khánh 28/04/2016 10:29

Ngày 27/4, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 10 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm. Tham nhũng và thực phẩm bẩn- hai vấn đề tuy cách xa nhau nhưng lại đang được coi là quốc nạn. Nếu như tham nhũng là một trong những nguy cơ gây mất ổn định xã hội thì thực phẩm bẩn đẩy người dân vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, không ăn không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận

Trấn áp quốc nạn

Thực phẩm mất an toàn đang là nỗi kinh hoàng của người dân.

Với quốc nạn tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Điều tra đến đâu xét xử đến đó không chờ điều tra đầy đủ mới đưa ra xét xử, kết luận đến đâu xử lý đến đấy, không cầu toàn chờ làm cùng một lúc, vụ nào có điều kiện thì làm trước. Tổng Bí thư nhấn mạnh, “cùng với xử lý bên Nhà nước, phải làm mạnh hơn nữa xử lý kỷ luật Đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần sớm xây dựng quy chế về vấn đề này”.

Với quốc nạn thực phẩm bẩn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi sâu vào vấn đề cốt tử trong những nguyên nhân khiến dân lo sợ ăn gì cũng bẩn mang tên là “trách nhiệm”. Thủ tướng cho rằng, chúng ta có hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, có hệ thống pháp luật đầy đủ.

Trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào mà để dân kêu như thế mà chỉ xử lý chung chung, không ai chịu trách nhiệm? Việc xảy ra tại xã, tại huyện, tại tỉnh, thì lãnh đạo xã, huyện, tỉnh phải chịu trách nhiệm. Tiếp đó là lãnh đạo các ngành phải chịu trách nhiệm. Trong xử lý, Thủ tướng yêu cầu, xử lý hành chính mức cao nhất hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, thậm chí là xử lý hình sự. Tuyên chiến với thực phẩm bẩn trách nhiệm sẽ được truy đến cùng chứ không đổ thừa cho thiếu sự phối hợp như trước đây.

Có một điểm chung trong các giải pháp chống hai quốc nạn đó là sức mạnh của lòng dân. Cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhận định rằng, chống tham nhũng, và chống thực phẩm bẩn phải là cuộc cách mạng của toàn dân. Nếu người dân không vào cuộc thì hai vấn nạn này khó đẩy lùi.

Tổng Bí thư chỉ rõ: Cần có các giải pháp phù hợp để nhân dân phản ánh, tố giác tham nhũng với các cơ quan Nhà nước; thiết lập cho bằng được một cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả, tránh để quyền lực quá lớn, tập trung và không được giám sát, dẫn đến quan liêu, lạm quyền, phạm các sai lầm nghiêm trọng. Nếu không dựa vào dân thì cuộc chiến chống tham nhũng khó có thể thành công.

Trở lại với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Thủ tướng cho rằng an toàn thực phẩm không chỉ làm suy yếu sức khỏe của giống nòi mà còn ảnh hưởng đến uy tín của đất nước. Thủ tướng nhìn nhận Chính phủ chưa tròn trách nhiệm khi chưa thành công trong quản lý an toàn thực phẩm.

“Phải tăng cường giám sát của mọi cấp mọi ngành để có được chuyển biến đồng bộ. Phải đồng tâm hiệp lực để có những cách làm rõ nét nhất, chứ không phải làm hình thức rồi báo cáo thành tích”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi cuộc chiến với thực phẩm bẩn. Nếu người dân thay đổi nhận thức, người dân phát giác tố giác những hành vi gây hại cho cộng đồng chắc chắn thực phẩm bẩn sẽ không còn đất sống.

Có thể nói tham nhũng, lãng phí, quan liêu ngoài những tổn thất và thiệt hại to lớn về kinh tế còn gây nên những thiệt hại về chính trị, xã hội khó lường. Điều tệ hại hơn, các tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm suy giảm lòng tin của nhân dân; làm cho các chủ trương, chính sách bị sai lệch, tạo sự mất ổn định xã hội; thậm chí còn tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch, gây mất ổn định chính trị, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Chính vì thế, tại nhiều cuộc họp, Tổng Bí thư yêu cầu đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Đây là nhân tố hàng đầu đảm bảo việc thực thi có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm chính trị là sự cam kết tuyên chiến với tham nhũng, phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và được công khai để nhân dân biết, nhân dân giúp sức và giám sát.

Theo đó, cán bộ phải tự mình gương mẫu tuân thủ nghiêm các quy định về liêm khiết và kỷ luật, thực hành tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, không đặc quyền, đặc lợi; Mặt khác, phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ bằng lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Nhìn thấy được trong thực tế thì dân mới tin.

Còn vấn nạn thực phẩm bẩn nếu vẫn là những giải pháp chung chung, vẫn áp quy định của Luật tưởng như chặt chẽ nhưng thực tế không xử lý cán bộ để xảy thực phẩm bẩn tràn lan trên địa bàn thì cuộc chiến thực phẩm bẩn sẽ không có hồi kết. Truy trách nhiệm, cán bộ phải làm gương cùng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị chắc chắn quốc nạn tham nhũng, thực phẩm bẩn sẽ không còn đất sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trấn áp quốc nạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO