Trận Gạc Ma trong chính sử

Nguyễn Hòa 14/03/2016 08:23

Không có nhiều sách sử viết về trận chiến bảo vệ Gạc Ma. Trong những ngày tháng 3, lật giở lại sách “Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam”, chúng tôi may mắn ghi lại được trận chiến bi hùng của những anh hùng giữ đảo. 

Trận Gạc Ma trong chính sử

Sách viết: Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc sau khi chiếm giữ trái phép 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (gồm các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi) thì lại có ý đồ chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao nhằm kiểm soát cả khu vực. Trung Quốc đã huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa với 9 – 12 tàu chiến, 2 tàu hộ vệ pháo, hai tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc và một pông – tông lớn để hỗ trợ.

Trước tình hình đó, Tư lệnh Hải quân lệnh cho lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Ngày 12/3/1988, tàu HQ 605 (Lữ đoàn 125) do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ hành quân bí mật, khẩn trương, tàu đã đến đảo và cắm cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam vào lúc 5h ngày 14/3/1988.

Trước đó 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ 604 do thuyền trưởng Vũ Huy Trừ được lệnh về Gạc Ma; tàu HQ 505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ tiến về đảo Cô Lin. Phối hợp với hai tàu có hai đội công binh (70 người) và bốn tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146. Sau khi hai tàu của ta thả neo được khoảng 30 phút, tàu hộ vệ, tàu chiến đấu của Trung Quốc áp sát hai tàu của ta, liên tục đe dọa, uy hiếp.

Trận Gạc Ma trong chính sử - 1

Lúc 21h ngày 13/3/1988, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho các thuyền trưởng chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, đồng thời khẩn trương thả xuồng, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm. Tàu HQ 604 đã cho công binh chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma và Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ và triển khai 4 tổ bảo vệ. Lúc này, Trung Quốc đã điều thêm 2 tàu hộ vệ có trang bị pháo 100 mm đến hỗ trợ, đe dọa bắt ta phải rời khỏi Gạc Ma. Ban chỉ huy tàu HQ 604 đã họp bàn, nhận định Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.

6h sáng ngày 14/3/1988, đối phương thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo tiến về phía cờ ta định giật lấy. Lập tức, thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội đã anh dũng giành lại cờ. Binh lính của đối phương đã dùng lưỡi lê đâm và bắn Nguyễn Văn Lanh bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương xông vào cứu đồng đội đã bị đối phương bắn, đã anh dũng hy sinh. Trước khi hi sinh, thiếu úy Trần Văn Phương còn hô to: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo”.

Trận Gạc Ma trong chính sử - 2

Không uy hiếp được quân ta rời đảo, lúc 7h 30 ngày 14/3, đối phương dùng hai tàu bắn pháo 100 mm vào tàu HQ 604, làm tàu bị hỏng nặng, rồi cho quân xông vào tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã chỉ huy bộ đội sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 đánh trả quyết liệt, buộc binh lính đối phương phải nhảy xuống biển trở về tàu của họ. Trận đánh diễn ra mỗi lúc một ác liệt. Quân ta vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ.

Đối phương tiếp tục nã đạn, làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và hỏng nặng, chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông và 62 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hi sinh cùng tàu HQ 604.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trận Gạc Ma trong chính sử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO