Trần Thanh Phương: 'Ba nhà' trong một

Phan Thu Hương 25/01/2022 08:30

Nhà báo Trần Thanh Phương có 30 năm công tác tại Báo Đại Đoàn Kết, là Phó Tổng Biên tập phụ trách phía Nam thời gian dài nhất cho đến nay. Sau khi nghỉ hưu anh vẫn cộng tác thường xuyên với tờ báo và cho đến khi trút hơi thở cuối cùng anh vẫn luôn quý trọng những gì thuộc về Báo Đại Đoàn Kết.

Cố nhà báo Trần Thanh Phương (ngoài cùng bên phải) trong một lần giao lưu với các cán bộ làm Báo Đại Đoàn Kết ở phía Nam

Trần Thanh Phương: Nhà báo

Tháng 8/1967, tốt nghiệp Khoa Văn Khóa 1963 - 1967 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trần Thanh Phương nhận quyết định về Báo Nhân Dân làm việc ở Ban Miền Nam, chuyên viết về miền Nam tuyến đầu chống Mỹ. Ban chưa đến chục người, toàn người miền Bắc, chỉ Trần Thanh Phương là người Cà Mau tập kết năm 1954. Khi mới về Báo Nhân Dân, hàng ngày anh đọc bản tin Thông tấn xã Việt Nam rồi viết tin thời sự xảy ra ở miền Nam. Sau cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, Trần Thanh Phương được Báo cử đến K5 ở Hồ Tây, Bệnh viện E ở Cầu Giấy (Hà Nội) và nơi sơ tán ở Thạch Thất (Hà Tây) gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ, anh hùng miền Nam được đưa ra Bắc học tập, chữa bệnh để viết về họ. Ngày 16/12/1968, Báo Nhân Dân đăng bài báo “15 tuổi hai lần dũng sĩ” của Trần Thanh Phương. Đang được các bạn đồng nghiệp chúc mừng thì nụ cười chợt tắt khi ông Hoàng Tùng - Tổng Biên tập gọi vào: “Phương lấy tài liệu ở đâu để viết?”. Phương lập cập (anh có tật cà lăm) thưa: “Bệnh viện E ạ”. Ông cười bảo, sáng sớm nay Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương - nhà thơ Tố Hữu gọi hỏi về nhân vật trong bài báo. Yên tâm nhé, chúc mừng. Nguyễn Văn Hòa, nhân vật trong bài báo là người đồng hương với nhà thơ Tố Hữu. Bác Hồ gặp em Hòa và hỏi: “Cháu muốn gì nhất?” Em thưa: “Cháu muốn gặp ba”. Bác giao cho nhà thơ Tố Hữu tìm ba cho Hòa. Phải mất hai tháng, ông Tố Hữu mới tìm được người cha tập kết của Hòa đang công tác ở giới tuyến Vĩnh Linh. Sau đó, Báo Nhân Dân đăng bài thơ “Chuyện em…” của Tố Hữu. Bài thơ mở đầu: “Em tên là Nguyễn Văn Hòa/Mẹ em thường gọi em là Cu Theo/Cha đi tập kết, nhà nghèo…”.

Một chuyện cảm động khác. Trần Thanh Phương viết về một nữ y tá chăm sóc thương binh ở Bệnh viện E. Cô đã hết lòng chiều chuộng một anh thương binh khó tính, nhất là khi anh thèm ăn canh khổ qua (mướp đắng), mà thời ấy là của hiếm ở miền Bắc. Cô y tá đã tìm một loại lá có vị đắng tựa khổ qua nấu canh. Anh thương binh ăn ngon lành, còn khen cô giỏi. Bác Hồ đọc bài báo ngắn (ký tên Trần Thanh) rồi gọi Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp cô y tá tặng huy hiệu của Người.

Từ tháng 10/1967 đến tháng 5/1975 làm ở Báo Nhân Dân, Trần Thanh Phương viết 100 bài báo. Từ tháng 9/1975 đến tháng 2/1977, làm tại Báo Giải Phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, anh viết 55 bài. Tháng 2/1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng sáp nhập thành tuần Báo Đại Đoàn Kết, Trần Thanh Phương làm phóng viên rồi Phó Tổng Biên tập kiêm Trưởng Ban Đại diện Báo Đại Đoàn Kết phía Nam, và phụ trách Báo Đại Đoàn Kết Nguyệt san (ra năm 1991).

Những năm làm Trưởng Ban Đại diện Báo Đại Đoàn Kết phía Nam, Trần Thanh Phương đã sáng kiến và tổ chức thành công nhiều sự kiện: Bình chọn Hàng Việt Nam được nhiều người ưa thích (10 lần), Hội chợ Hàng nội vào Dinh (từ 1992-2002), Liên hoan con cháu hiếu thảo toàn quốc (8 lần), Hội thi Bơi lội người cao tuổi toàn quốc (8 lần), Bình chọn Topten ca nhạc năm 1998.

Tháng 5/2005, anh nghỉ hưu, vẫn tiếp tục cộng tác chặt chẽ với Báo Đại Đoàn Kết và một số báo khác.

Từ tháng 2/1977 đến đầu năm 2020, Trần Thanh Phương (bút danh Trần Thanh, Minh Hải) đã viết cho Báo Đại Đoàn Kết và các báo khác gần 500 bài. Từ bài báo đầu tiên ở Báo Nhân Dân đến bài báo cuối cùng năm 2.000, Trần Thanh Phương đã cắt, dán, lưu lại đầy đủ. Gia đình đã tặng Báo Nhân Dân 100 bài báo của Trần Thanh Phương kỷ niệm những năm đầu vào nghề, là nơi anh trưởng thành và gắn bó suốt đời với sự nghiệp báo chí.

Trần Thanh Phương: Nhà sưu tập

Trong quá trình viết báo, Trần Thanh Phương thấy mình chưa đủ vốn sống. Viết về miền Nam, nhưng đã xa cách từ 15 tuổi, dù gặp người thật mới ra Bắc, anh vẫn cảm thấy thiếu nhiều thứ. Để bù đắp, anh đọc, cắt dán những bài báo trên các tờ báo. Lúc đầu ít, càng làm càng ham, sau ngày miền Nam giải phóng, anh sưu tầm đủ loại chủ đề. Báo chí ngày càng nhiều nên anh mua báo, đọc, cắt và phân loại đề tài, ghi tên báo, thời gian xuất bản và dán vào giấy khổ A3, A4 rồi đóng thành những tập dày 500 trang. Có những tài liệu quý như 7 tập với gần 4.000 bài báo của nhiều tác giả viết về Bác Hồ đăng trên hàng trăm tờ báo từ trước năm 1969 đến năm 2017, hàng chục tập với hàng nghìn bài báo về các văn nghệ sĩ Việt Nam, hàng nghìn bài báo khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam…

Trong quá trình sưu tập từ năm 1968 - 2017, anh luôn có sự đồng hành của người vợ là giáo viên dạy văn cấp 3.

Trung tâm Kỷ lục Việt Nam xác lập 3 kỷ lục đứng tên hai vợ chồng Trần Thanh Phương: Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất. Người có quyển sưu tập bài báo Đất nước tôi lớn nhất Việt Nam (khổ 1,2m x 0.8m, 1.000 trang, dán 11.000 bài báo về các chủ đề: Phong cảnh đất nước, Di tích lịch sử, Phong tục, Lễ hội, Ẩm thực, Trang phục). Người có bộ sưu tập Chân dung và Bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất.

Trần Thanh Phương được gọi là “Vua tài liệu”, “Thư viện không cần thẻ”. Anh đã giúp đồng nghiệp, sinh viên, bạn đọc vô điều kiện những tư liệu rất quý giá.

Nhà báo Trần Thanh Phương được mời mở hai cuộc triển lãm. Lần thứ nhất là Triển lãm tư liệu tại Nhà Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh từ ngày 18 đến 22/6/2007. Lần thứ hai là triển lãm tư liệu tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh từ ngày 19 đến 23/6/2013, có giao lưu, hội thảo. Hai lần triển lãm đều có hàng nghìn lượt khách đến xem, đọc…

Khối tư liệu đồ sộ, phong phú ấy, Trần Thanh Phương đã tặng cho Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Đại Đoàn Kết...

Trần Thanh Phương: Nhà văn

Trần Thanh Phương đã kế thừa truyền thống nhiều bậc tiền bối: vừa viết báo, vừa viết văn. Tác phẩm đầu tiên của anh là “San hô đỏ” và tác phẩm cuối cùng là “Viết bên Hồ Gươm”. Nhà văn Trần Thanh Phương đã xuất bản 38 đầu sách, gồm truyện ký, sưu khảo, địa chí, nhật ký, hồi ký. Anh có 3 tác phẩm được giải thưởng: “Về nhà mình xa quá má ơi” đạt Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau; “100 sự kiện nổi bật ở TP Hồ Chí Minh 1975-2000” đạt Giải sách hay của TP Hồ Chí Minh; “Rượu với văn chương” đạt Giải sách hay năm 2017 của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.

Trong bộ sách Chân dung và Bút tích nhà văn Việt Nam của anh Trần Thanh Phương có gương mặt các tác giả là người của Báo Đại Đoàn Kết: Nhà thơ Xích Điểu, nhà văn Trần Đình Vân (Thái Duy), nhà văn Trần Công Tấn, nhà văn Lê Văn Ba, nhà văn Trần Bảo Hưng, nhà văn Lê Quang Trang, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà văn Trần Thanh Phương.

Từ năm 1981 đến tháng 1/2021, có gần 150 bài báo của đồng nghiệp và bạn đọc viết về Trần Thanh Phương đăng trên các báo. VTV, HTV, Truyền hình Quân đội, Truyền hình Tuổi trẻ và một số đài truyền hình các tỉnh đã phát sóng 15 phim tài liệu về hoạt động nghề nghiệp của nhà báo Trần Thanh Phương, trong đó có phim “Người góp mật cho đời” của HTV phát rất nhiều lần, được khán giả ưa thích.

Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:

1/Tập Đoàn Novaland

2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam

4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt

5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank

6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank

7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV

8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam

9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.

10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trần Thanh Phương: 'Ba nhà' trong một

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO