Trăn trở gìn giữ tranh Đông Hồ

Minh Sơn (ghi) 18/03/2020 08:00

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa hoàn thiện hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để đề nghị Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, gửi UNESCO xét đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Bài viết ghi lại ý kiến của PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai- Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, về tranh Đồng Hồ trong bối cảnh xã hội hiện tại để khẳng định các giá trị.

Trăn trở gìn giữ tranh Đông Hồ

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh Quang Vinh.

Nguy cơ mai một, thất truyền nghề tranh dân gian Đông Hồ độc đáo này đã được nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo. Việc nhận diện những nguy cơ nghề tranh Đông Hồ phải đối mặt trong xã hội đương đại là hết sức cần thiết để thúc đẩy những hành động cụ thể càng nhanh càng tốt để bảo vệ nghề tranh Đông Hồ. Để bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ nói riêng và văn hoá dân gian nói chung, theo UNESCO cần tiến hành tạo hệ thống nhận diện, ghi chép, thu thập, phân loại, sao chép tư liệu về các bản khắc in tranh, mẫu tranh, đề tài, kỹ thuật, chất liệu, quy trình in tranh…

Bảo tồn nghề tranh Đông Hồ liên quan đến tài liệu về truyền thống làng nghề do đó việc tạo ra các Bảo tàng, hoặc trung tâm văn hoá dân gian để trưng bày và phổ biến là cần thiết. Đồng thời cũng cần quan tâm đến việc đào tạo các chuyên gia bảo quản, tu sửa tranh dân gian, cũng như người làm công tác lưu trữ, tư liệu… Cung cấp thông tin, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, các tổ chức có thể tra cứu, xem xét, nghiên cứu…, như vậy đảm bảo cộng đồng tiếp cận được với các tài liệu về nghề tranh Đông Hồ. Bảo tồn cũng bao gồm cả việc bảo vệ các truyền thống dân gian, những nghệ nhân nắm kỹ thuật khắc, in tranh, chất liệu sản xuất tranh Đông Hồ.

Giá trị văn hoá, lịch sử, nghệ thuật của tranh dân gian Đông Hồ là một thứ tài sản quý, không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa dân tộc, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, giáo dục, thẩm mỹ rất cần được khai thác và phát huy trong cuộc sống đương đại. Bảo vệ di sản nghề tranh Đông Hồ là vấn đề kế thừa con người và kế thừa văn hóa. Ở đó, nội hàm của hai chữ “bảo vệ” là trao truyền và kế thừa. Giáo dục và kế thừa nghệ thuật truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật đương đại là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản nghề tranh Đông Hồ. Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể khẳng định “Bảo vệ là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này”. Từ “di sản” có nghĩa tài sản kế thừa; di sản (hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Đưa nội dung về tranh Đông Hồ vào các chương trình giáo dục nghệ thuật ở trường học, bảo tàng, triển lãm nghệ thuật giúp thế hệ tương lại hiểu được cội nguồn và vai trò, giá trị của tranh Đông Hồ. Giữ gìn ký ức của cộng đồng về các giá trị di sản qua các chương trình giáo dục nghệ thuật và di sản chính là xây đắp con đường bền vững đến với sự phát triển, hội nhập.

Trăn trở gìn giữ tranh Đông Hồ - 1

PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Theo số liệu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tranh Đông Hồ có số lượng nhiều nhất so với các dòng tranh dân gian khác. Ngoài ra, một số bảo tàng cũng có sưu tầm tranh Đông Hồ và gia đình nghệ nhân lưu giữ, sưu tầm như trường hợp nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Hữu Qua… Công việc thống kê, phân loại, thông tin hiện vật rất cần được triển khai thực hiện càng sớm càng tốt để bảo tồn tài liệu, hiện vật, tiến tới xây dựng lưu trữ quốc gia về nghề tranh Đông Hồ. Cho đến nay một số công trình nghiên cứu về tranh dân gian Đông Hồ đã xuất bản như Tranh dân gian Việt Nam của Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ xuất bản năm 1984; Nghề giấy dó, tranh dân gian Việt Nam, của Bùi Văn Vượng do NXB Thanh niên xuất bản năm 2010; Di sản văn hoá tranh dân gian Đông Hồ của Từ Thị Loan (2016) do NXB Lao động xuất bản năm 2016… đã tiếp cận nghiên cứu nghề tranh Đông Hồ từ những khía cạnh khác nhau. Chúng ta cần khuyến khích các nghiên cứu về nghề tranh Đông Hồ, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng giá trị văn hoá nghệ thuật của tranh Đông Hồ trong công nghiệp sáng tạo.

Sự phát triển nghệ thuật không tách rời với việc kế thừa những di sản văn hóa đã trở thành các giá trị truyền thống được lưu lại từ trong quá khứ cho đến nay. Sự sáng tạo của người nghệ sĩ đương đại trên cơ sở kế thừa văn hoá truyền thống sẽ là sự bảo tồn và phát huy hữu hiệu. Nghiên cứu, xây dựng chính sách, chiến lược thúc đẩy và phát triển công nghiệp sáng tạo sẽ giúp giá trị của nghề tranh dân gian Đông Hồ tiếp tục được bảo tồn, lưu truyền dưới hình thức mới. Đây là cách một số quốc gia đã thực hiện thành công. Theo đó, việc sáng tạo, sản xuất và thương mại hoá các sản phẩm văn hoá nghệ thuật sẽ tác động, thúc đẩy phát triển kinh tế. Như trường hợp Nhật Bản, sau chiến tranh thế giới thứ hai đã đi theo con đường xây dựng sức mạnh quyền lực mềm bằng văn hoá. Ý tưởng “Cool Japan” khai thác văn hoá truyền thống Nhật Bản trong phát triển công nghiệp sáng tạo như anime, manga, video game… đã thúc đẩy sự hấp dẫn của Nhật Bản và đem đến sự thành công cả trong kinh doanh nội địa và du lịch. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ, cần tiến hành đồng thời cả việc nhận diện, lưu trữ tư liệu, nghiên cứu, giáo dục và khai thác, kế thừa, ứng dụng trong sáng tạo các tác phẩm văn hoá nghệ thuật đương đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trăn trở gìn giữ tranh Đông Hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO