Trang bị kỹ năng sống cho học sinh

Hàn Minh 11/04/2022 07:03

Vài năm về trước, các khóa học về kỹ năng sống (KNS) nở rộ khi có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra, mà một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do trẻ thiếu hụt KNS cần thiết.

Hoạt động trải nghiệm trong trường học giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống.

Hơn 2 năm xuất hiện dịch Covid-19, câu chuyện này dường như bị bỏ quên khi tính mạng, sức khỏe của con người được đặt lên cao hơn những mối quan tâm khác. Chỉ đến khi những vụ việc đau lòng tái diễn, hồi chuông này mới lại được gióng lên một lần nữa.

Đặng Nhật Minh (26 tuổi) đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Swinburne, cựu học sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam kể lại áp lực khi học cấp 3. Ngoài giờ lên lớp chính khóa, mỗi tuần Minh có thêm 8-10 buổi học thêm với hàng núi bài tập cùng áp lực phải học tốt nhất cả ở lớp chính và cả lớp học thêm, nơi có cả những bạn ưu tú tới từ các trường chuyên lớp chọn trong Thủ đô. Cảm giác cố bao nhiêu cũng là không đủ với bố mẹ khiến nhiều khi em cảm thấy bất lực và nghĩ đến những điều tồi tệ nhất… May mắn là Minh đã vượt qua được và trưởng thành. Từ góc nhìn của một nghiên cứu sinh đang học tập ở nước ngoài, Minh cho rằng thành tích thời phổ thông chỉ là “miếng trầu bắt đầu câu chuyện”, thành tích tại chính bậc học đó và các kỹ năng mềm mới thực sự quan trọng.

Khẳng định kỹ năng mềm cần thiết đối với ứng cử viên khi đi xin việc, đại diện công ty Sài Gòn Hotel trong cuộc hội thảo trực tuyến do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức mới đây cũng khẳng định kiến thức chỉ là một yếu tố để nhà tuyển dụng quan tâm đến hồ sơ của bạn còn việc quyết định có được tuyển dụng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ năng và thái độ đối với công việc của người đó.

Không phải chỉ người lớn mới cần đến KNS mà trẻ em từ cấp học mầm non đã cần được hướng dẫn, mô phỏng và thực hành, rèn luyện về việc giao tiếp với người khác, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích,… Những vụ việc bạo lực học đường xảy ra đều có nguyên nhân và những dấu hiệu nhận biết, nếu trẻ em được hướng dẫn cách ứng xử khi gặp phải nguy cơ bạo lực học đường, bạo lực gia đình hay những nguy hiểm tiềm ẩn khác thì sẽ giảm thiểu được nhiều những sự việc đau lòng.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, hiện nay các nhà trường cơ bản tập trung vào thành tích học tập, xem trọng việc dạy chữ; công tác giáo dục KNS cho học sinh ngày càng được quan tâm nhưng chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các mục tiêu giáo dục. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của học sinh.

Nên bắt đầu từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống thường ngày, ông Lâm cho rằng thầy cô phải là tấm gương để các em học tập. Không thể dạy học sinh biết kiềm chế cảm xúc khi thầy cô liên tục la mắng, thậm chí đánh học trò.

“Khi kết hợp đa dạng các các phương thức giáo dục KNS trong nhà trường giúp mỗi học sinh tìm thấy sự phù hợp để từ đó phát triển bản thân thành con người có năng lực, có kỹ năng để sống một cuộc sống có chất lượng, hạnh phúc”- ông Lâm lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trang bị kỹ năng sống cho học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO