Trang bị kỹ năng sống cho trẻ

Thùy Linh 16/07/2017 10:10

Thời gian vừa qua, thông tin về nạn bắt cóc trẻ em rộ lên nhiều ở các tỉnh thành. Mới đây nhất, vụ cháu bé 6 tuổi ở Quảng Bình được phát hiện tử vong sau nhiều ngày mất tích đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa và lo lắng. Tâm lý cảnh giác được lan truyền tới hầu hết phụ huynh và các trường học.

Cho trẻ học bơi là một trong những cách trang bị kĩ năng sống cần thiết.

Cẩn trọng nhưng không hoang mang

Theo PGS.TS, Thượng tá Trần Thế Hưởng- Phó Trưởng khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân, mỗi năm có khoảng gần 20.000 vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em diễn ra.

Thời điểm này học sinh đang nghỉ hè, nhưng một số trường đã tổ chức cho học sinh học thêm tại trường. Khá nhiều trường ở các thành phố có gắn camera ở hành lang và sân trường để bảo vệ học sinh. Ở tại phòng bảo vệ, đội ngũ bảo vệ có thể theo dõi, quan sát từ nhiều vị trí, sự xuất hiện của các đối tượng lạ mặt sẽ được ghi lại và cảnh báo ngay nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Bà Nguyễn Thu Hảo - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Yên (Hà Nội) cho rằng, bọn tội phạm đã lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ nhỏ và sơ hở của cha mẹ và nhà trường. Vì thế để ngăn chặn và lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra, về phía nhà trường, Ban giám hiệu đã yêu cầu lực lượng bảo vệ lưu ý giám sát, kịp thời phát hiện những trường hợp khả nghi. Cụ thể, trường học đã phân công bảo vệ trực trường và cổng trường nghiêm ngặt, đặc biệt là thời điểm chuẩn bị tập trung học sinh toàn trường tới đây.

Ngoài ra, bà Hảo cho biết nhà trường cũng đề nghị giáo viên nhắc nhở học sinh và đưa ra các tình huống cụ thể thường gặp giúp học sinh tự bảo vệ trước người lạ ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, bà Hảo cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh phải phối hợp với nhà trường trong việc đón trẻ tại trường, lớp an toàn, trật tự. Phụ huynh cẩn trọng là cần thiết nhưng không nên quá lo lắng, hoang mang dễ gieo vào trẻ nhỏ nỗi lo sợ có thể ảnh hưởng đến việc học tập.

Tương tự, tại nhiều trường mầm non đều có yêu cầu cơ bản như: Phụ huynh đưa trẻ đến lớp phải giao tận tay cho giáo viên, không để trẻ đi lên lớp, tự do chơi ở sân một mình.

Cô Nguyễn Thu Hằng-Phó hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng (Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết: Nhà trường cũng đề nghị cha mẹ nên đưa đón trực tiếp, tuyệt đối không để anh chị, cô chú... dưới 18 tuổi đưa đón trẻ. Nếu không trực tiếp đến đón trẻ được thì cha mẹ phải đăng ký cụ thể thông tin, hình ảnh, số điện thoại... của người được ủy quyền.

Về phía các gia đình, dù rất lo lắng nhưng không ít phụ huynh có những thói quen sai lầm vô tình tiếp tay cho việc bắt cóc trẻ em. Phân tích về vấn đề này, ThS tâm lý Nguyễn Ngọc Duy - Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt TP HCM, cho rằng: Sai lầm cơ bản nhất là việc bao bọc con cái quá kỹ hay nói cách khác là chăm sóc đến tận răng, khiến con mất dần khả năng ứng phó trước khó khăn.

Ông Duy khuyến cáo, phụ huynh cần có thái độ bình tĩnh và cần trang bị cho con trẻ kỹ năng ứng phó với người lạ. Cụ thể như hướng dẫn trẻ nói không với những lời mời gọi, dụ dỗ của người lạ, tập thói quen xin phép để cha mẹ biết con cái đi đâu và đi với ai. Giúp trẻ nhớ một vài số điện thoại cần thiết của một vài người trong gia đinh hoặc số cứu hộ là 113 để có thể dùng đến khi cần.

Ngoài ra, cha mẹ nên đưa ra các tình huống giả sử về việc bị người lạ dụ dỗ, đe dọa rồi cùng trẻ sắm vai để hướng dẫn cách trẻ giải quyết vấn đề. Những thử nghiệm này rất hữu ích khi sự cố không may xảy ra.

ThS tâm lý Đào Lê Hòa An - Ủy viên BCH Trung ương Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cũng lưu ý phụ huynh cần dạy cho con mình hét lên thật to khi phát hiện người lạ cố tình dụ dỗ hoặc dùng vũ lực, hãy la lên khi bị ép giữ im lặng, hãy kể cho người khác biết khi bị ép giữ bí mật...

Tin vào cơ quan chức năng

Theo Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn- Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) việc chia sẻ thông tin về trẻ mất tích lên mạng xã hội cần cân nhắc kĩ lưỡng, bởi nó có thể là “con dao hai lưỡi”.

Đối với những sự việc cần kêu gọi sự giúp đỡ thì việc chia sẻ trên cộng đồng mạng đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, với các sự việc tương tự như vụ bé trai ở Quảng Bình mất tích, khi mạng xã hội ồ ạt chia sẻ thông tin đã gây tác động bất lợi không hề nhỏ.

“Khi trẻ mất tích, việc những thông tin không kiểm chứng đưa lên mạng xã hội sẽ gây tâm lý hoang mang cho gia đình nạn nhân khiến họ không biết tin vào đâu. Đối với cơ quan điều tra thì sẽ gây khó khăn cho các hướng tiếp cận, bảo vệ nạn nhân. Về phía thủ phạm, việc chia sẻ những thông tin như vậy cũng tác động tâm lý rất lớn, dẫn tới việc có thể đối tượng xóa hết dấu vết, chứng cứ, thông tin liên quan để che giấu tội phạm, thậm chí nếu không kiềm chế được chúng sẽ trở nên liều lĩnh, manh động, gây hại cho nạn nhân”- ông Thìn nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Hồng Bách (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết, pháp luật đã quy định, chế tài rõ ràng trong trường hợp có ai đó xâm phạm đến quyền và lợi ích của trẻ em. Song thực tế cho thấy có nhiều người đã tự cho mình quyền đăng lên mạng xã hội những thông tin cá nhân, hình ảnh của trẻ một cách công khai và vô tình tiếp tay cho tội phạm hoặc những người có mục đích, động cơ xấu nhằm sát hại, bắt cóc, tống tiền…

Theo luật sư Bách, khi biết trẻ mất tích, nhiều phụ huynh chọn giải pháp nhờ cậy vào mạng xã hội mà không thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng có thẩm quyền nên nhiều trường hợp đã gây nên tác dụng ngược.

Trong tình huống xấu nhất, Thượng tá Trần Thế Hưởng cho rằng nếu con em mình bị các đối tượng bắt cóc, phụ huynh cần bình tĩnh và khẩn trương xác minh thông qua các mối quan hệ của người thân trong gia đình, thông qua nhà trường… để kiểm tra tính xác thực của thông tin về vụ bắt cóc.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu tương đối rõ nét về việc con em mình có thể đã rơi vào tay của những kẻ bắt cóc, ông Hưởng khuyến cáo các gia đình cần bình tĩnh và khẩn trương, bí mật báo với cơ quan Công an thông qua số điện thoại đường dây nóng 113. Và phụ huynh cần có niềm tin tuyệt đối với cơ quan chức năng, phải hợp tác chặt chẽ, tạo dựng đường dây nóng giữa gia đình và cơ quan chức năng.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng phụ huynh không nên gây ồn ào, thông tin về vụ việc càng ít lan truyền càng tốt, hạn chế đánh động đối tượng, nếu không chúng càng cảnh giác hơn, gây sức ép tống tiền hoặc tìm nhiều thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội, thậm chí xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trang bị kỹ năng sống cho trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO