Trạng nguyên Phạm Trấn: Lập đức, vì dân, dân thờ

Từ Khôi 09/03/2020 18:24

Đỗ Trạng nguyên, làm quan, rồi thời thế thay đổi không tham danh vọng mà lại cáo quan về mở trường dạy học. Bằng khả năng của mình giúp dân vạn chài lập làng, sinh cơ lập nghiệp, trù phú. Vì thế nên được người dân lập đình, thờ làm thành hoàng làng. Phạm Trấn là một vị trạng nguyên lập đức như vậy.

Trạng nguyên Phạm Trấn: Lập đức, vì dân, dân thờ

Bạn bè ganh đua

Trạng nguyên Phạm Trấn (1523-?) quê tại xã Lam Kiều, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay là thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn, Gia Lộc, Hải Dương. Năm ông sinh ra, làng quê ông chứng kiến Nguyễn Sở Châu đỗ tiến sĩ vinh quy về làng.

Tương truyền, cha Phạm Trấn mất sớm, nhà lại nghèo nên lúc nhỏ, ông phải đi ở đợ, chăn trâu, cắt cỏ. Dù vậy, mẹ Phạm Trấn vẫn cố gắng tảo tần để con được học hành. Có khi thầy đồ cám cảnh thương mà không lấy công. Không tiền mua giấy bút, Phạm Trấn còn bạo gan ra bãi tha ma lấy ván thôi (gỗ đóng áo quan) rửa sạch, phơi nắng rồi làm bảng viết chữ.

Phạm Trấn giỏi nức tiếng trong vùng. Ông kết bạn với Đỗ Uông, người làng Đoàn Lâm (nay thuộc xã Thanh Tùng, Thanh Miện, Hải Dương). Sức học của Đỗ Uông được đánh giá có phần trội hơn.

Dân gian còn truyền tụng rằng, ở làng Đoàn Lâm thời đó có miếu nữ yêu. Mấy đêm liền, khi Đỗ Uông vì học mệt mà gục xuống bàn thì nghe tiếng yêu nữ nói: “Trấn đỗ Trạng nguyên, Uông đỗ Bảng nhãn”. Dần dà, yêu nữ bạo dạn hơn mới xuất hiện cả khi Đỗ Uông đang học bài. Yêu nữ thò cánh tay vào. Đỗ Uông đem chuyện hỏi một pháp sư. Được pháp sư bày cách dùng chỉ ngũ sắc buộc lại nó sẽ không biến được. Đỗ Uông nghe theo. Tối ấy, giả đò vẫn chăm chú đọc sách nhưng thủ sẵn chỉ ngũ sắc bên dưới. Khi cánh tay vừa thò vào thì liền bị sập cánh cửa và Đỗ Uông buộc ngay tay lại. Yêu nữ khóc lóc xin tha, nói: “Thiếp thấy chàng sắp đại quý nên mới đùa bỡn, sao chàng lại nỡ nhẫn tâm thế?”. Đỗ Uông bèn hỏi: “Như tài học của ta đây có thi đỗ được Trạng nguyên hay không?”. Yêu nữ đáp: “Trạng nguyên sẽ về tay họ Phạm, chàng chỉ đỗ Bảng nhãn thôi”. Đỗ Uông bèn hỏi: “Có thay đổi được không?”. Yêu nữ đáp: “Không, mệnh trời đã định”.

Đỗ Uông bèn tháo chỉ ngũ sắc khỏi tay yêu nữ. Yêu nữ bèn nhả ra một viên ngọc tặng bảo nuốt. Đỗ Uông bỏ vào mồm nuốt ngay. Từ đó, học hành của Đỗ Uông ngày một tấn tới, Phạm Trấn không theo kịp.

Đến khoa thi năm Bính Thân (1556) đời Mạc Tuyên Tông (Mạc Phúc Nguyên), Phạm Trấn và Đỗ Uông đều về kinh ứng thí sau khi đã vượt qua kỳ thi hương. Vào đến kỳ thi đình, khi mới đọc đề, Đỗ Uông đã mừng quýnh vì “trúng tủ”, bụng bảo dạ: Mệnh trời cũng có thể thay đổi đây.

Còn Phạm Trấn, không hẳn là đề khó nhưng cũng không đúng “tủ” cho lắm. Đương khi mài mực thì bỗng nghe thấy có tiếng nói. Một người xưng là Hàn Kỳ, một người xưng là Đông Phương Sóc. Họ gợi ý cho Phạm Trấn viết bài. Thấy Phạm Trấn viết chậm rãi, nên Đông Phương Sóc nói với Hàn Kỳ: “Ta phải làm cho Uông ốm để giảm sức viết đi”.

Đỗ Uông đương khi múa bút bỗng thấy nhói đau bụng. Rồi đau quá phải buông bút nằm rên rỉ. Đến khi đỡ đau mới lựa viết ý chính để nộp quyển. Còn Phạm trấn dù viết chậm rãi nhưng đều đặn nên vẫn xong trước Đỗ Uông.

Đến khi yết bảng, Phạm Trấn đỗ Đệ nhất giáp đồng tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) còn Đỗ Uông đỗ Đệ nhất giáp đồng tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (bảng nhãn). Nghe xướng danh, Phạm Trấn vui quá buột miệng nói: “Giờ ta đã thắng được Đỗ Uông đây!”. Đỗ Uông đứng gần nghe nói giận lắm.

Có một sự trùng hợp khá thú vị ở quê hương Lam Kiều. Cùng sinh năm 1523 như Phạm Trấn còn có Lê Văn Đôn, Đỗ Tam Cương, và đều đỗ khoa thi 1556. Nhưng hai người bằng tuổi Phạm Trấn chỉ đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ.

Ngoài ra, Lam Kiều còn có các nhà khoa bảng khác như Đỗ Dương sinh năm 1518, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ năm 1565 làm quan Tự khanh. Nguyễn Văn Cự, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ vào năm 1577, làm quan Ngự Trung.

Trở lại chuyện Phạm Trấn và Đỗ Uông. Khi vinh quy về quê hương, Đỗ Uông không chịu nhường, cứ dóng ngựa đi ngang hàng Phạm Trấn. Tới làng Hoạch Trạch, dân chúng kéo nhau ra xem và xin thơ để đề vào chiếc cầu ở đầu làng. Ðây là chiếc cầu ngói hơn mười gian, hai người bèn thách nhau qua bảy gian phải vịnh xong bài thơ, ai xong trước đi trước, không được tranh nhau. Trong khi Đỗ Uông hắng giọng chưa kịp đọc thì Phạm Trấn đã xuất khẩu thành thơ. Đỗ Uông không chịu, cho là thơ làm sẵn nên vẫn dóng ngựa đi ngang hàng. Đến làng Minh Luận, có người mới làm xong nhà, ra đón đường xin một bài thơ mừng nhà mới. Phạm Trấn đọc luôn:

Năm năm thêm phú quý
Ngày ngày hưởng vinh hoa
Xưa có câu như thế
Nay mừng mới làm nhà.

Đỗ Uông không đổ cho là thơ làm sẵn nữa nhưng chưa chịu đi sau. Đến khi về đến cầu làng Ðoàn Lâm, tục gọi là Cầu Cốc, trong cầu có cô bán hàng là cô Loan. Đỗ Uông bèn thách làm bài thơ Nôm lấy đề là Cô Loan bán hàng cầu Cốc. Giao hẹn mỗi câu phải có tên hai giống chim, qua cầu phải xong, ai xong trước đi trước, nhất thiết không được tranh nhau nữa. Chẳng dè, Phạm Trấn ngồi trên lưng ngựa, bước hai bước đã đọc ngay rằng:

Quai vạc đôi bên cánh phượng phong
Dở giang bán chác lựa đồ công
Xanh le mở khép nem hồng mới
Bạc ác phô phang rượu vịt nồng...
Yến anh đón rước vừa ban tối
Ông mổ bà, bà lại quạc ông.

Bấy giờ Đỗ Uông mới thực sự chịu phục Phạm Trấn và than: “Xuất khẩu thành chương, nếu không có quỷ thần trợ lực thì làm sao có được tài như thế”.

Nói rồi ghìm cương ngựa, nhường cho Trạng đi trước.

Giúp dân lập làng

Đồng hương, lại làm quan đồng triều nên Phạm Trấn và Đỗ Uông thường hay đàm đạo, uống rượu ngâm vịnh thơ văn với nhau. Một hôm, ngà ngà say, cao hứng hai người mới cùng vịnh về rượu.

Đỗ Uông xướng:

Hữu hoàng dụng hoàng
Vô hoàng dụng hỏa
Sử dụng hàm nghi
Vô thi bất khả.

Nghĩa là:

Có rượu Hoàng lưu dùng rượu Hoàng lưu, không rượu Hoàng lưu dùng rượu hỏa tửu, dùng thứ gì cũng xong, thơ thì phải có”.

Phạm Trấn đọc:

Hữu hoàng tắc ẩm,
Hỏa tửu tắc nguyệt
Hữu vi thử ngôn
Thiên địa nhật nguyệt.

Nghĩa là: Có Hoàng lưu thì uống, rượu hỏa tửu thì thôi, nếu trái lời ấy, có trời đất, nhật nguyệt soi xét.

Từ bài thơ này mà nhiều người suy đoán hậu vận của hai người sẽ khác nhau.

Đến khi nhà Mạc bị đánh bật khỏi Thăng Long, nhà Lê Trung Hưng về Thăng Long. Phạm Trấn và Đỗ Uông đều mắc kẹt không chạy lên Cao Bằng theo nhà Mạc được. Đỗ Uông nhanh nhẩu xin quy thuận triều đình nhà Lê nên sớm được trọng dụng làm đến chức Thượng thư. Còn Phạm Trấn được mời mới ra làm quan. Nhưng chỉ làm quan nhỏ là Thừa chính sứ. Làm quan một thời gian thì Phạm Trấn xin cáo quan.

Không rõ có phải vì thời điểm Phạm Trấn cáo quan vùng đất quê hương ông vẫn đang do Nhà Mạc chiếm giữ hay vì nguyên nhân nào khác mà ông không về quê như nhiều nhà khoa bảng đương thời sau khi làm quan thì về quê?

Phạm Trấn đến ở và mở trường ở làng Ngọc Nhị, xã Cẩm Đái, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tương truyền, ông thấy dân phường Vạn Chài sống trên sông nước gặp nhiều khó khăn nên mới khuyên nhủ giúp dân nên lập làng mới trên cạn để sinh sống. Người dân nghe lời, Phạm Trấn bèn bỏ tiền và xin với chức dịch địa phương cho một mảnh đất hoang phía Nam làng Khê Thượng để lập làng mới. Người dân Vạn Chài lên bờ và đổi sang nghề trồng trọt.

Thấy làng mới quy củ, một số người dân các làng lân cận như Vô Khuy, Ngọc Nhị… cũng đến ở bên trang trại của ông để khai hoang, cấy lúa, trồng màu. Dần dần làng trở nên đông vui, ấm cúng và được ông đặt tên là làng Đan Thê. Truyện kể rằng: Thấy làng Đan Thê trù phú, dân bản cư đã kiện dân làng mới chiếm đất. Phạm Trấn bèn nhờ các bạn đồng môn, trong đó có Đỗ Uông giúp đỡ phân xử và thắng kiện.

Sau này, khi nhà Lê Trung Hưng đánh bại nhà Mạc ở Hải Dương thì Phạm Trấn đã đem giống dưa chuột và vải của quê hương lên cho dân làng Đan Thê trồng. Nhờ đó làng Đan Thê có một trại vải chạy suốt dọc làng, từ xóm Cống Khê đến làng Bảng Chung (Thuần Mỹ) với hàng trăm cây.

Với việc lập đức ấy, sau khi Trạng nguyên Phạm Trấn mất, dân làng đã lập đình thờ ông làm thành hoàng. Tiếc rằng, đến nay đình không còn.

Năm 1956, tên ông được thay tên cho xã Lam Kiều quê hương. Ngoài việc được thờ ở đình làng cùng tiến sĩ Nguyễn Văn Cự làm thành hoàng làng, năm 2002, ông còn được lập đền thờ tại quê hương.

Qua mấy trăm năm, quê hương Phạm Trấn vẫn còn lưu truyền đường Quan Trạng (đón ông khi vinh quy) và ngôi mộ của thân phụ ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trạng nguyên Phạm Trấn: Lập đức, vì dân, dân thờ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO