Trang trí Thủ đô: Người dân sẽ quyết định

Mai Thị Mỹ Hạnh 30/03/2016 09:15

Sau hàng loạt “tai tiếng” bởi những hình thức trang trí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận, ngày 29-3, lần đầu tiên Sở VHTT Hà Nội đã phát động cuộc thi thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí TP Hà Nội năm 2016. Trong đó, các mẫu thiết kế xuất sắc của cuộc thi sẽ được trưng bày lấy ý kiến đóng góp của người dân trước khi chính thức thi công.

Trang trí Thủ đô: Người dân sẽ quyết định

Góp ý thẳng thắn

Cụ thể, theo kế hoạch về hình thức trang trí tổng thể các khu vực hàng ngày và trong các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô trong năm 2016 gồm công trình kiến trúc, cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng, hai bên đường và dải phân cách… đặc biệt sẽ ưu tiên các công nghệ mới. Trong đó, Sở VHTT cũng đưa ra những vị trí cụ thể để tiến hành trang trí gồm với Quảng trường, vườn hoa có Quảng trường Tháng Tám, Đông Kinh Nghĩa Thục, Tượng đài Lý Thái Tổ; các nút giao thông lớn như Cửa Nam, Ngân hàng Nhà nước, Ô Chợ Dừa, Mỹ Đình, Mai Dịch; Tuyến phố gồm Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ… và khu vực các cửa ngõ, các cây cầu lớn của Thủ đô. Ngoài ra, theo thể lệ cuộc thi các họa sĩ có toàn quyền lên ý tưởng sáng tạo các thiết kế trang trí phù hợp với các dịp lễ, tết, các hoạt động chính trị tại các ngã ba, ngã tư, các khuôn viên công cộng của Thủ đô và gửi đến Sở VHTT Hà Nội để Hội đồng giám khảo chấm chọn.

Tại cuộc phát động này, có nhiều ý kiến không đồng tình, đặc biệt là từ giới mỹ thuật. Theo họa sĩ Lê Huy Tiếp: “Tôi thấy mông lung vì báo cáo thể lệ cuộc thi này quá rộng, không biết nhân dịp nào, nhân dịp ngày lễ gì, bởi tính chất của những điểm ấy khác nhau. Một năm của chúng ta có đến bao nhiêu sự kiện, mà Hà Nội lại đến bao nhiêu điểm. Tôi thấy một cuộc thi cho một điểm đã hết hơi rồi, chưa nói đến hàng chục điểm trong thành phố, lại bao nhiêu ngày lễ nữa thì nó theo cấp số nhân. Điều này rất khó khăn cho người sáng tác cũng như cho người chấm giải…”

Còn theo họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Việc trang trí khu Trung tâm hiện nay cũng gặp rất nhiều vấn đề. Như nhà cửa rất nhiều, không kém phần lộn xộn. Tôi chỉ lưu ý vì nhà cửa lộn xộn cộng giao thông cũng lộn xộn cho nên chúng ta nên tính toán chọn hình tượng nào cho phù hợp. Ở đây, các họa sĩ tham gia cũng nên tính giúp về không gian có đảm bảo khối kiến trúc khi đặt vào hay không?”. Ông Chương cũng dẫn chứng như quả cầu đặt trước Ngân hàng nhà nước, qúa khổ dẫn đến người dân không thấy con đường đằng sau. Ở đây, người trang trí cần phải tính việc trang trí chỗ nào cần phải kín, chỗ nào cần phải trống, bởi còn có một việc nữa là vấn đề giao thông. Ngoài ra, trang trí mà bịt kín không biết phía sau là gì là điều “cấm kị” và không tạo được hình tượng. Ông Chương cũng lên tiếng về những lộn xộn trong trang trí Hà Nội thời gian qua: “Tôi phản đối việc kéo đèn qua đường. Ví dụ vào những ngày lễ chúng ta kéo đèn 2, 3 ngày rồi cất đi, chứ để thường xuyên khiến người dân đi đường lúc nào cũng có cảm giác bất an. Ngoài ra, nếu vào buổi tối bật đèn còn xanh xanh, đỏ đỏ còn đẹp chứ vào ban ngày thấy treo lủng lẳng. Đề nghị Sở VHTT nên xem lại có nên làm như thế không? Thứ nữa, việc trang trí đèn xanh đỏ hiện nay nhiều quá. Đề nghị việc trang trí không tạo ra sự phản cảm”.

Đồng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Huỳnh Mai cho rằng: “Qua bao cấp lâu rồi mà sao công tác trang trí đường phố của Thủ đô vẫn… bao cấp quá. Ví dụ như cổng Ô Quan Chưởng, rồi các cổng làng cổ rất đẹp, cứ đến lễ Tết lại nhằng nhịt cờ đuổi nheo, màu sắc xanh đỏ, phá tan hết không gian kiến trúc cổ kính của di tích”. Họa sĩ Nguyễn Hùng Mai cũng góp ý việc Hà Nội lần đầu tiên tổ chức cuộc thi thiết kế trang trí là sự cầu thị, đáng hoan nghênh góp phần làm thay đổi cách trang trí của Thủ đô, làm Hà Nội đẹp lên.

Trang trí Thủ đô: Người dân sẽ quyết định - 1

Hi vọng Hà Nội sẽ không còn có những trang trí gây phản cảm trên đường phố.

Cầu thị để thành công

Trước những đóng góp của các họa sĩ, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động thừa nhận: “Trước đây các đơn vị cá nhân tổ chức muốn trang trí đường phố thì nộp sản phẩm lên Sở, Sở sẽ có Hội đồng nghệ thuật xem xét rồi báo lên Thành phố. Nhưng đúng là lúc đó có hai việc chưa làm được. Một là chưa lấy được ý kiến của các nhà chuyên gia một cách sâu sát. Thứ hai là lấy ý kiến rộng rãi của cơ quan thông tin đại chúng trong đó có nhân dân và cơ quan báo chí”.

Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cũng khẳng định sau khi rút kinh nghiệm, lần này các tác phẩm dự cuộc phát động sau khi Hội đồng chấm sẽ đưa lên các cơ quan thông tin đại chúng và trưng bày để người dân Thủ đô đóng góp ý kiến. Trong đó, Sở VHTT Hà Nội có thể sẽ áp dụng hình thức bỏ phiếu, để người xem tự đánh giá và sẽ chọn tác phẩm xứng đáng theo đa số ủng hộ.

“Tôi xin khẳng định rõ quan điểm như vậy. Có thể họa sĩ cho hay là đẹp, nhưng nhân dân bảo không được thì chúng tôi cũng không cho thể hiện ở ngoài đường phố. Bởi tôi xin nói rõ là chúng tôi phục vụ nhân dân chứ không phải phục vụ họa sĩ. Nhân dân và cơ quan báo chí sẽ là 2 đơn vị thẩm định cuối cùng trước khi Sở quyết định”- ông Tô Văn Động nhấn mạnh.

Hi vọng, sau cuộc phát động này, cùng với sự vào cuộc của giới mỹ thuật, đặc biệt là những đóng góp ý kiến từ người dân, hi vọng Hà Nội sẽ được trang hoàng đẹp hơn, xứng tầm của Thủ đô văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trang trí Thủ đô: Người dân sẽ quyết định

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO