Tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

H.Vũ 13/08/2019 07:20

Ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra; mở rộng đối tượng kiểm toán là những vấn đề lớn nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ai giải quyết chồng chéo?

Liên quan đến việc có ý kiến đề nghị quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra; Bổ sung quy định để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành và KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, đây là vấn đề trọng tâm đặt ra yêu cầu sửa Luật KTNN nêu rõ trong Nghị quyết 18-NQ/TW đồng thời hiện nay, việc chồng chéo giữa thanh tra các cấp và KTNN vẫn diễn ra, chưa khắc phục được. Các quy định trong Dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các bộ và thanh tra địa phương. Vì vậy, theo ông Hải, Dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.

Giải trình, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp và những nội dung đề xuất trong Dự thảo luật đã bảo đảm xử lý chồng chéo giữa thanh tra và KTNN. Vì vậy chỉ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN với Thanh tra Chính phủ là được. Cho nên nếu có chồng chéo thì phối hợp với thanh tra để tránh chồng chéo. Ví như vừa qua kiểm toán định kiểm toán thiết bị y tế và thuốc trong lĩnh vực y tế nhưng vì vấn đề này đã có trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ nên Kiểm toán xin rút, và không kiểm toán nữa.

Liên quan đến vấn đề xử lý chồng chéo trong thanh tra kiểm toán giữa Tổng KTNN và Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề: KTNN và Thanh tra Chính phủ thống nhất với nhau trong phối hợp, vậy ai là người điều hành 2 vị này trong khi Luật chưa quy định mà để cho 2 vị tự phối hợp với nhau? Khi có sự chồng chéo ai là người điều hòa để cả 2 cơ quan đều thực hiện được nhiệm vụ theo luật giao? Từ đó bà Tòng Thị Phóng cho rằng, khi có sự chồng chéo mà lãnh đạo hai ngành không thống nhất được thì cần báo cáo UBTV Quốc hội.

Theo bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, để xử lý tránh chồng chéo cần lấy kế hoạch kiểm toán hàng năm được Quốc hội thông qua làm chuẩn, từ đó các cơ quan phải căn cứ vào kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua để có kế hoạch thanh tra trong lĩnh vực của mình để tránh chồng chéo với kiểm toán. Đồng thời cần quy định trách nhiệm của các cơ quan khi vào thanh tra, kiểm toán cùng một nội dung mà không phát hiện được sai phạm nhưng về sau cơ quan điều tra vào cuộc lại phát hiện ra sai phạm. Bên cạnh đó, cũng cần phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực kiểm toán để công khai minh bạch, nghĩa là chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, hàng năm kế hoạch kiểm toán đều được Quốc hội thông qua, và nghị quyết của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng do đó các đơn vị khác cần căn cứ vào kế hoạch để có kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo với những việc kiểm toán đang làm.

Cần quy định rõ mở rộng đối tượng kiểm toán đến đâu

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm vẫn xoay quanh việc mở rộng đối tượng kiểm toán vốn đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Về vấn đề này, KTNN đề xuất 2 phương án trong Dự thảo luật. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Hải, 2 phương án thực chất là giữ nguyên như đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vì phương án 1 là giữ nguyên như đã trình, phương án 2 là chuyển nội dung đã bổ sung tại phương án 1 sang Điều 3 dẫn đến chưa rõ ràng và mở rộng đối tượng kiểm toán so với quy định tại Điều 4 Luật KTNN hiện hành, đặc biệt là sẽ bao gồm các tổ chức là doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước.

Trên cơ sở đó, theo ông Hải, nên sửa đổi theo hướng bổ sung nội dung để làm rõ khái niệm tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán trên nguyên tắc bảo đảm điều kiện các tổ chức, cá nhân này là tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, bổ sung quy định để làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quyền hạn, phạm vi, trách nhiệm, trình tự, thủ tục của KTNN khi kiểm tra, đối chiếu đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trước vấn đề trên, theo ông Hồ Đức Phớc, ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm toán. Trên thực tế có nhiều cơ quan nhà nước liên kết với các doanh nghiệp không trong khối nhà nước. Do đó phải kiểm toán các tổ chức có liên quan này để đối chiếu với cơ quan nhà nước. “Ví dụ khi kiểm tra cơ quan thuế, trong hàng nghìn hồ sơ thì sẽ chọn ra 4-5 hồ sơ để đối chiếu xem cơ quan thuế có làm tròn trách nhiệm hay không? để còn truy thu. Hay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có việc cấp vốn cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước để thực hiện chương trình thì phải kiểm toán để xem việc sử dụng vốn có đúng? Có thất thoát hay không?”- ông Phớc nêu quan điểm.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nơi nào sử dụng tài chính, tài sản công thì nơi đó phải được kiểm toán. Ví như trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn có sự tham gia của các tổ chức khác nên không phải cái gì kiểm toán cũng “xông vào” kiểm toán. Do đó Luật cần quy định rõ, bởi nếu không quy định rõ sẽ dẫn đến lạm dụng.

*Bổ sung vào dự toán ngân sách 225.000 USD cho Hà Tĩnh, Quảng Bình

Cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, tổng số tiền viện trợ không hoàn lại 225.000 USD của Chính phủ Cô-oét đã được chuyển vào ngân sách trung ương từ năm 2018. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ mới báo cáo UBTV Quốc hội để báo cáo Quốc hội bổ sung dự toán NSNN năm 2019 là rất chậm, trong khi việc khắc phục hậu quả thiên tai cho các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình là hết sức cần thiết và cấp bách. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và đề nghị UBTV Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8. Ngay sau đó các đại biểu đã bày tỏ quan điểm đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO