Tránh lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI

Thanh Giang 17/05/2017 08:45

Hội nhập đang tạo điều kiện để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) cũng đánh giá tích cực về môi trường đầu tư ở Việt Nam và rót vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo cần tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI.

Kim ngạch xuất khẩu của DN FDI đóng góp khá lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm 2017 GDP Việt Nam tăng trưởng 5,1%, thấp hơn năm 2016 (GDP năm 2016 là 5,6%). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân GDP tăng trưởng thấp không phải do khu vực nông nghiệp hay dịch vụ vì hai lĩnh vực này đều tăng trưởng quý I năm 2017 cao hơn so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính khiến GDP ở mức thấp là do ngành công nghiệp có phần chững lại, cụ thể năm 2017 tăng trưởng của ngành công nghiệp chỉ ở mức 4,1%, trong khi đó năm 2016 mức tăng của ngành này là 6,7%. Công nghiệp đang tăng trưởng thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.

Ông Vũ Thành Tư Anh - Giám đốc Nghiên cứu của chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright khẳng định: “Ngành công nghiệp tăng trưởng thấp có nguyên nhân của nó. Trong đó, nguyên nhân sâu xa nhất chính là phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI.

Khi DN FDI gặp khó khăn thì tăng trưởng của nền kinh tế cũng sụt giảm”. Ông Tự Anh lấy dẫn chứng, thời gian qua lĩnh vực điện thoại và linh kiện tăng trưởng khá thấp là do Công ty Samsung ngưng điện thoại Galaxy Note 7.

Từ mức tăng trưởng 14,2% năm 2016 giảm âm 10,7% trong năm 2017. “Công ty Samsung Việt Nam đang chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đây được xem là tỷ lệ không nhỏ, trường hợp công ty này gặp sự cố về kỹ thuật của một sản phẩm nào đó (như Galaxy Note 7) tất yếu sẽ ảnh hưởng mạnh đến kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều này minh chứng cho sự phụ thuộc vào một DN”, ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Hội nhập đang tạo điều kiện để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. DN FDI cũng đánh giá tích cực về môi trường đầu tư ở Việt Nam và ồ ạt rót vốn. Sự lớn mạnh của DN FDI thể hiện rõ qua kim ngạch xuất nhập khẩu.

Đơn cử, trong quý I năm 2016 kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 37,9 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối DN FDI kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 27,1 tỷ USD, tăng 5,8%; khu vực kinh tế trong nước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 0,3%.

Trong quý I năm 2017 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 44,64 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng khối DN FDI, quý I xuất khẩu đạt 31,32 tỷ USD, tăng 18,8%.

Thực tế cho thấy, bất kỳ năm nào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khối FDI vẫn chiếm tỷ lệ 60 – 70%. DN FDI luôn lấn lướt kim ngạch xuất khẩu ở một số ngành như điện tử, dệt may…

Đối với kim ngạch của ngành linh kiện và điện, điện tử đa phần là sự đóng góp của Samsung, Intel, Microsoft rồi LG,… Ở một số ngành khác, DN FDI cũng là những ông chủ lớn tạo ra giá trị gia tăng cao góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn vào “sức khỏe” của DN FDI, không ít người khen ngợi sự lớn mạnh về quy mô, nguồn vốn, quản trị, công nghệ, nhân lực… song các chuyên gia cũng cảnh báo, sự phụ thuộc nhiều vào cộng đồng DN FDI hay bất kỳ một DN nào cũng có thể gặp rủi ro.

Các DN FDI chuyển dịch dòng vốn sang Việt Nam, có thể cũng có ngày các DN này tiếp tục dịch chuyển sang các nước khác. FDI đóng hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Trương Đình Tuyển- nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ từng cho hay, bất cập lớn nhất hiện nay là nguy cơ tồn tại 2 nền kinh tế không cân xứng trong một quốc gia. DN FDI ngày càng thể hiện sự lớn mạnh với hàng loạt ưu đãi, DN trong nước chưa thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn với hàng loạt khó khăn chực chờ.

Sự lớn mạnh của DN FDI thể hiện rõ qua kim ngạch xuất nhập khẩu. “DN FDI được đón chào với hình thức “trải thảm đỏ”, điều này vô hình trung đưa DN FDI trở thành công dân hạng cao trong hệ thống DN Việt Nam. Cứ phân tầng như hiện nay chắc chắn có người được ban phát người không được ban phát”, ông Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Vấn đề đặt ra, muốn kinh tế tăng trưởng bền vững, tránh phụ thuộc cần xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, công khai và minh bạch. Tất cả các thành phần kinh tế đều được đối xử như nhau, tránh tình trạng bên trọng, bên khinh ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển và đóng góp của cộng đồng DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO