Tránh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu

Xuân Thủy 02/08/2018 08:30

Hiện nay, việc quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn tới tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, trong môi trường đất, nước, không khí rất lớn. Vì vậy, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ngay trong cơ thể con người là không thể tránh khỏi.

Tránh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu

Ảnh minh họa.

Theo Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, sau khi kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đối với 67 người tại các xã, thị trấn thuộc 4 huyện ngoại thành Hà Nội gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức thì đã phát hiện 31 người đang có thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong máu và 1 người ở mức rủi ro. Đặc biệt, nhiều người trong nhóm này là nhân viên, cán bộ, ở các xã, thị trấn không trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp.

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết việc nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật trong máu do ô nhiễm từ môi trường nước, không khí và cả từ ăn uống. Riêng ô nhiễm từ ăn uống có liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả. Đây là mối lo lắng lớn nhất của người tiêu dùng. Nguy hiểm nhất là khâu chăm sóc, quá dư thừa thuốc bảo vệ thực vật. Ví dụ quy định trước khi thu hoạch 30 ngày không được phun thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên người sản xuất vẫn phun thuốc, thậm chí trước khi bán chỉ vài ba ngày.

“Do đó trong số những người xét nghiệm máu, có những người không liên quan tới sản xuất nông nghiệp cũng bị nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật. Không chỉ những người đó mà người tiêu dùng cũng sẽ bị nếu sử dụng rau sản xuất có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật” - ông Hùng cảnh báo.

PGS.TS Doãn Ngọc Hải -Viện trưởng Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) - cảnh báo: Không ít trường hợp nhiễm thuốc bảo vệ thực vật không phải do tiếp xúc trực tiếp. Họ trực tiếp sử dụng các sản phẩm rau, hoa quả còn tồn dư lượng thuốc trừ sâu hoặc hít phải đều bị nhiễm. Mọi người dân từ người trực tiếp sản xuất đến người sử dụng, từ thành thị đến nông thôn đều có nguy cơ cao hấp thụ thuốc bảo vệ thực vật vào máu.

Khi ngộ độc thuốc ở dạng cấp tính, người bệnh sẽ có những triệu chứng dễ thấy như nôn mửa, nhức đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi... Nặng hơn chất độc sẽ chuyển hoá qua gan, gây nên rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể, ở phụ nữ dễ gặp tai biến sảy thai, đẻ non, gây dị tật bẩm sinh ở trẻ, ung thư...

Có thể thấy nguyên nhân của vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu có lẽ đến từ một bộ phận không nhỏ người nông dân không nắm chắc hoặc cố tình không nắm chắc quy cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm -Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Tất cả các loại hóa chất bảo vệ thực vật đều độc hại. Tuy nhiên, mức độ độc hại còn phụ thuộc nhiều vào liều lượng được dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn.

Để tránh được tình trạng này, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn- Hồ Xuân Hùng cho rằng, người sản xuất phải nghiêm ngặt trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, trên thị trường, tại các chợ, siêu thị, nơi tiêu thụ phải có lực lượng kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả.

“Các nước đều có lực lượng này tại các điểm tiêu thụ thực phẩm, tuy nhiên nước mình có quá nhiều chợ cóc nên không kiểm tra được. Vì vậy phải tổ chức lại hệ thống tiêu thụ như chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, những nơi đó phải có lực lượng kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra độ an toàn của rau quả, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời khuyến cáo những người sản xuất. Ngoài ra còn có khâu giám sát cuối cùng trước khi sản phẩm ra thị trường”, ông Hùng cho hay.

Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn sử dụng các loại rau quả rõ nguồn gốc xuất xứ, từ những địa chỉ đáng tin cậy để bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình khỏi những nguy cơ từ thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong rau củ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO