Trao giải cuộc thi Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam

Nguyễn Hoài 19/12/2022 18:12

Chiều 19/12, Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội.

Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ GDĐT tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực. Đây là hoạt động nằm trong Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban tổ chức phát biểu tại Lễ trao giải.

Cuộc thi phát động từ tháng 5/2022, sau 7 tháng, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 20.000 tác phẩm. Với 123 tác phẩm vào vòng chung khảo, Ban tổ chức đã quyết định công nhận trao giải cho 12 tác phẩm xuất sắc và 2 tập thể. Trong đó có 1 tác phẩm đoạt giải Nhất; 2 tác phẩm giải Nhì; 3 tác phẩm giải Ba; 6 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích và 2 tập thể có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng tốt.

Báo cáo tổng kết cuộc thi, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban tổ chức nhận định, cuộc thi đã lan tỏa cũng như tạo sức hút, quan tâm của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đến với lịch sử nước nhà, nâng cao niềm tự hào dân tộc.

BTC trao giải cho tác giả đoạt giải Nhất cuộc thi.

Ở một số địa phương, cơ sở giáo dục đã tổ chức chấm và chọn những tác phẩm chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều sở GDĐT tham gia với đông đủ bài thi của giáo viên và học sinh trong toàn ngành. Tiêu biểu là các Sở GDĐT: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bình Dương, Cần Thơ…

Ông Lâm đánh giá, phần lớn các tác phẩm viết về chủ đề lịch sử dân tộc và tinh thần yêu nước. Mỗi tác giả có một cách tiếp cận và cảm nhận khác nhau về đề tài mình lựa chọn. Các tác giả không chỉ dày công nghiên cứu, đầu tư vào nội dung tác phẩm mà còn sáng tạo trình bày theo những cách thức mới mẻ, lồng ghép hình ảnh và clip công phu, sinh động. Có tác phẩm còn được phiên dịch sang tiếng Anh.

"Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần đưa lịch sử Việt Nam đến gần hơn với quốc tế, để mọi người trên khắp các châu lục được biết đến có một Việt Nam anh hùng như thế", ông Lâm bày tỏ.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Thiếu tướng, TS, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử công an nhân dân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân gửi lời chúc mừng đến các tác giả đạt giải; đồng thời, bày tỏ ấn tượng trước số lượng, chất lượng của các bài dự thi. Nhiều tác phẩm dày, được viết tay mười mấy trang, thể hiện sự đầu tư công phu của các tác giả. Chưa kể, không chỉ giáo viên, học sinh mà còn các giáo sư, tiến sĩ, người dân cả nước gửi bài dự thi.

Ban tổ chức trao giải cho lần lượt các tác giả đoạt giải Nhì, Ba và Khuyến khích.

Tại buổi Lễ, Ban tổ chức đã trao giải cho các tác phẩm đoạt giải. Trong đó, tác phẩm gồm 5 chương có chủ đề “Tự hào Việt Nam” của cô Nguyễn Thị Sang, giáo viên Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đoạt giải Nhất.

Xúc động khi giành giải Nhất cuộc thi, cô Sang bộc bạch: "Khi viết tác phẩm, bằng sự cố gắng cùng đam mê, lòng yêu nước, tôi đã biến ý tưởng thành tác phẩm hoàn chỉnh. Cuộc thi không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với tôi mà còn với các thành viên trong gia đình, những người đã hỗ trợ hết mình để tôi đạt được kết quả hôm nay".

Danh sách các tác phẩm đạt giải:

Giải Nhất

Tác phẩm: Tự hào Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Sang, Giáo viên Trường Trung học cơ sở Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Giải Nhì

  1. Tác phẩm: Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam

Nhóm tác giả: Nguyễn Phương Thúy, Lương Hoàng Quý, Lại Thị Thu Huyền, Nguyễn Thị Kim Dinh, Hoàng Thị Tuyết Trinh, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

2. Tác phẩm: Câu lạc bộ Bjoóc Vẹn - góp phần giữ lửa hát then, đàn tính trên quê hương Văn Quan

Tác giả: Nông Thị Hường, Giáo viên Trường THPT Lương Văn Tri, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Giải Ba

  1. Tác phẩm: Chủ nghĩa yêu nước - Nội lực tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam

Tác giả: Phạm Thị Thu Phương, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

2. Tác phẩm: Một trí tuệ, một trái tim của một người thầy vùng cao

Tác giả: Phạm Hồng Phong, Giáo viên Trường THPT Lưu Nhân Chú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

3. Tác phẩm: Truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc

Tác giả: Học sinh Dương Thị Hồng Vân, lớp 12A1, Trường THPT Lạng Giang số 2, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Giải Khuyến khích

  1. Tác phẩm: Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Chuyền, Giáo viên Trường THCS thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

2. Tác phẩm: Tìm hiểu về truyền thống hơn 70 năm của Lực lượng vũ trang Thủ đô và những tấm gương người lính trong đời thường

Tác giả: Phạm Thị Hường, Giáo viên Trường THCS Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

3. Tác phẩm: Hào quang kỵ sĩ

Tác giả: Nguyễn Thị Vinh, Giáo viên Trường Tiểu học Đông Hòa B, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

4. Tác phẩm: Có một Tiểu đội tự vệ như thế!

Tác giả: Hoàng Đại Giang, Giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

5. Tác phẩm: Làng nghề "Một thoáng Việt Nam"

Tác giả: Nguyễn Thị Ngân, Giáo viên Trường THPT Lý Thái Tổ, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương

6. Tác phẩm: Kênh Dớn hàng Gòn, xã Khánh Lâm trong những ngày tháng 9 năm 1969 đau thương

Tác giả: Trịnh Hà Giang, Giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Giải Tập thể

Tập thể có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt: Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên; Sở GDĐT tỉnh Lạng Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trao giải cuộc thi Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO