Trên 15.000 ca mắc mới ung thư vú mỗi năm

Đức Trân 11/10/2019 08:00

Ung thư vú là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ. Trên thế giới mỗi năm có 1,7 triệu ca mắc mới và 520.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Chỉ riêng ở Việt Nam đã có khoảng 15.000 ca mắc mới mỗi năm.

Trên 15.000 ca mắc mới ung thư vú mỗi năm

Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa rất lớn trong điều trị.

Ung thư vú đứng hàng đầu

Theo thống kê hiện nay, chỉ tính riêng ung thư vú và phụ khoa đã chiếm tới trên 1/3 (34%) số ca mắc ung thư ở nữ, trong đó ung thư vú và ung thư cổ tử cung là 2 loại ung thư thường gặp nhất. Ở Việt Nam ung thư vú đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và đứng thứ 3 về tỷ lệ tử vong ở nữ giới. Theo Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan), mỗi năm nước ta có 164.671 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 15.229 ca (chiếm tỷ lệ 9,2%). Phụ nữ ở tất cả các độ tuổi, sắc tộc đều có thể mắc phải ung thư vú. Ngoài ra, những người bị đột biến ADN tế bào vú khiến cho các tế bào bị mất kiểm soát trong quá trình phát triển cũng rất dễ mắc phải bệnh này.

TS.BS Nguyễn Đức Phúc - Bộ phận Ung thư, BV Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện nguyên nhân gây ung thư vú vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học biết được rằng bệnh xảy ra khi một số tế bào vú bắt đầu phát triển bất thường và phân chia nhanh hơn so với các tế bào khỏe mạnh khác. Các tế bào trên tích tụ tạo thành một khối u có thể lây lan đến mô lân cận hoặc những bộ phận khác của cơ thể.

Ước tính có khoảng 5 - 10% ca ung thư vú có liên quan đến đột biến gen và mang tính di truyền. Những yếu tố di truyền được xác định gồm gen 1 (BRCA1) và gen 2 (BRCA2) là tác nhân gây ung thư. Nếu trong gia đình mẹ bị ung thư vú, thì con gái và cháu gái thường có nguy cơ ung thư vú cao hơn.

Chủ động tầm soát

Theo BS Nguyễn Đức Phúc, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở nữ giới có thể tăng cao do các yếu tố: tuổi tác: càng lớn tuổi, nguy cơ bị bệnh càng cao. Tiền sử gia đình: nếu mẹ, con gái hoặc chị gái bạn bị ung thư vú, khả năng mắc bệnh sẽ lớn hớn. Đột biến gen di truyền BRCA1 và BRCA2. Bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn. Sinh con lần đầu khi lớn tuổi hoặc chưa bao giờ sinh con. Dùng các loại hormone kết hợp như estrogen và progestin để điều trị các triệu chứng mãn kinh. Tiền sử ung thư biểu mô tuyến vú hoặc tiểu thùy tuyến vú. Ngoài ra còn có các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú như uống thức uống có cồn, béo phì hay từng chụp nhũ ảnh…

BS Phúc nhấn mạnh, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh. Vì vậy, theo khuyến cáo, phụ nữ trên 30 tuổi nên thường xuyên tự khám để kiểm tra vú: tay phải kiểm tra vú trái, tay trái kiểm tra vú phải. Ung thư vú, ung thư cổ tử cung là những loại ung thư có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Nếu được phát hiện sớm thì tiên lượng điều trị rất khả quan, nhất là đối với ung thư vú.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K trung ương với ung thư vú nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Giai đoạn 1-2, hơn 90% bệnh nhân có thể chữa ổn định. Đến giai đoạn 4 thì thường quá trình điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm các triệu chứng đau đớn. Với ung thư cổ tử cung, nếu được phát hiện sớm, được điều trị kịp thời thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 80-93%.

Biết được các dấu hiệu cảnh báo của bệnh là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm ung thư vú, ung thư phụ khoa. Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ vẫn chưa có kiến thức để tự phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư tại nhà, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đi khám sàng lọc ung thư vú, ung thư phụ khoa định kỳ, nên khi phát hiện và điều trị bệnh thì thường đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí điều trị tốn kém và kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trên 15.000 ca mắc mới ung thư vú mỗi năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO