Trên kệ sách tuần này (1/10)

Thư Thư 01/10/2017 07:00

Ra mắt cuốn khảo cứu về hát bội, đờn ca tài tử, cải lương ở Sài Gòn và Nam Kỳ/ Kể xong rồi đi/ Cổ tích cho ngày mới

Ra mắt cuốn khảo cứu về hát bội, đờn ca tài tử, cải lương ở Sài Gòn và Nam Kỳ
Cuốn sách có tựa đề hơi dài: “Nghệ thuật sân khấu: Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đến 1945” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp trình bày một số sự kiện trong lĩnh vực văn hóa từ năm 1861 lúc người Pháp chiếm được Sài Gòn cho đến khi Việt Nam độc lập năm 1945.

Ấn phẩm được tác giả Nguyễn Đức Hiệp dựa trên một số tư liệu sách báo nhằm mục đích phác họa cho độc giả thấy bối cảnh và sự phát triển của các loại hình nghệ thuật sân khấu như hát bội, nhạc tài tử, ca ra bộ, cải lương và sự phong phú của lịch sử nghệ thuật sân khấu ở Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ nói chung trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến 1945.

Đáng chú ý, cuốn sách dành một chương nói về hoàn cảnh, diễn tiến của các tranh luận phản ảnh các ý kiến thái độ trong một xã hội đang thay đổi vào các thập niên đầu thế kỷ 20. Đây là một tư liệu quý dành cho những người đam mê nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam nói chung, của miền Nam nói riêng.

Kể xong rồi đi
Cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Bình Phương có tựa đề “Kể xong rồi đi”. Tiểu thuyết xoay quanh cái chết của một ông đại tá về hưu. Đầu tác phẩm ông ta bị đột quỵ và cuối tác phẩm thì chết. Quá trình từ lúc đại tá bị bệnh nằm viện cho đến khi hóa thành tro bụi là hành xử, tâm trạng của đám con cái của ông.

Toàn bộ câu chuyện lại được kể lại qua “thằng hâm hấp, thằng cháu bồ côi bồ cút mắt lác” của vị đại tá. Nhưng đừng tưởng cậu ta kể với chúng ta, vì chắc gì chúng ta đã lắng nghe - cậu ta kể với một con chó. Là người cháu mồ côi được đại tá mang về nuôi, cậu ta có mặt trong gia đình đó ở vị trí của kẻ ăn nhờ ở đậu, không có tiếng nói, cậu ta vừa là người tham dự lại vừa là kẻ đứng ngoài.

Cổ tích cho ngày mới
“Cổ tích cho ngày mới” (NXB Trẻ) dày gần 200 trang, tập hợp 11 truyện ngắn của tác giả Lê Minh Hà, khai thác những khía cạnh tâm lí từ những câu chuyện cổ tích, thần thoại mà ta dường như đã thuộc nằm lòng.

Đó là nỗi lòng An Dương Vương dành cho người con gái bị chính mình chém đầu, của Châu Long khi đứng giữa hai người đàn ông và những trách nhiệm quá lớn lao đặt lên vai mình, của cô Tấm khi đã hồi cung nhưng tháng ngày bị dằn vặt vì cái chết của em do chính mình gây ra, của Thị Kính khi gánh quá nhiều nỗi oan trần thế; là những khắc khoải, băn khoăn của người chú hai anh em trong truyện Trầu cau, của bà mẹ Thánh Gióng cho đứa con còn quá ít tuổi đã phải gánh gánh nặng giang san...

Qua giọng văn giàu chất trữ tình của Lê Minh Hà, những câu chuyện cổ được soi sáng dưới một lăng kính mới mẻ, trăn trở và nhân văn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trên kệ sách tuần này (1/10)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO