Trên thảo nguyên Mộc Châu

Thế Tuấn 12/07/2017 09:00

Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La, từng được biết đến với tên gọi là “thảo nguyên xanh”- do nơi đây có những nương chè bát ngát. Mộc Châu cũng được gọi là “thảo nguyên trắng” bởi sản phẩm sữa có được từ những đàn bò nơi này đã nổi tiếng cả nước. Nhưng, trên hết Mộc Châu là một vùng đất thật đẹp, nơi thiên nhiên gắn bó với con người.

Mùa hoa tam giác mạch.

1. Huyện Mộc Châu phía Bắc giáp huyện Phù Yên, cùng chung dòng sông Đà nước chảy cuồn cuộn. Cũng ít người biết rằng, Mộc Châu còn giáp với nước bạn Lào về phía Tây, còn phía Nam kéo dài mới tới xứ Thanh. Đây là mảnh đất cùng chung sống của 13 dân tộc anh em, là bà con người Thái, người Mông, người Khơ Mú, Dao, Tày...

Ở đây, vào dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm, bà con người Mông lại tổ chức đón Tết Độc lập tại thị trấn huyện. Tết Độc lập tới nay không còn chỉ là ngày lễ hội của bà con người Mông, mà đã là ngày vui chung của bà con các dân tộc trong vùng. Trong ngày lễ hội, thanh niên nam nữ làm quen, kết bạn và trong số đó nhiều người đã bén duyên nên vợ nên chồng.

Mộc Châu là thảo nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất miền núi phía Bắc. Nơi đây khí hậu ôn hòa quanh năm. Cho dù cùng một thời điểm ở Hà Nội, Hòa Bình hay Sơn La đang nắng nóng trên 37 độ C thì ở đây nhiệt độ vẫn chỉ xấp xỉ 30 độ C. Còn về mùa đông, nếu nơi khác xuống dưới 10 độ C thì Mộc Châu vẫn đạt tới gần 20 độ C. Điều đó có được có lẽ là do những ngọn núi cao nhất bao bọc cho mảnh đất này. Khí hậu tốt, thổ nhưỡng tốt nên cả trồng trọt và chăn nuôi đều cùng phát triển.

Nương chè.

Người Mộc Châu nổi tiếng chế biến thực phẩm tài tình. Từ những thứ rau rừng hoặc vật nuôi trong nhà, bà con chế biến được nhiều món ăn mang phong vị núi rừng, với vị đặc trưng chỉ có ở nơi này. Món thịt gác bếp đã làm nên danh tiếng cho Mộc Châu từ bao đời nay. Trong món thịt khô ấy, vẫn giữ được vị ngon của thực phẩm tươi, nhưng lại có cả mùi khói ấm nồng. Món cá suối nướng cũng thật thú vị, vì ở đây có nhiều dóng suối róc rách suốt ngày đêm, là nguồn cung cấp thực phẩm gần như không bao giờ cạn cho đồng bào.

Nhưng, có lẽ thú vị nhất chính là món “nậm pịa” của đồng bào Thái. Nậm pịa được nấu bằng lòng dê (hoặc lòng ngựa, bê). Yếu tố chính làm nên nậm pịa là khúc ruột non của dê, ngựa, được thắt hai đầu lại để giữ nguyên chất dịch trong. Cùng đó, người ta lấy lục phủ ngũ tạng của con vật đó như cuống tim, dạ dày, gan, ruột non... đem ninh nhiều giờ liền với xương cho đến khi nước dùng đủ vị ngọt và ngậy.

Phần ruột non sau khi đã lấy pịa thì cắt khúc đem ninh cùng xương, rồi cho pịa vào và nêm cùng các loại rau thơm, lá đắng, rau mùi được băm nhỏ. Gia vị của món ăn này bao gồm ớt, tỏi, và mắc khén... Ai đã từng một lần thưởng thức nậm pịa sẽ không thể nào quên mùi vị khác lạ, độc đáo và “ma mị” của nó.

Hoa đào nở sớm.

2. Mộc Châu nổi tiếng với những loài hoa, trong đó có hoa mận, hoa đào, hoa ban, tam giác mạch.Cùng với Bắc Hà (Lào Cai) thì hoa mận trắng của Mộc Châu đẹp đến nao lòng. Trên những con đường nhỏ vào bản, mận mọc tự nhiên rất nhiều, cho đến kỳ ra hoa chúng nở những tàng hoa màu trắng cánh mỏng manh. Nhìn xa hút vào con đường trong bản, màu trắng của hoa mận trong sương mờ bảng lảng khiến người ta có cảm giác như ngược thời gian trở lại thời kỳ hồng hoang trong cổ tích.

Hoa đào nở sớm cũng là sản vật đất trời cho riêng thảo nguyên có độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển này. Trước Tết, hoa đào đã nở hồng đất trời, như mang hơi ấm về xua đi khí lạnh tỏa ra từ những sườn núi đá. Cùng với mận, người Mộc Châu rất thích trồng trong sân nhà một cây đào. Khi hoa đào nở cũng là lúc những lễ hội đón năm mới bắt đầu. bản làng rộn rã tiếng nói cười và những tiếng hát khi xa khi gần của thanh niên nam nữ.

Không nhiều như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), nhưng tam giác mạch ở Mộc Châu lại nở liền nhau tạo thành những thảm hoa vô cùng hấp dẫn. Mỗi khi tam giác mạch ra hoa, người từ khắp nơi lại tìm đến, chỉ là để được thưởng ngoạn một cảnh sắc thiên nhiên lộng lẫy mà hoang sơ.

Trong ngày hội.

Nhưng, đến Mộc Châu, người ta phải trầm trồ trước những nương chè bát ngát. Màu xanh của những nương chè làm cho đất trời như dịu lại. Chè là cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Không rõ loại cây này có ở đất này từ bao giờ, nhưng với người Mộc Châu đó là niềm tự hào không gì thay thế được. Từ khi chưa đến 10 tuổi, một em gái Mộc Châu cũng đã biết theo mẹ lên nương hái chè, còn em trai thì tha thẩn cùng những chú bò béo tốt.

Tới nay, dù đã trở thành một điểm du lịch, nhưng cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa bản địa ở đây vẫn được bảo tồn. Tới Mộc Châu, du khách bị quyến rũ bởi các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Sơn Mộc Hương (hang Dơi), rừng thông bản Áng, chùa Chiền Viên, thác Dải Yếm, đỉnh Phiêng Luông... và những câu hát, điệu múa khèn, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc văn hoá lâu đời.

Thác Dải Yếm thuộc bản Vặt, xã Mường Sang. Từ trung tâm thị trấn Mộc Châu, xuôi về phía Sơn La, đến ngã ba đi cửa khẩu Loóng Sập thì rẽ trái chừng 5 km là tới. Đường vào thác xuyên qua một cánh rừng thưa. Hai bên đường cỏ cây rất đẹp, cùng đó là những khu dân cư với kiến trúc truyền thống của người dân nơi này.

Cuối cùng, cũng cần kể đến bản Dọi của người Thái, chuyên trồng chè và nuôi bò sữa. Từ thị trấn nông trường Mộc Châu, về xã Tân Lập rồi đến ngã ba Pa Khen, là vào bản Dọi. Bản làng đẹp như tranh, với những ngôi nhà lúp xúp, những hàng cây xanh thẫm màu và tha thẩn trên con đường nhỏ là những chú bò trên đường trở về lúc chiều buông...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trên thảo nguyên Mộc Châu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO