Trị 'bệnh' trì trệ để đón dòng đầu tư mới

Nguyên Khánh 14/06/2020 08:00

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam có cơ hội đón dòng đầu tư mới. Nhưng muốn đón được những dòng đầu tư này mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân cần quyết tâm chấn chỉnh những nhược điểm cố hữu, đặc biệt là “chữa” cho được “căn bệnh” trì trệ, sợ trách nhiệm.

Trị 'bệnh' trì trệ để đón dòng đầu tư mới

Vượt qua sự trì trệ để phát triển sản xuất. Ảnh: Quang Vinh.

Trì trệ là rào cản lớn ngăn cản phát triển

Những sự trì trệ mà người đứng đầu Chính phủ đề cập đến rất nhiều, đó là những sự đắp chiếu của các dự án lớn mà chưa biết ngày nào về đích như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; sự chậm trễ trong giải quyết các dự án yếu kém của ngành Công thương…Hay như vấn đề giải ngân vốn đầu tư công dù đươc thúc quá nhiều mà sự chuyển động vẫn chưa được là bao…

Đâu là nguyên nhân của những sự trì trệ này. Thực tế thì có lý do của dịch Covid-19 cũng khiến mọi việc giải quyết trở nên chậm chạp hơn, đó là nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân, gần đây có nhiều trường hợp cán bộ sai phạm, gây thất thoát, lãng phí tài sản công thì phải bị truy cứu. Việc xử lý sai phạm cũng mang tính răn đe rất lớn đối với những người đương chức, đương quyền. Tuy nhiên, lại có những phản ánh một số bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thấy vậy quay ra làm việc cầm chừng, thậm chí có biểu hiện e dè, sợ hãi. Không chỉ ở cơ quan công quyền mà đối với một số doanh nghiệp (DN) nhà nước cũng có biểu hiện này. Đó là lý do khiến nền hành chính vốn sẵn sức ì thì nay sẽ trở nên chậm chạp hơn.

Theo ông Đỗ Văn Sinh- Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội sự tồn tại của những sự trì trệ trên là do yếu tố cốt lõi là hệ thống pháp quy còn bất cập thì rất dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy, không dám làm, không dám quyết, né trách nhiệm. Chẳng hạn, vướng mắc lớn hiện nay ở nhiều dự án đó là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Cơ chế GPMB thì liên quan tới rất nhiều cơ quan, như quy hoạch, kế hoạch, sở nọ, sở kia… Nếu không có quy chế hối hợp rõ ràng thì tất yếu dẫn đến đùn đẩy.

Doanh nghiệp lãnh hậu quả

Là một luật sư thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Đức Mạnh- Công ty Luật TNHH Bizlink hiểu DN nước ngoài nghĩ gì và cần gì khi đầu tư ở Việt Nam.

Dẫn câu chuyện về thu hút vốn FDI, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang là chủ đề nóng bỏng, ông Mạnh thấy rằng điều đó là cần thiết, tạo động lực phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, khi được hỏi làm gì để thu hút FDI, ông liền kể: “Qua làm việc và phản ánh của khách hàng, chúng tôi thấy rằng việc giải quyết thủ tục hành chính rất chậm, thậm chí nhiêu khê. Nhiều cơ quan sợ trách nhiệm nên công việc kéo dài hàng tháng, thậm chí gần 1 năm trời. Có một công ty Nhật Bản làm thủ tục gia hạn dự án ở một thành phố, nhưng gần 1 năm nay chưa xong thủ tục”.

“DN mất đi cơ hội kinh doanh, người ta không thể hoạch định được chiến lược kinh doanh của mình, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Việt Nam”, ông Mạnh băn khoăn và tiếp rằng: Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. DN Nhật đầu tư vào Việt Nam và muốn gắn bó lâu dài nhưng việc họ thường xuyên gặp thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, quan liêu từ bộ máy chính quyền đã giảm niềm tin của nhà đầu tư, gây ra bức xúc. Người ta rất muốn làm cầu nối để thu hút FDI từ Nhật và các quốc gia khác đầu tư vào Việt Nam nhưng gặp những trường hợp như vậy họ rất chán nản. Cho nên, phải tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính thực sự.

“Quan điểm của chúng tôi là cần có chế tài đối với cán bộ công chức giải quyết công việc chậm chạp như vậy. Phải xây dựng các chế tài rõ ràng, đủ mạnh để công chức phải làm việc, phải có trách nhiệm trong quá trình giải quyết. Nếu như không có chế tài, chỉ đôn đốc không thì nhiều khi như những khẩu hiệu suông, không mang lại thiết thực cho công cuộc cải cách”, ông Mạnh thẳng thắn.

Gây khó cho DN nhất là vin vào các quy định, thủ tục hành chính đó là điều biết rồi khổ lắm nói mãi. Theo kết quả mới đây nhất khi công bố về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, VCCI cho biết, vẫn còn rất nhiều điều chưa được như kỳ vọng, nhất là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. Theo đó, có 59% DN gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 53% DN gặp khó khăn vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch. Có 43% DN gặp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư... Một khoản phí được gọi là chi phí không chính thức dù đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số DN phản ánh phải trả các chi phí không chính thức.

Minh chứng cụ thể về sự gây khó từ chính quyền đối với DN, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay: “Tôi nắm được, có đồng chí phó phòng cầm hồ sơ của DN nước ngoài đến 8 tháng, lên đến Văn phòng UBND TP cũng kéo dài đến 1 tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất từ năm 2018 của Sở Tài nguyên Môi trường chuyển cho Sở Tài chính, nhưng các đồng chí không nhập vào hệ thống hồ sơ, xem xong lại “đá qua đá lại, có hồ hơ đá qua lại đến 6 vòng từ năm 2018 đến nay. Đề nghị các đồng chí phải chấn chỉnh lại ngay tình trạng này”.

“Phác đồ” trị “bệnh” trì trệ

Làm gì để chữa bệnh trì trệ của cán bộ? Theo ông Nguyễn Văn Sinh, ai cũng nói là cán bộ công chức còn thiếu động lực. Hãy nhìn ra khối dân doanh, tại sao họ có động lực? Là bởi vì họ được đánh giá công tâm, ai làm được việc thì trọng dụng, ai bất tài yếu kém thì bị đuổi, thậm chí đuổi ngay lập tức. Họ làm theo cơ chế “làm theo năng lực, hưởng theo thành quả” nên người lao động có động lực làm tốt.

Còn công chức thì sao? Việc lượng hoá năng lực cán bộ còn khó khăn. Nhưng nếu không lượng hoá thì rất khó đánh giá. Nếu anh làm tốt mà cũng bằng người làng nhàng, thì tại sao anh phải làm cật lực? Tôi tin rằng, nếu làm tốt được ghi nhận, không tốt thì bị sa thải như cơ chế tư nhân thì chắc chắn mọi thứ sẽ khác. Tóm lại, muốn giải được nút thắt phải đi trực tiếp vào 3 vấn đề: Tiêu chí đánh giá; cá nhân và tổ chức thực hiện đánh giá; động lực và kỷ cương. Chỉ có như vậy mới khắc phục được chuyện cán bộ “nhác” làm, né trách nhiệm, đùn đẩy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam có cơ hội đón dòng đầu tư mới. Do đó Thủ tướng yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân quyết tâm chấn chỉnh những nhược điểm cố hữu, đặc biệt là “chữa” cho được “căn bệnh” trì trệ, sợ trách nhiệm. Phác đồ điều trị mà Thủ tướng đưa ra là: “Tất cả cán bộ, công chức của các bộ ngành, địa phương không được vô cảm trước tình hình đầy khó khăn. Cần bình tĩnh nhưng quyết tâm cao; có biện pháp mạnh, chủ trương cụ thể, vào cuộc đồng bộ. Chúng ta không chỉ quản trị tốt, mà cần có những nhà quản trị đầy cảm xúc, tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã xác định trách nhiệm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân và doanh nghiệp. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội phải đối mặt với nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức, đây chính là lúc “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nên không thể chấp nhận có cán bộ nào vô cảm, trì trệ. Thay vào đó, đất nước và nhân dân cũng đang cần đội ngũ cán bộ, nhất là những nhà quản trị quả cảm, đầy nhiệt huyết và thiện tâm như rất nhiều bác sĩ và nhân viên y tế vẫn đang ngày đêm ở tuyến đầu phòng chống Covid-19, cứu người bệnh và dập dịch.

Để tăng sức đề kháng với “virus trì trệ”, mỗi cá nhân cần xác định quyết tâm, tạo động lực, đề ra cách làm, có kế hoạch và mục tiêu cụ thể, mạnh dạn xông vào những việc khó khăn. bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân và DN; ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý DN; tạo nguồn lực tái cơ cấu kinh tế sâu rộng, tạo động lực mới cho phát triển.

Trị 'bệnh' trì trệ để đón dòng đầu tư mới - 1

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Quyết liệt giảm phiền hà cho doanh nghiệp

Nếu thực hiện quyết liệt việc giảm phiền hà, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ “mang lại lợi ích lớn hơn nhiều” cho nhà đầu tư. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn tâm lý “ngại thay đổi”, sợ rủi ro, sợ sai. Nhất là khi nhiều cán bộ ngại động chạm, ảnh hưởng quan hệ. Vì thế, giải pháp để có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính thông thoáng là các quy định pháp lý phải rõ ràng, tránh chồng chéo xung đột pháp luật. Bởi vì điều này không chỉ gây rủi ro cho doanh nghiệp mà còn cho những người thực thi công vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trị 'bệnh' trì trệ để đón dòng đầu tư mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO