Triển khai Luật Thanh niên chưa hiệu quả

Khanh Lê 22/01/2018 07:00

Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ, Luật Thanh niên ra đời là đòi hỏi tất yếu nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến thanh niên, góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều chính sách pháp luật liên quan đến thanh niên trong dạy nghề, giải quyết việc làm, vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa tinh thần… đã được các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức thực hiện, đạt được những kết quả nhất định. Đáng ghi nhận là bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên được thành lập thống nhất từ Trung ương tới cơ sở. Nhận thức của thanh niên trong việc chấp hành pháp luật, cũng như xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên sau hơn 10 năm triển khai, việc triển khai Luật Thanh niên chưa thật sự đồng bộ, rộng rãi, còn bó hẹp trong phạm vi Đoàn Thanh niên. Nhiều cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm, đầu tư cho phát triển thanh niên. Việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm. Hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên chưa được kiện toàn đầy đủ, không ổn định.

Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra quá trình thi hành Luật Thanh niên chưa thực sự đạt hiệu quả, chưa có quy định chế tài bảo đảm thực hiện Luật. Các quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong Luật còn thiếu cụ thể; quy định về trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội trong việc đảm bảo thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên chỉ mang tính kêu gọi, khuyến khích…

Đáng chú ý, mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách, pháp luật hỗ trợ học nghề, miễn giảm học phí, tạo việc làm cho người khuyết tật trong đó có đối tượng thanh niên, đã bố trí kinh phí để dạy nghề cho thanh niên khuyết tật, tuy nhiên hiện tỷ lệ thanh niên khuyết tật được học nghề còn thấp so với số người khuyết tật còn khả năng học nghề, việc làm không ổn định, chưa tiếp cận được với các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Bộ Nội vụ, dù Luật Thanh niên năm 2005 được xem là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, song lại chưa quy định cụ thể bộ, ngành nào làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên nên khó khăn, lúng túng trong việc hướng dẫn, đôn đốc theo dõi kiểm tra Luật Thanh niên.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Vũ Đăng Minh- Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên – Bộ Nội vụ nhiều quy định trong Luật Thanh niên còn chung chung, chưa sát với các đối tượng thanh niên, trong đó có nhiều quy định khó triển khai trong cuộc sống. “ Các quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong Luật tương đối nhiều trong khi tiềm lực kinh tế của Nhà nước ở mức độ khiêm tốn. Nguồn lực có hạn nên khoảng cách giữa thực thi chính sách và thực tế còn khá xa. Do vậy quyền còn mang tính hình thức, không có tính khả thi” – ông Minh nhấn mạnh.

Nói về định hướng sửa đổi Luật Thanh niên, ông Vũ Đăng Minh cho biết, hiện nay Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005, theo đó sẽ làm rõ quyền của thanh niên và nghĩa vụ của thanh niên theo các quyền, nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp 2013. Đặc biệt bổ sung quyền của thanh niên được phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật có liên quan đến thanh niên…

Dự kiến, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ xem xét thông qua đề nghị xây dựng Luật Thanh niên sửa đổi vào tháng 1/2018, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 1/3/2018 và trình Quốc hội vào tháng 5/2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển khai Luật Thanh niên chưa hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO