Triển vọng hợp tác kinh tế sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

Khánh Duy 16/02/2016 08:59

Lãnh đạo các nước trong ASEAN đã có mặt tại trung tâm Sunnylands, bang California của nước Mỹ hôm 15-2 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Đây là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì với các lãnh đạo các nước trong ASEAN nhằm khẳng định tầm quan trọng của khu vực trong chính sách đối ngoại của Washington.

Triển vọng hợp tác kinh tế sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

Tổng thống Obama phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur hồi tháng 11-2015.

Cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày tiếp nối chuyến thăm của Tổng thống Obama đến khu vực Đông Nam Á hồi tháng 11 năm ngoái. Việc tổ chức sự kiện quan trọng này cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, dù cho vẫn còn nhiều thách thức mà các nhà lãnh đạo cần phải đối diện.

Năm 2014, ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Malaysia trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Năm kế đó, ông tiếp tục có một chuyến thăm khác tới Kuala Lumpur để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Việc một vị Tổng thống Mỹ tới thăm một quốc gia Đông Nam Á hơn một lần chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vậy là chưa từng có tiền lệ - và điều đó phản ánh quyết tâm của chính quyền Washington trong việc thiết lập mối quan hệ mật thiết hơn với khu vực này.

Một số nhà phân tích ở nước Mỹ nhận định rằng, lý do nằm sau động thái này chính là một phần của chiến lược của nước này chống lại tầm ảnh hưởng toàn cầu đang trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Kể từ khi chính quyền Obama khởi động chiến lược “xoay trục sang châu Á” năm 2011, Mỹ đã luôn cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc về sức mạnh kinh tế tại Đông Nam Á và đi đôi với nó là ảnh hưởng chính trị cùng những thỏa thuận an ninh - tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Washington cũng tỏ ra hết sức quan ngại tới các chương trình cải tạo và xây dựng các hòn đảo trên khu vực Biển Đông mà Trung Quốc hiện chiếm đóng trái phép. Washington từng nhiều lần nêu rõ quan ngại rằng hành động đó sẽ đe dọa tới tự do hàng hải của khu vực.

Ngoài các vấn đề thách thức, thương mại hiện cũng là tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh, trong đó được coi là nhân tố chính khiến cho mối quan hệ Mỹ-ASEAN trở nên mật thiết hơn. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, với tổng giá trị đạt 241,6 tỷ USD trong năm 2013.

Các mối quan hệ kinh tế sẽ là tâm điểm của các vòng họp được tổ chức ở Sunnylands. Lãnh đạo kinh tế các nước ASEAN và Mỹ đều cho rằng Hội nghị sẽ là một cơ hội tốt để giới thiệu nước Mỹ đến với Cộng đồng Kinh tế ASEAN - một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực bắt đầu từ thời điểm cuối năm 2015.

“Về điều này, chúng tôi vẫn thường nói rằng bản thân ASEAN đã là một thách thức bởi nó bao gồm 10 quốc gia khác nhau, ngôn ngữ khác nhau…” - AFP dẫn lời ông Ezani Masor, thuộc Hội đồng Kinh tế Mỹ-ASEAN của Malaysia, nhận định. “Bởi vậy mà thương mại sẽ là một nhân tố thúc đẩy chính. Chúng tôi muốn tham gia kinh tế cùng với toàn thế giới, và đối tác lớn nhất chính là Mỹ. Đó là lý do mà chúng tôi thấy rằng cần thiết phải tạo mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với họ” - ông Masor nói thêm.

Tuy nhiên, mối quan hệ này không phải không có thách thức. Ở Malaysia, quốc gia đóng vai trò cầu nối mối quan hệ Mỹ-ASEAN, có một số tổ chức và các nhà hoạt động lại tỏ ra không mấy mặn mà với việc nước này tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ở nước Mỹ, Tổng thống Obama cũng từng nhận được chỉ trích liên quan tới việc ký kết Hiệp định TPP, mà chủ yếu là từ phía Đảng Cộng hòa.

Giới phân tích cho rằng, dư luận trong nước Mỹ về TPP hoàn toàn có thể thay đổi trong thời gian không xa, phụ thuộc vào việc người dân nước này sẽ lựa chọn ai để làm vị Tổng thống tiếp theo. Còn ở hiện tại, nước Mỹ hoàn toàn nhận thấy lợi ích mà họ có thể có được trong mối quan hệ thương mại với ASEAN.

Ngoài các vấn đề trên, Hội nghị thượng đỉnh ở California cũng sẽ thảo luận về vấn đề an ninh khu vực, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, vấn đề Triều Tiên và chống khủng bố.

Thủ tướng tới California dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ

Sáng 15-2 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay quốc tế Palm Spring, bang California, Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tổ chức tại Sunnylands, bang California từ ngày 15 đến 16-2.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ lần này nhằm triển khai đường lối đối ngoại, đề cao các thành tựu phát triển đất nước, tiếp tục sự nghiệp đổi mới; thể hiện vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN sau Đại hội Đảng lần thứ XII. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng khẳng định nỗ lực góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ đi vào thực chất, hiệu quả, tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực ASEAN và Việt Nam có lợi ích như liên kết kinh tế, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, giao lưu nhân dân, hợp tác và xử lý các thách thức xuyên quốc gia; thúc đẩy cam kết và hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với ASEAN trong việc nâng cao năng lực, mở rộng quan hệ với các đối tác và đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực cũng như trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ được tổ chức tại Hoa Kỳ.

N.Khánh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển vọng hợp tác kinh tế sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO