Triển vọng tăng trưởng toàn cầu: 'Lung lay' vì lạm phát

Hà Anh 13/10/2022 07:03

Sau khi cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu của năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã yêu cầu các ngân hàng Trung ương “đi đúng hướng” trong cuộc chiến chống lạm phát, dù vẫn cảnh báo rằng, 1/3 các nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ thu hẹp lại vào năm tới.

Dự báo lạm phát giá tiêu dùng sẽ đạt đỉnh ở mức 9,5% trong quý 3 năm 2022. Ảnh: Reuters.

Hạ dự báo tăng trưởng

Ngày 11/10, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 trong bối cảnh áp lực từ xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và lương thực tăng cao, lạm phát và lãi suất mạnh hơn, cùng với cảnh báo tình hình có thể xấu đi đáng kể trong năm tới. Quỹ cho biết, dự báo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất cho thấy, 1/3 nền kinh tế thế giới có thể sẽ thu hẹp lại vào năm tới.

Theo IMF, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% so với dự báo 2,9% IMF đưa ra hồi tháng 7. Nguyên nhân là lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu. Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, sau mức tăng trưởng toàn cầu 6% năm 2021.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong bối cảnh lãi suất tăng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ, và xuất khẩu giảm do tình hình kinh tế tại các đối tác thương mại chính của khu vực này, trong đó có Mỹ.

IMF dự báo các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% năm 2023, giảm tương ứng 0,2 điểm % và 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7, sau mức tăng 7,2% năm 2021.

Theo nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas: "3 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực chung đồng euro sẽ tiếp tục đình trệ. Nói tóm lại, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, kinh tế toàn cầu đang chuyển từ một môi trường có lạm phát thấp và lãi suất thấp sang một thế giới "dễ biến động và mong manh hơn".

IMF đã tính toán rằng, khoảng 30% trong số các nền kinh tế thế giới sẽ trải qua ít nhất hai quý liên tiếp tăng trưởng âm trong năm nay và năm sau. Ngoài ra, khoảng 4.000 tỷ USD sẽ bị mất đi vào năm 2026 do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Phát biểu tại hội thảo “Con đường phía trước: Giải quyết nhiều khủng hoảng trong kỷ nguyên biến động” trong khuôn khổ cuộc họp thường niên của WB-IMF được tổ chức tại Washington mới đây, bà Georgieva cho rằng, lạm phát đang ở mức cao, đòi hỏi quá trình thắt chặt các điều kiện tài chính phải diễn ra nhanh hơn so với dự đoán ban đầu.

Ưu tiên kiểm soát lạm phát

IMF cho biết, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu phải tuân theo một hành động cân bằng của các ngân hàng trung ương trong việc chống lạm phát mà không thắt chặt quá mức, bởi điều này có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một "cuộc suy thoái nghiêm trọng không cần thiết" và gây ra sự gián đoạn cho thị trường tài chính, đồng thời gây tổn thương cho các nền kinh tế đang phát triển. Báo cáo chỉ ra rằng, ưu tiên lớn nhất chính là kiểm soát lạm phát.

IMF đã yêu cầu các ngân hàng trung ương “đi đúng hướng” trong cuộc chiến chống lạm phát. Ông Gourinchas cho biết, các “đám mây đen” đang tới, nhưng khẳng định, các ngân hàng Trung ương cần duy trì sự tập trung của họ vào việc đánh bại lạm phát hoặc thậm chí cần phải có hành động cứng rắn hơn sau đó nếu áp lực giá tăng trở nên rõ ràng.

Theo ông Gourinchas, IMF cũng như các ngân hàng trung ương đã đánh giá thấp sức mạnh của áp lực lạm phát khi chúng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2021, kể từ đó đã xuất hiện “sự thắt chặt nhanh chóng và đồng bộ các điều kiện tiền tệ, cùng với đó là sự tăng giá mạnh mẽ của đồng đô la Mỹ so với hầu hết các đồng tiền khác”.

“Rủi ro ở chỗ, việc điều chỉnh sai chính sách tiền tệ và tài khóa đã tăng mạnh vào thời điểm nền kinh tế thế giới vẫn còn mong manh và thị trường tài chính đang có dấu hiệu căng thẳng” – ông Gourinchas nói.

Ngân hàng Trung ương Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm trong ba cuộc họp gần đây nhất, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng chi phí cho vay từ 0,1% điềm lên 2,25% kể từ tháng 12 năm ngoái.

Ông Gourinchas nhận định: “Sự tín nhiệm của các ngân hàng trung ương có thể bị suy giảm nếu họ một lần nữa đánh giá sai về sự tồn tại dai dẳng của lạm phát. Điều này sẽ gây bất lợi hơn nhiều cho sự ổn định kinh tế vĩ mô trong tương lai".

Giải thích lý do đưa ra dự báo lạm phát giá tiêu dùng sẽ đạt đỉnh ở mức 9,5% trong quý 3 năm 2022, trước khi giảm xuống 4,7% vào quý 4 năm 2023, IMF cho biết, sự kết hợp của các cú sốc, trong đó có việc giá dầu tăng vọt 30% so với mức hiện tại có thể làm mờ triển vọng, đẩy tăng trưởng toàn cầu xuống 1,0% trong năm tới.

Các yếu tố khác của "kịch bản đi xuống" này còn do việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc giảm mạnh, điều kiện tài chính thắt chặt hơn do đồng tiền của các thị trường mới nổi giảm giá và thị trường lao động tiếp tục quá nóng dẫn đến sản lượng tiềm năng thấp.

Những cú sốc này có thể khiến lạm phát tăng cao trong thời gian dài hơn, do đó có thể tiếp tục gây áp lực tăng giá đối với đồng đôla Mỹ, hiện đang ở mức mạnh nhất kể từ đầu những năm 2000. IMF cho biết, điều này đang gây áp lực lên các thị trường mới nổi, thậm chí việc đồng đô la mạnh hơn nữa có thể làm tăng khả năng lâm vào tình trạng khốn đốn vì nợ nần đối với một số quốc gia.

Theo nhà kinh tế trưởng của IMF Gourinchas, giờ là lúc các thị trường mới nổi "hạ cánh" để chuẩn bị cho những điều kiện khó khăn hơn. Biện pháp phù hợp đối với hầu hết các nước là ưu tiên chính sách tiền tệ để ổn định giá cả, điều chỉnh tiền tệ và bảo toàn dự trữ ngoại hối khi điều kiện tài chính thực sự xấu đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển vọng tăng trưởng toàn cầu: 'Lung lay' vì lạm phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO