Triều cường, lại lo ngập lụt

Đoàn Xá 10/10/2018 08:00

Sau rất nhiều các giải pháp chống ngập nhưng đến hẹn lại lên, liên tiếp những ngày qua, nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh như Hồ Học Lãm (Bình Tân), Huỳnh Tấn Phát (Q.7) hay Lê Văn Lương (Nhà Bè), quốc lộ 50 (Bình Chánh)… bị ngập sâu vì triều cường đạt đỉnh. Buổi sáng trở nên chật vật hơn khi người dân, học sinh phải cố vượt qua nhiều đoạn đường ngập để đi làm, tới trường học.

Triều cường, lại lo ngập lụt

Mưa to cùng triều cường khiến nhiều tuyến đường TP HCM bị ngập.

Liên tiếp nhưng ngày qua, nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh như Hồ Học Lãm (Bình Tân), Huỳnh Tấn Phát (Q.7) hay Lê Văn Lương (Nhà Bè), quốc lộ 50 (Bình Chánh)… bị ngập sâu vì triều cường đạt đỉnh.

Nguyên nhân khiến nhiều khu vực ở TP HCM bị ngập nặng là do mưa lớn nhưng nước rút không kịp và do triều cường lên cao. Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm chống ngập TP HCM, thành phố hiện chỉ còn khoảng 25 điểm ngập do mưa và triều cường. Khoảng hơn một năm qua, có tới 101 điểm ngập tại các tuyến đường đã được xóa, giảm. Riêng khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, dự án nâng cấp cải tạo đã được phê duyệt, dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm 2018. Ngoài ra, trong năm 2018 cũng có thêm 7 điểm ngập nữa được xóa, giảm.

Trong khi đó, theo một chuyên gia về lĩnh vực hạ tầng đô thị thì dù hàng năm, TP HCM phải chi rất nhiều tiền cho các dự án chống ngập và thực tế, tại các điểm ngập này cũng có hiệu quả nhưng đây lại là các dự án đơn lẻ, cục bộ. Đặc biệt, cách thức chống ngập bằng dự án kiểu này luôn tồn tại mâu thuẫn. “Năm nào cũng thống kê có nhiều điểm ngập được xóa bỏ, hạn chế nhưng thực tế, nhiều điểm ngập mới phát sinh từ chính các điểm ngập cũ là các khu vực trũng thấp, khu vực có đường ống nước nhỏ hay đặc thù thoát nước nào đó. Dự án chống ngập chỉ giải quyết chống ngập như cải tạo đường, đường ống, nâng đường… tuy giúp các khu vực này hết ngập nhưng nó sẽ phát sinh các điểm ngập khác vì tổng thể, mưa lớn thường xảy ra trên diện rộng. Khi tuyến đường này được nâng cao thì sẽ có tuyến đường khác thấp nhất trong khu vực bị ngập. Đối với triều cường cũng vậy. Vì nhiều đoạn đê bao được xây kiên cố, chắc chắn nên so với khoảng 10 năm trước, triều cường hiện nay cao hơn ở các khu vực chưa có đê bao vì lượng nước vẫn vậy nhưng điểm ngập giảm đi”- chuyên gia này phân tích.

Một số ý kiến đề xuất giải pháp chống ngập hiện nay là đẩy nhanh dự án chống ngập do triều cường với số vốn lên đến 10.000 tỷ đồng đang triển khai dang dở và cải tạo các tuyến kênh chính như Tham Lương-Bến Cát, Vàm Thuật, Xuyên Tâm, Văn Thánh… Về bản chất, tất cả các nguồn nước muốn thoát đi đều phải qua hệ thống kênh rạch. Thực tế, TP HCM bị ngập nặng khoảng chục năm gần đây cũng do nhiều tuyến kênh rạch bị lấp, bị lấn chiếm mất khả năng thoát nước.

Vì vậy, nếu không xử lý các kênh rạch mà chỉ loay hoay nâng đường, cải tạo đường, ống cống thì không bao giờ hết ngập mà chỉ chuyển từ điểm ngập này qua điểm ngập khác mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triều cường, lại lo ngập lụt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO