Triều cường tấn công bờ biển Cửa Đại

Tấn Thành 21/09/2015 09:30

Cơn bão số 3 tấn công làm cho bờ biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) có đến 800 mét bị sóng đánh tan tành, càng làm cho người dân và chính quyền nơi đây thêm phần lo lắng. Bởi đã có nhiều hội nghị, nhiều giải pháp đưa ra và đã triển khai thực hiện kè chống sóng, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến.

Triều cường tấn công bờ biển Cửa Đại

Gia cố kè chống sạt lở tại biển Cửa Đại.

Theo báo cáo tại Hội nghị về “Giải pháp khoa học công nghệ phòng chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, Hội An”, Cửa Đại rộng hơn 1.000m nhưng hiện đã bị bồi lấp 600m. Đồng thời cửa biển hướng bắc ra Cù Lao Chàm cũng bị bồi lấp dài hơn 2.000m.

Trong khi đó, bờ biển Cửa Đại đang bị sạt lở nặng nề, khiến các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang xây dựng và hoạt động tại đây bị uy hiếp, một số dự án xây dựng dang dở phải bỏ hoang. Cùng với đó, con đường ven biển của Hội An là đường Âu Cơ, trước đây bãi biển cách đường hơn 200m thì nay tình trạng sạt lở đã tiến sát chỉ còn cách đường vài mét và có khả năng cuốn trôi nhiều bãi biển, khu tắm biển đẹp dọc con đường này,…

Trước nỗi lo nói trên, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều đánh giá, đề xuất các giải pháp giúp địa phương đối phó, ngăn chặn nạn sạt lở, xâm thực tại bãi biển Hội An nói chung và Cửa Đại nói riêng. Như cần nghiêm cấm mọi hình thức hút cát tại hạ lưu sông Thu Bồn và toàn bộ dải ven biển tỉnh Quảng Nam, xác định rõ quá trình vận chuyển bùn và nguyên nhân xói lở bờ biển Hội An; sử dụng kè lát mái có mấu phá sóng để bảo vệ khu vực tắm Cửa Đại,…

Thế nhưng mới đây nhất, cơn bão số 3 đã làm cho bờ biển Cửa Đại sạt lở đến 800 mét. Phóng viên Đại Đoàn Kết đã có mặt tại đây ngay trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đã chứng kiến, dọc bờ biển Cửa Đại, với sức gió mạnh từ cấp 7 đến cấp 8, những con sóng cao đến 2 mét tấn công đánh sập bờ kè gần các khu nhà nghỉ, khách sạn. Tình trạng sạt lở nghiêm trọng này đã diễn ra lâu nay, bờ biển dài đã bị sóng lớn cuốn trôi ra biển. Trong đó có cả những hạng mục được đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng kiên cố cũng không đỡ nổi trước sóng dữ.

Ông Nguyễn Sinh, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, TP Hội An cho biết: “Hễ cứ đến mùa mưa bão, các tuyến bờ kè thường xảy ra sạt lở, rất nguy hiểm đến khu dân cư, cơn bão số 3 này bờ biển bị tấn công rất dữ”. Lãnh đạo địa phương cũng cho rằng, từ năm 2007 đến nay, biển đã lấn sâu vào khoảng 150m, chỗ ngày xưa là đường thì nay nước biển đã tràn chân. Nguyên nhân là do dòng hải lưu xuống biển Hội An chỉ cách bờ 50m, tác động mạnh, gây xói lở mạnh, mặc dù thời gian qua, thành phố đã chi hàng tỉ tỷ đồng nhưng chỉ dừng lại ở mức hạn chế thiệt hại.

Triều cường tấn công bờ biển Cửa Đại - 1

Trước tình trên, để tìm cách bảo vệ bờ biển Hội An nói chung và Cửa Đại nói riêng, tại TP Hội An ngày 7/9 vừa qua đã diễn ra hội nghị, đề xuất giải pháp cứu bờ biển Cửa Đại. Tại đây các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra nhận định, nguyên nhân gây nên xói lở bờ biển Cửa Đại là do sự suy giảm bùn cát từ thượng lưu. Biến động cửa sông ven biển hiện nay rất phức tạp và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng cho rằng, khi đã tìm ra giải pháp tối ưu, tỉnh cùng các ngành Trung ương sẽ quyết định phương án bảo vệ tổng thể công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và doanh nghiệp do hiện tượng xói lở gây ra.

Mới đây, Quảng Nam cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí đầu tư kè chống sạt lở bờ sông Bà Rén và bờ biển Hội An với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Trong đó, Hội An cần phải đầu tư khoảng 500 m đê kè bằng công nghệ bao địa kỹ thuật của Hà Lan và 15 kè mỏ hàn dài 30m đặt vuông góc với các tuyến kè dọc bờ biển, nhằm mục đích bồi cát, tạo bãi và bảo vệ các đoạn kè dọc bờ biển, với dự kiến kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.

Thế nhưng, giải bài toán chống sạt lở bờ biển Cửa Đại là bài toán khó cả về giải pháp và kinh phí. Vì với tốc độ tàn phá như hiện nay thì quá trình nghiên cứu đưa ra các giải pháp thực thi được thì Cửa Đại đã bị tấn công nặng nề. Theo ông Lê Đình Dương - Trưởng ban chỉ huy đơn vị bảo vệ biển Cửa Đại: Để chống sóng dữ thì đơn vị này phải dùng cọc cừ lá sen đóng xuống làm bờ xây, đóng sâu xuống 4m. Xong khu vực này tiếp tục thực hiện ở khu vực khác. Toàn bộ công trình sử dụng khoảng 3.000 bao địa kỹ thuật được nhập từ Hà Lan nên kinh phí chỉ có thể vừa làm đến đâu tính đến đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triều cường tấn công bờ biển Cửa Đại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO