Trình độ đâu có mất

Lê Anh Đức 08/03/2019 09:00

Giải trình về tình hình trật tự ATGT trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu đề xuất: Tất cả những người bị mất giấy phép lái xe đều phải thi lại. Ý kiến này của ông Bộ trưởng Bộ GTVT đã vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận xã hội, bởi bằng lái xe bị mất chứ trình độ lái xe có mất đâu mà bắt học và thi lại từ đầu. Hơn nữa, việc quản lý như thế nào, ra sao là chức năng và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, không thể dồn cái khó về phía người dân.

Học và thi lấy giấy phép lái xe nếu chiếu theo một khía cạnh nào đấy cũng tương tự như học phổ thông, học nghề, học đại học... Vậy nếu một người bị mất bằng tốt nghiệp THPT, hay bằng đại học, hoặc bằng tiến sĩ... thì có bắt họ học lại các cấp học ấy và thi lại không?

Lấy một ví dụ khác: Không giống với học và thi lấy giấy phép lái xe chỉ một bộ phận người dân có nhu cầu, việc làm thủ tục cấp sổ đỏ cho mảnh đất và căn nhà của mình thì hầu hết mọi người đều phải thực hiện, trừ những người phải đi thuê nhà. Vậy, nếu bất cứ ai trót làm mất sổ đỏ cũng phải đi thực hiện lại mọi thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ mới, nếu không sẽ bị quy vào hành vi “nhảy dù” và có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào? Điều đó đồng nghĩa với việc người dân sẽ lại phải bỏ ra “cả mớ” tiền để làm các thủ tục có liên quan?

Cũng may là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ TN-MT, chưa có ý tưởng đề xuất sáng kiến giống như Bộ trưởng Bộ GTVT, chứ nếu không thì thật khổ cho người dân lắm lắm. Trong tất cả các loại giấy tờ kể trên, khi làm thủ tục để được cấp bất kể loại nào cũng đều đồng nghĩa với việc tiêu tốn thời gian và tiền bạc không ít thì nhiều, từ việc đăng ký kết hôn cũng mất phí, làm thủ tục cấp sổ đỏ cũng mất tiền, nói gì đến học đại học 4 năm để thi lấy bằng. Lẽ nào học và thi lại giấy phép lái xe được các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cho miễn phí?

Nói như vậy để thấy đề xuất của ông Bộ trưởng Bộ GTVT là chưa hợp lý và khó có thể chấp nhận. Có nhiều vấn đề không ổn trong đề xuất này, song bài viết chỉ đưa ra 2 khía cạnh của vấn đề. Thứ nhất, việc quản lý mỗi người chỉ được phép có một bằng lái xe không phải là trách nhiệm của người dân mà là nhiệm vụ của ngành GTVT. Cũng giống như việc cấp sổ đỏ, bằng đại học, giấy chứng nhận kết hôn, khi cấp giấy phép lái xe cũng buộc phải lưu giữ thông tin để đối chiếu khi cần thiết. Vậy có lý gì ngành GTVT lại sợ bị người dân “qua mặt”?

Thứ hai, giấy phép lái xe chỉ là tờ giấy xác nhận trình độ lái xe, chứ nó không phải là trình độ lái xe của một người nào đó. Vậy thì nếu có mất giấy phép lái xe thì cũng chỉ là mất tờ giấy xác nhận trình độ, chứ trình độ lái xe thực tế của người đó đâu có mất đi để mà phải học và thi lại? Khi mà ngành GTVT nghiêm túc trong việc cấp bằng lái xe, không có chuyện “bao đỗ” tại các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe thì việc người dân mất bằng lái xe chỉ là cái hình thức, cái cốt lõi là trình độ lái xe vẫn không thay đổi. Vậy thì hà cớ gì lại phải học lại những điều đã biết cho tốn thời gian, tiền bạc?

Như vậy, việc Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra điều “có thể xảy ra” là một vài người nào đó sẽ báo mất giấy phép lái xe để xin thêm bằng lái xe, rồi đưa ra đề xuất quy định bao quát cho cả xã hội như vậy là khó có thể chấp nhận. Việc “có thể xảy ra” cũng chưa chắc đã xảy ra, chưa nói nếu có cũng chỉ là một vài cá nhân nhỏ lẻ, vì sao lại lấy hiện tượng ít để đưa ra quy định cho số nhiều? Ngay cả khi những người xin được tới 2, 3 bằng lái xe có là số đông đi chăng nữa thì đó cũng là trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT.

Việc không thể kiểm soát, quản lý dẫn tới nhiều người (có thể) lợi dụng xin nhiều bằng để phục vụ mục đích bất chính thể hiện sự quản lý yếu kém. Nhưng cũng không thể vì sự thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước của ngành GTVT nói riêng và các bộ, ngành, địa phương nói chung mà dồn việc khó về phía người dân. Các bộ, ngành, địa phương hãy thực hiện xây dựng một Chính phủ kiến tạo như yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bằng hành động, chứ đừng chỉ hô hào suông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trình độ đâu có mất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO