Trình sửa Luật Điện lực theo hướng: Cho tư nhân đầu tư vào truyền tải điện

Mai Loan 09/11/2021 19:49

Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do đại dịch Covid 19, nhưng 10 tháng qua, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng 3,3%, cao hơn mức 2,7% của cùng kỳ năm trước- thông tin tích cực ấy được Bộ trưởng Bộ Công thương nêu trước Quốc hội.

Chiều 9/11, giải trình trước Quốc hội về những vấn đề liên quan đến ngành công thương, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết: Mức tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp là động lực chính góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, xuất khẩu tiếp tục đạt mức xuất siêu, là điểm sáng với mức tăng rất cao (17,3% so với cùng kỳ); nhập khẩu từng bước giảm, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.

Phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong nước và các bộ, ngành đối tác nước ngoài, ngành công thương đã xử lý kịp thời các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; giải tỏa kịp thời những ách tắc tại các cửa khẩu, bến cảng nhằm duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu. Nhờ đó các DN có điều kiện khai thác, phát huy lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do, duy trì được thành quả xuất siêu.

Bên cạnh đó, ngành công thương cũng đã có nhiều đề xuất hợp lý, phát huy tác dụng tốt trong việc cùng các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ DN duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh (cả trong và ngoài vùng dịch); Đề xuất tiêu chí, điều kiện và quy trình mở lại các cơ sở sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong điều kiện bình thường mới; ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các khu, cụm công nghiệp trong phạm vi cả nước. Kịp thời đề xuất Chính phủ 5 lần giảm giá điện sinh hoạt, điện sản xuất và điện cho các đối tượng ưu tiên với số tiền lên đến gần 17 ngàn tỷ đồng.

Giải trình thắc mắc của ĐBQH liên quan đến thị trường phát điện cạnh tranh, ông Diên cho biết, đến nay có gần 70% nguồn điện do tư nhân hoặc công ty cổ phần sản xuất. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh cũng đã được vận hành từ đầu năm 2019 và đến nay EVN không còn là đơn vị duy nhất mua bán điện mà có thêm 5 Tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường. Có được điều này là nhờ ngành công thương đã vào cuộc từ sớm và hiện “Bộ đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện chính là bước đầu tiên trong thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở nước ta.”, ông Diên cho biết.

Bộ Công thương đã trình Chính phủ và Quốc hội cho sửa 1 điều của Luật Điện lực để tư nhân có thể được đầu tư vào phân khúc truyền tải điện; trình Chính phủ cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện, nhằm siết lại kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển điện ở nước ta; Trình Chính phủ cho phép triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025… Sau khi được chấp thuận, Bộ sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc, người đứng đầu ngành công thương cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trình sửa Luật Điện lực theo hướng: Cho tư nhân đầu tư vào truyền tải điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO