Trở lại trường - Đảm bảo an toàn, không thái quá

Nhóm phóng viên 11/05/2020 09:43

Ngày 11/5, khối các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn TP Hà Nội chính thức trở lại trường học sau một thời gian nghỉ học dài kỷ lục để phòng tránh đại dịch Covid-19. Tương tự, trẻ mầm non của tỉnh miền núi Tuyên Quang cũng bắt đầu đến trường từ ngày 11/5. Tại TP HCM, học sinh tiểu học cũng đi học trở lại từ ngày 11/5. Trước đó, học sinh, sinh viên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã trở lại học đường với nhiều háo hức xen lẫn lo lắng. Một báo cáo thống kê cho thấy, tại 63 tỉnh, thành tỷ lệ học sinh đi học rất cao, THPT là 99%, THCS là 97%.

Trở lại trường - Đảm bảo an toàn, không thái quá

Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường học.

Bài toán “cân não”

Quyết định cho học sinh, sinh viên trở lại trường học trong bối cảnh Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến khó lường là một quyết định khó khăn. Nhưng khi Việt Nam đã kiểm soát tốt, không để đại dịch Covid-19 lây lan trong diện rộng, khi việc thực hiện biện pháp cách ly xã hội đã thực hiện trong gần 1 tháng, thì việc tái khởi động lại nền kinh tế là một việc cần thiết. Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy. Nếu kéo dài tình trạng hơn 22 triệu học sinh, sinh viên nghỉ học thì không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, làm sụt giảm kiến thức nhất là những học sinh cuối cấp chuẩn bị bước vào các kỳ thi có tính quyết định mà còn làm “chao đảo” nhịp sống của hàng triệu gia đình, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác.

Chính vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương, Bộ GD&ĐT căn cứ tình hình thực tế để có các kế hoạch phù hợp cho học sinh từng cấp trở lại trường học, bắt đầu từ ngày 4/5. Cũng chính từ đây, một bài toán “cân não” ban giám hiệu các trường được đặt ra, khiến nhiều hiệu trưởng cảm thấy áp lực.

Một trong những áp lực lớn phải đối mặt, đó là phải đảm bảo sự giãn cách giữa học sinh với học sinh. Theo đó, khoảng cách được khuyến nghị an toàn là từ 1,5 - 2m. Điều này khiến nhiều trường phải thực hiện việc tách lớp, học lệch giờ. Đơn cử như Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Thủ Đức, TP.HCM) có tất cả 55 lớp từ ngày 6/9. Mỗi lớp 45 học sinh. Mỗi phòng được kê 24 bàn. Trước dịch, mỗi bàn 2 học sinh ngồi. Nhà trường cũng triển khai dạy học buổi 2. Trước ngày học sinh đi học lại, UBND TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, trong đó quy định khoảng cách tối thiểu của học sinh trong lớp là 2m; sau đó giảm xuống 1m. Tuy đã “giảm chuẩn” như vậy, nhưng bà Nguyễn Thị Diễm Trang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết là “điều không thể” và chỉ còn cách tách đôi lớp. Theo tính toán từ phía nhà trường, trước đây trường có 55 lớp với 2.500 học sinh. Nay thực hiện việc giãn cách, mỗi lớp tách làm 2, vậy là có tất cả 110 lớp. Lúc này mỗi lớp mới có 22 học sinh, nhưng phải xếp ngồi dích dắc mới đảm bảo 1m.

Một bài toán khác, khiến nhiều hiệu trưởng phải đau đầu, đó là kéo theo việc tăng lớp thì cũng phải tăng giáo viên. Một lớp chia làm 2 thì số tiết một giáo viên phải dạy cũng gấp đôi.

Trong khi đó, số lượng giáo viên của mỗi trường là cố định nhưng việc tách lớp học làm hai, thậm chí làm ba để đảm bảo giãn cách khiến các thầy cô sẽ phải làm việc gấp đôi, gấp ba so với bình thường. Đơn cử như Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) có gần 2.100 học sinh với 47 lớp học. Hiện nhà trường đang chia ra làm 94 lớp học, mỗi lớp có sĩ số từ 20-22 học sinh. Khối lớp 12 được sắp xếp học vào buổi sáng, còn khối lớp 11 và lớp 10 thực hiện học online và kết hợp học trên lớp. Bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giáo viên nhà trường đang phải thực hiện các công việc ở mức 200%. Nhà trường cũng huy động tối đa lực lượng giáo viên hợp đồng thực hiện hỗ trợ các công tác giảng dạy và phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tại một số trường khác, mỗi lớp có 55-65 học sinh/lớp thì để đảm bảo giãn cách theo quy định, cần phải chia 3 ca/lớp. Như vậy, ngoài vấn đề “lấy đâu ra phòng học” thì một giáo viên phải dạy 3 ca mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, ngay sau đó, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 7/5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số biện pháp nới lỏng, trong đó có việc không còn tình trạng giãn cách trong lớp học. Như vậy, các trường đã lập tức điều chỉnh, không còn phải chia ca lớp học, bắt đầu tuần mới từ 11/5, các lớp học đã trở lại bình thường.

Trở lại trường - Đảm bảo an toàn, không thái quá - 1

Sáng kiến nhưng đừng… thái quá

Nếu câu chuyện tách lớp, giảm bớt một số tiết học, bài học không quá cần thiết, đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp đã khiến các nhà trường cảm thấy căng thẳng, lo lắng thì nhiều tiêu chí an toàn khác cũng gây ra những áp lực không hề nhẹ.

Cần nhớ rằng, trước khi cho học sinh “tựu trường” trở lại, ngày 28/4, Bộ GD&ĐT đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Bộ tiêu chí này được Bộ GD&ĐT phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và tham khảo ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế để xây dựng. Trong bộ tiêu chí này, có 7 tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn trước khi học sinh đến trường. Theo đó, 100% số trẻ mầm non, học sinh phổ thông (gọi chung là học sinh), cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động của nhà trường (gọi chung là cán bộ, giáo viên) thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường; 100% số học sinh và cán bộ, giáo viên thực hiện việc đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường; thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; có nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế bảo đảm theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường...

Quá trình học sinh học tập tại trường, có 6 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, bảo đảm 100% số học sinh, cán bộ, giáo viên được đo thân nhiệt trước khi vào lớp; bảo đảm giãn cách trong và ngoài phòng học, lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng sinh hoạt tại nhà trường theo quy định của Chính phủ. Đây là yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Việc lau khử khuẩn, vệ sinh, phương tiện đưa đón học sinh sau mỗi lần đưa đón theo quy định, đeo khẩu trang đúng cách trong thời gian ở trường, cũng là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ an toàn.

Bên cạnh đó là công tác kiểm tra, rà soát và bổ sung kịp thời các trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo; Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của nhà trường thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19… cũng được đưa ra đánh giá.

Việc bảo đảm 100% số học sinh, cán bộ, giáo viên thực hiện giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang từ khi rời trường trở về nhà; 100% số học sinh mầm non và tiểu học được nhà trường bố trí giao nhận đầy đủ… cũng là 2 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch.

Căn cứ vào bộ tiêu chí này, các trường học đã nghiêm túc thực hiện. Bình luận về bộ tiêu chí này, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, bộ tiêu chí đánh giá của Bộ GDĐT với 15 tiêu chí đã bao gồm đầy đủ các nội dung. Trong đó, có 3 mốc thời gian quan trọng các trường cần lưu ý đó là: trước khi học sinh đến trường, khi học sinh đến trường và khi học sinh kết thúc buổi học. Các tiêu chí này có thể coi là bộ khung để các cơ sở tự đánh giá mức độ an toàn, từ đó có những điều chỉnh kịp thời để học sinh và giáo viên yên tâm khi đến trường. “Mỗi tiêu chí được đánh giá ở 2 mức đạt và không đạt, điều này đồng nghĩa với số tiêu chí đạt càng nhiều thì mức độ an toàn càng cao và ngược lại. Đối với hầu hết các trường, khó khăn lớn nhất là việc giãn cách đảm bảo 1,5m như quy định của Bộ Y tế” - ông Khang cho biết.

Thực tế khi học sinh trở lại trường trong những ngày qua cũng đã cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực của các trường, thực hiện các tiêu chí trong quy định, thì còn có những phát sinh cần căn chỉnh. Trong đó, có một số trường và ban phụ huynh đã sắm kính chắn giọt bắn cho học sinh đeo trong lớp phòng Covid-19.

Trước hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, 15 tiêu chí trường học an toàn mà Bộ GD&ĐT đã ban hành không có tiêu chí nào nói phải đeo mặt nạ chống giọt bắn. Bộ Y tế cũng không hướng dẫn như vậy. Đây là sự sáng tạo của các địa phương.

Từ góc độ của chuyên gia y tế, PGS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những biện pháp phòng Covid-19 cần ưu tiên thực hiện tại trường học là học sinh đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa lên mũi, mắt, thực hiện các biện pháp giãn cách. Theo PGS Điển, việc đeo kính chắn giọt bắn cho học sinh tùy thuộc vào quy định của từng trường và khu vực, không có cũng không sao. Học sinh sử dụng thiết bị này sẽ vất vả, gặp nhiều bất tiện trong học tập và sinh hoạt…

Đồng ý rằng, khẩu trang và tấm chắn mặt thực sự có tác dụng làm giảm nguy cơ nhiễm virus, nhưng BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội) cho rằng, việc sử dụng khẩu trang và tấm chắn mặt ở mẫu giáo và trường phổ thông lại là câu chuyện khác. Theo BS Phúc, không nên bắt buộc trẻ khỏe mạnh phải đeo khẩu trang khi đến lớp; Trẻ ốm phải ở nhà hoặc đến thăm khám bác sĩ (vì lí do nào đó trẻ ốm đang ở trường thì phải đeo khẩu trang); Không bắt học sinh đeo khẩu trang khi ngủ; Không bắt buộc trẻ phải đeo tấm chắn mặt khi đến lớp. “Chúng ta không chủ quan nhưng sống chung với đại dịch Covid-19 bằng sự hiểu biết khoa học”- BS Phúc nhấn mạnh.

Trở lại trường - Đảm bảo an toàn, không thái quá - 2

Vệ sinh bàn ghế đón học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ tránh Covid-19.

Cần quan tâm tới đội ngũ giáo viên

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại cuộc đến thăm học sinh và giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong ngày đầu đến trường sau thời gian tạm nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 lưu ý “các trường cần lưu ý cách bố trí, sắp xếp học sinh trong từng lớp học đảm bảo an toàn; Các thầy cô cần để ý tới học sinh trong quá trình chơi. Chúng ta làm nghiêm nhưng tùy vào tình hình, điều kiện để thực hiện, tránh làm máy móc. Ngoài ra, sau thời gian nghỉ dài với không ít khó khăn, áp lực, mỗi nhà trường cần quan tâm hỗ trợ tâm lý cho học sinh, giáo viên…”

Mặc dù khía cạnh quan tâm tới tâm lý giáo viên chưa được nhấn mạnh trong phát biểu của Bộ trưởng, tuy nhiên, đây lại đang là điều cần được quan tâm. Bởi thực tế, đội ngũ giáo viên đang phải đảm đương trọng trách nặng nề. Duy chỉ việc đứng giảng bài với khẩu trang đeo kín đã là một khó khăn cần phải nỗ lực mới vượt qua, nhất là ở những nơi thời tiết nắng, nóng. Thêm vào đó, một số chuyên gia giáo dục lưu ý, áp lực về việc học sinh - nhất là học sinh tiểu học – “quên bài”, khiến giáo viên phải liên tục bù đắp kiến thức đã giảng dạy, kể cả mới giảng dạy trực tuyến dễ khiến cho tâm lý của giáo viên ức chế, có thể nảy sinh những hành xử chưa đúng.

Ngoài ra, thù lao cho giáo viên khi phải dạy tăng ca, dạy liên tục khi lớp cũ tách thành 2 thậm chí 3 lớp mới cũng là câu chuyện cần rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu để tránh nảy sinh tâm tư không tốt trong đội ngũ giáo viên. Vấn đề này, nhiều vị hiệu trưởng cũng kiến nghị, Nhà nước có chi kinh phí để nhà trường chi trả khoản phụ trội cho giáo viên khi họ phải dạy tăng tiết hoặc có những chỉ dẫn lấy từ nguồn nào, tính toán ra sao để chi trả cho giáo viên khi họ phải cáng đáng giảng dạy gấp đôi, gấp ba số tiết như “trước dịch”?

Đảm bảo sức khỏe cho giáo viên cũng là điều cần quan tâm. Bởi nhiều giáo viên hiện nay chia sẻ rằng, họ lo ngại không đủ sức khỏe để giảng dạy gấp đôi, gấp rưỡi số tiết so với bình thường. Đơn cử như tại Trường THCS Hà Huy Tập (Q. Bình Thạnh, TP HCM), trước đây trung bình các thầy cô dạy 19-20 tiết/tuần thì nay phải dạy 38-40 tiết/tuần. “Làm sao có thời gian tái tạo sức lao động và sáng tạo trong giảng dạy?”, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ băn khoăn.

Đón nhận sự nới lỏng áp dụng các biện pháp phòng chống Covid-19 trong ngành giáo dục, khi học sinh không bắt buộc phải đeo khẩu trang trong lớp học, không bắt buộc thực hiện giãn cách trong lớp học… các trường học, cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên, và đông đảo phụ huynh đều cảm thấy phấn khởi, “thở phào”. Vậy là học sinh, sinh viên đã được trở lại trường học mà không bị áp lực tâm lý. Các trường ngay lập tức cũng đã hủy bỏ những kế hoạch tách lớp, xếp lịch cho giáo viên, đồng thời có thể tiến hành cho học sinh học bán trú. Điều này đồng nghĩa với việc phụ huynh học sinh sẽ không phải thấp thỏm túc trực để chờ đón con “vào trước 11 giờ” hay vội vã rời cơ quan, công sở lúc 16 giờ 30 để kịp đón con học ca chiều như kế hoạch… Nhiều áp lực đã được tháo gỡ khiến thầy trò trong ngày “tựu trường” sáng 11/5 vui vẻ, tập nập hơn…

Để chuẩn bị đón học sinh cấp tiểu học và mầm non trở lại trường học vào ngày 11/5, trong những ngày qua, giáo viên các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội đã khẩn trương dọn vệ sinh trường, lớp sạch sẽ, an toàn. Ghi nhận tại Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba (quận Ba Đình), các nhân viên, giáo viên của Trường đã tích cực dọn vệ sinh lớp học và khuôn viên trường. Theo bà Đỗ Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba: Mỗi lớp học của trường đều được trang bị các thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch như: Dung dịch rửa tay sát khuẩn, máy đo nhiệt độ… Trong tuần đầu tiên học sinh trở lại trường, chúng tôi tập trung ôn tập lại kiến thức cho các em học sinh trong thời gian học trực tuyến.

Còn tại TP.HCM, Sở GD&ĐT TP vừa có văn bản gửi thủ trưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục về tổ chức dạy học cho học sinh đến trường sau thời gian nghỉ dịch Covid-19. Theo đó, Sở chỉ đạo các đơn vị trường học bố trí các hoạt động dạy học trực tiếp cả ngày thứ bảy và cả hai buổi sáng - chiều kết hợp với việc dạy trực tuyến, học qua truyền hình, đồng thời có kế hoạch phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu, đảm bảo hoàn thành tốt chương trình năm học 2019-2020.

Trường ĐH Bách khoa TP HCM cũng đón sinh viên trở lại trường vào ngày 11/5. Trường đã chuẩn bị đầy đủ các thiết bị cần thiết cho việc phòng, chống dịch như: điểm đo nhiệt độ, trang bị gel sát khuẩn, rửa tay nhanh ở các tòa nhà, xà phòng diệt khuẩn tại nhà vệ sinh...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trở lại trường - Đảm bảo an toàn, không thái quá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO