Trồng hoa lay ơn

Chuyên gia NGUYỄN LÂN HÙNG 16/12/2021 08:00

Trong nghề trồng hoa người ta luôn ưu tiên số 1 cho hoa lay ơn. Vào thời vụ hợp lý, lay ơn thường được trồng vào những loại đất tốt nhất. Nó được chăm sóc kỹ hơn các loại hoa khác. Điều này cũng dễ hiểu vì lay ơn thường cho doanh thu cao.

Lay ơn là một trong những loại hoa đẹp và sang trọng nhất hiện nay. Vào dịp Tết, dù giá đắt gấp ba gấp bốn lần nhưng nhà nào cũng cố gắng mua được một bó lay ơn để cắm vào bình hoa đặt ở giữa nhà. Những khách sạn sang trọng cũng hay bày lay ơn ở phòng lễ tân…

Chính vì vậy, trong nghề trồng hoa người ta luôn ưu tiên số 1 cho hoa lay ơn. Vào thời vụ hợp lý, lay ơn thường được trồng vào những loại đất tốt nhất. Nó được chăm sóc kỹ hơn các loại hoa khác. Điều này cũng dễ hiểu vì nó thường cho ta doanh thu cao nhất.

Không phải ở đâu cũng trồng được lay ơn. Lay ơn ưa khí hậu mát mẻ, không chịu được nắng gắt và nơi có nhiệt độ cao. Nó thích hợp với nhiệt độ từ 15 đến 25 độ C. Giai đoạn từ 3-6 lá cây ưa nhiệt độ từ 15-22 độ C. Vì vậy ở ta, lay ơn chỉ thấy trồng nhiều ở Đà Lạt, các vùng núi cao ở phía Bắc và vào mùa đông ở đồng bằng sông Hồng. Lay ơn lại là cây ưa sáng và đòi hỏi giờ chiếu sáng từ 12-16 giờ mỗi ngày. Vì vậy, đôi khi ta còn phải thắp đèn cho đủ giờ chiếu sáng, giúp cây đạt được chất lượng hoa đảm bảo.

Đất trồng lay ơn tốt nhất là đất thịt (có tỉ lệ cát và sét cân đối). Độ pH khoảng 6.6,5. Lay ơn rất mẫn cảm với các loại muối kim loại nặng, đặc biệt là đất có hàm lượng chì cao. Ở đất ấy cây sinh trưởng kém và hoa cũng bị ảnh hưởng. Lay ơn còn đòi hỏi luôn luôn phải đủ nước. Đặc biệt giai đoạn ra từ lá thứ 3 đến lá thứ 7, lúc này yêu cầu về nước của nó rất cao. Vì vậy nơi trồng lay ơn cũng nên gần nguồn nước tưới. Lay ơn cũng mẫn cảm với các loại khí độc như: SO2, Clo… ta nên tránh trồng nó gần nơi có nhiều lò gạch hoặc khí độc.

Đầu đông là lúc trồng lay ơn. Ta nên bố trí trồng làm nhiều đợt hoặc trồng nhiều loại cỡ củ khác nhau để có thể thu hoa và vào nhiều giai đoạn. Lay ơn được nhân giống bằng hạt hoặc bằng củ. Cũng có thể áp dụng phương pháp nuôi cấy mô để tạo cây. Tuy nhiên, phổ biến và hiệu quả nhất vẫn là phương pháp nhân từ củ. Củ lay ơn rất đặc biệt, ở dưới gốc thường có một củ lớn (đường kính từ 3,5-4cm). Dưới củ lớn lại sinh ra một loại củ nhỡ (đường kính từ 1,5-2,5cm) và củ nhỏ (đường kính từ 0,8-1cm). Củ lớn đưa đi trồng sẽ cho cây có hoa, sau khi thu hoạch hoa, ta chừa lại mỗi cây 2-3 lá và tiếp tục chăm sóc thêm 60-70 ngày nữa. Sau đó ta thu hoạch các loại củ. Mỗi cây sẽ cho 1 củ lớn, 4-5 củ nhỡ, 10-30 củ nhỏ. Củ nhỡ và củ nhỏ ta đem trồng tiếp. Phải 5-6 tháng sau mới được thu hoạch. Củ nhỏ sẽ thành củ nhỡ; củ nhỡ sẽ thành củ lớn. Ta thu lại củ để giữ giống cho vụ sau. Việc bảo quản nó giống như bảo quản khoai tây giống.

Lay ơn không nên trồng liên tục nhiều vụ gối nhau, vì dễ thoái hóa giống. Cũng không nên trồng lay ơn cạnh ruộng trồng đậu để đề phòng rệp truyền vi rút, nên trồng trên đất đã trồng lúa nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trồng hoa lay ơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO