Trừ bệnh 'kỳ thị'

Anh Tú 20/02/2020 07:00

Người dân Vĩnh Phúc nói riêng và những người nhiễm chủng mới virus corona đang chịu cảnh kỳ thị cả trên thực tế lẫn mạng xã hội. “Kỳ thị” không không nằm trong danh mục bệnh lý của ngành y nhưng là thứ bệnh cần bài trừ khỏi một xã hội văn minh.

Với tiêu đề “Vĩnh Phúc mắc dịch và hành động của chúng ta”, một thành viên Cộng đồng cư dân EcoPark - một group trên mạng xã hội Facebook đã viết: Các bác có đồng ý là chúng ta sẽ truy tìm/yêu cầu Ecopm truy tìm địa chỉ, tên tuổi của những người Vĩnh Phúc hoặc có đi đến Vĩnh Phúc trong đợt dịch để thông báo cho cộng đồng cùng cách ly họ không ạ? Corona trong người Trung Quốc với Corona trong người Vĩnh Phúc chắc cũng nguy hiểm ngang nhau. Giả sử bây giờ có 1 người nhiễm bệnh trong khu Ecopark được đưa lên báo, thế là mai cả nước sẽ truy lùng người Ecopark để cách ly. Nghĩ đã thấy hãi. Mình phải quyết liệt từ đầu, các bác nhỉ”. Thành viên này kết: Ai bị kỳ thị, tủi thân, hay cảm thấy bị xâm phạm đời tư thì cũng kệ họ, an toàn cho mình mới là quan trọng.

Người viết là một phụ nữ thường giới thiệu trên trang của mình về các loại học bổng sau đại học. Có nghĩa là người viết hẳn đã suy nghĩ, trăn trở lắm trước khi post bài trên một cộng đồng cư dân khu đô thị hiện đại bậc nhất miền Bắc. Nhưng tư duy kỳ thị không hẳn chỉ có ở người phụ nữ này cũng như Group này.

Những ngày qua, trên mạng xã hội thì ngập những dòng trạng thái, lời bình luận về “Vũ Hán của Việt Nam”, rồi “tránh xa Vĩnh Phúc”... Thực tế thì đã có khách sạn từ chối tiếp công dân Vĩnh Phúc. Nhiều người không nhận được việc chỉ vì lý lịch ghi quê quán Vĩnh Phúc. Rồi chuyện cười ra nước mắt chị giúp việc còn bỏ về giữa chừng chỉ vì chủ nhà là… thông gia với người Vĩnh Phúc.

Không chỉ ở Việt Nam, sự kỳ thị dành cho những người nghi nhiễm virus corona có ở khắp nơi trên thế giới. Vào ngày 3/2, Thời báo Phố Wall đã đăng tải bài viết của học giả Walter Russell Mead có tựa đề: “Trung Quốc - châu Á bệnh phu”, với phụ đề: “Thị trường tài chính của Trung Quốc có thể còn nguy hiểm hơn cả thị trường buôn bán động vật hoang dã của nước này”. Trang điện tử Sixth Tone nhấn mạnh trong một bài báo mới đây: Trong hai tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 lần đầu bùng phát ở Vũ Hán, tâm lý lo lắng, sợ hãi và phân biệt đối xử thậm chí còn lan rộng hơn cả virus corona. Ở Trung Quốc, cư dân của tỉnh Hồ Bắc đã trở thành những người “bị bỏ bên lề”, trong khi ở nước ngoài, những người mang quốc tịch Trung Quốc - và thậm chí bất cứ ai gốc Á, đều trở thành mục tiêu của nạn phân biệt.

Trong khi đó, các nhà chuyên môn thì vẫn rất bình tĩnh. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng, việc cách ly xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc không có nghĩa là bầu trời, không khí của địa phương này bị ô nhiễm bởi virus, vi khuẩn mà lây lan ghê gớm như vậy. Dưới góc độ công dân, ông Phu nhận định, nếu có hiện tượng khách sạn từ chối nhận người dân từ Vĩnh Phúc, thì nên xử phạt khách sạn đó để làm gương.

Cũng trên mạng xã hội, những khẩu hiệu “Vĩnh Phúc cố lên”, “Bình an cho Vĩnh Phúc” được nhiều người lồng vào ảnh đại diện của mình như là thể hiện sự cảm thông, chia sẻ với Vĩnh Phúc trong việc phòng chống dịch Covid-19. Trong chuyến bay chở 30 công dân từ Vũ Hán trở về Việt Nam sáng 10/2/2020 có 3 bác sĩ, điều dưỡng viên tháp tùng đoàn để chăm lo sức khỏe cho những người có mặt trong chuyến bay đó. Cũng như nhiều đồng nghiệp của chúng tôi vẫn vào Sơn Lôi, vẫn đến Bình Xuyên công tác. Họ không sợ bởi họ hiểu rằng, virus corona không phải là con ngáo ộp. Đó cũng chỉ là một thứ dịch bệnh đang bị đội ngũ y bác sĩ với sự đồng lòng của người dân cả nước, trấn áp.

Một bác sĩ tại Khánh Hòa đã bỏ khẩu trang khi tiễn người bệnh Covid-19 ra viện. Ông này bộc bạch, phải hiểu người mắc bệnh Covid-19 sau khi điều trị hết, trở lại bình thường, nguồn lây bệnh không còn nữa. Còn BSCK2 Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì cho rằng, nếu muốn làm tốt việc chống dịch, chúng ta phải xóa bỏ tâm lý né tránh. Để xóa bỏ nỗi lo sợ, không có cách nào tốt hơn là chúng ta hiểu biết về nó.

Dịch bệnh nào cũng có thể ngăn chặn với những nỗ lực của toàn xã hội. Nhưng dịch bệnh kỳ thị thì không thể can thiệp qua các liệu pháp y học mà phải bằng nỗ lực của toàn xã hội. Trên truyền thông xã hội, mỗi chúng ta hãy góp phần nhận diện, vạch mặt tin giả (fake news) đồng thời “cách ly” những tư tưởng kỳ thị khỏi cộng đồng.

Chỉ có tình yêu, sự chia sẻ mới góp phần chữa lành những vết thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trừ bệnh 'kỳ thị'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO