Trụ đỡ của nền kinh tế

Nguyên Khánh 02/12/2018 08:00

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông nghiệp nước nhà đã thu được nhiều thành tựu. Nông nghiệp vốn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, thì tới nay có thể nói đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, đòi hỏi cần một tầm nhìn chiến lược hơn, sự chuyển mình mạnh mẽ hơn.

Trụ đỡ của nền kinh tế

Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao. Tuy nhiên, để tam nông không chỉ là trụ đỡ mà phải trở thành đòn bẩy, tạo ra sức bật cho nền kinh tế cần nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Thành tích đi cùng thách thức

Suốt giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt trung bình 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm. Hiện đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên, 5 mặt hàng: tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD/năm. Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới, xuất khẩu tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên 130 triệu đồng năm 2017, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn. Hiện cả nước đã có 3.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 chỉ tiêu/xã; 53 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 (chiếm 1,61% doanh nghiệp cả nước) lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017 (tăng 2,93 lần) với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường. Đó là những thành tích ấn tượng của nông nghiệp Việt Nam sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Dẫu đạt những thành tựu mang tính đột phá như vậy nhưng ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là quá trình phát triển ngành vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, những yếu kém nội tại mặc dù đã được khắc phục nhiều từ khi thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường. Tiêu thụ nông sản có lúc, có nơi bị chậm, ảnh hưởng đến sản xuất. Năng lực cạnh tranh quốc gia, của sản phẩm và doanh nghiệp bị hạn chế do vốn đầu tư thấp, thiếu khoa học công nghệ tiến bộ, thiếu nguồn nhân lực lao động và quản lý chất lượng cao, hạ tầng chưa đồng bộ, cho tới nay có rất ít thương hiệu và chỉ dẫn địa lý gắn với nông sản.

Trong khi, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện, nhưng còn thấp, chênh lệch với khu vực đô thị có xu hướng doãng rộng ra. Nông thôn vẫn hàm chứa những thành tố phát triển chưa bền vững. Vấn đề về môi trường nông thôn đang ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, phức tạp, khó xử lý….

Với những thách thức như vậy nó đòi hỏi chúng ta phải xây dựng những thể chế, cơ chế chính sách phù hợp, cụ thể để nông nghiệp cất cánh thực sự và nông dân có thể làm giàu trên đồng ruộng chứ không để xảy ra tình trạng người dân ly nông, ly hương như hiện nay.

Trụ đỡ của nền kinh tế - 1

Cánh đồng mùa gặt.

Chìa khóa của phát triển

Rất nhiều chuyên gia đưa ra các giải pháp căn cơ để ngành nông nghiệp thời gian tới sẽ có những bước đi vững chắc.

GS.TS Đỗ Năng Vịnh- Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, các thành tựu của khoa học công nghệ sẽ định hình tương lai của kinh tế toàn cầu, không chỉ riêng trong ngành nông nghiệp. Theo đó, an ninh và an toàn thực phẩm là vấn đề toàn cầu trong 50 năm tới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, diện tích đất canh tác đang ngày càng bị thu hẹp do xây dựng đô thị, phát triển công nghiệp và nước biển dâng. Việc cập nhật ứng dụng của khoa học công nghệ vào sản xuất do đó càng trở nên cần thiết, bên cạnh xu hướng sản xuất theo chuỗi giá trị và kết nối thị trường toàn cầu.

TS Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin, Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tích trong xây dựng nông thôn mới, làm được điều này là nhờ tỉnh đã có hướng đi đúng trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao phù hợp, chủ động sản xuất thích ứng với điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu để sản xuất theo chuỗi giá trị. Để nông nghiệp cất cánh, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0 và nông nghiệp hữu cơ.

Cụ thể, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, các quy hoạch chuyên ngành theo hướng tiếp cận đa ngành; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng theo quy hoạch trên cơ sở lấy khoa học công nghệ là khâu đột phá.

Thực tế thì tới nay, đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp, số dân làm nông còn quá cao. Cả nước có 48% dân số làm nông nghiệp. Năng suất lao động lĩnh vực này còn thấp, việc tăng năng suất còn chậm. Ngành nông nghiệp cũng chỉ thu hút một lượng vốn khiêm tốn chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Số doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1% trong cả nền kinh tế, chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Huy động vốn, tiếp cận vốn, các dịch vụ ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn còn cao. Chỉ 1/2 số hộ gia đình nông thôn tiếp cận vốn ngân hàng chính thức. Từ đó tạo điều kiện cho tín dụng đen xuất hiện ở nông thôn. Trong khi đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp còn yếu, giá thành sản phẩm cao, chủ yếu là xuất thô, chưa qua chế biến, chưa đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng, chưa hiệu quả. Công tác bảo quản, chế biến còn hạn chế, quy mô nhỏ, hao hụt nhiều.

Tăng cường đầu tư vào nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, để tam nông đạt được nhiều thành tựu, cần khơi dậy hơn nữa lòng yêu nước, tự lực, tự cường của người nông dân. Nếu người nông dân còn ỷ lại thì không bao giờ thành công. Hiện thế giới đang chuyển mình, châu Á cũng đang cạnh tranh từ bán buôn đến bán lẻ. Việt Nam cần sớm khắc phục các hạn chế yếu kém, áp dụng kỷ nguyên số, đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp, trong đó có các công nghệ như thanh toán điện tử, viễn thám, máy bay không người lái…

Vì vậy, cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tháo gỡ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp. Tăng cường đầu tư vào nông nghiệp hơn nữa. Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ nông nghiệp thế giới? Liệu chúng ta có thể đứng thứ 15 các nước có nền nông nghiệp phát triển được hay không? Nhận diện thật rõ cơ hội và thách thức để đề ra chiến lược mới là việc rất quan trọng.

Theo TS Đặng Kim Sơn, kinh nghiệm của các quốc gia thành công cho thấy 3 giải pháp để nông dân giàu, nâng mức thu nhập nông thôn lên bằng mức thành phố, đó là: Tạo điều kiện quy mô sản xuất, phát triển trang trại; tạo cơ hội chuyển lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, để gắn kết nông nghiệp - công nghiệp, đô thị - nông thôn, cần phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động ở ngay nông thôn để lao động nông nghiệp “ly nông bất ly hương”, không di cư ra đô thị; tiến tới mức cao hơn là chính thức hóa đội ngũ lao động phi chính thức bằng các tổ chức nghiệp đoàn, đăng ký lao động, trợ cấp hỗ trợ bảo hiểm...

Cách tốt nhất là tạo ra một mô hình kinh tế liên kết, trong đó các ngành công nghiệp, dịch vụ gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng mới, tăng năng suất, khả năng cạnh tranh của nông sản.

Bên cạnh đó, cần có chính sách, giải pháp phù hợp với đặc thù vùng miền nhằm thu hút đầu tư về nông thôn, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông thuận tiện. Đây cũng là giải pháp quan trọng để hình thành sức cạnh tranh cho nông nghiệp. Ngoài ra, dịch vụ hỗ trợ và công nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản cũng cần được quan tâm đầu tư đúng mức. Thực tế phát triển kinh tế của các quốc gia thành công trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, trong điều kiện hiện nay cần các giải pháp chiến lược và mô hình phát triển để một nước nông nghiệp tiến hành công nghiệp hóa thành công.

* Để gắn kết nông nghiệp - công nghiệp, đô thị - nông thôn, cần phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động ở ngay nông thôn để lao động nông nghiệp “ly nông bất ly hương”, không di cư ra đô thị; tiến tới mức cao hơn là chính thức hóa đội ngũ lao động phi chính thức bằng các tổ chức nghiệp đoàn, đăng ký lao động, trợ cấp hỗ trợ bảo hiểm...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trụ đỡ của nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO