Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp: Gia tăng và khó ngăn chặn

Lan Hương 12/12/2017 09:30

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt đầu triển khai thực hiện từ đầu năm 2009, là chỗ dựa vững chắc cho người lao động trong trường hợp bị mất việc làm, giúp gia đình họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động sớm quay lại thị trường lao động. Thế nhưng thời gian gần đây, tình trạng trục lợi quỹ BHTN có chiều hướng gia tăng, rất khó ngăn chặn do những quy định lỏng lẻo.

Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp: Gia tăng và khó ngăn chặn

Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng gia tăng.

Vừa đi làm vừa hưởng BHTN

Thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam cho biết, ước tính, đến hết tháng 9/2017, toàn ngành đã giải quyết cho 7,71 triệu lượt người hưởng BHXH, BHTN (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, có gần 99 nghìn người hưởng BHXH hàng tháng; hơn 536 nghìn lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 6,52 triệu lượt người; chi trợ cấp thất nghiệp cho 526 nghìn người, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016; chi hỗ trợ học nghề cho gần 26 nghìn người, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo quy định, nếu người lao động có việc làm mới sẽ chấm dứt ngay việc hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), số tháng hưởng TCTN còn lại sẽ được bảo lưu. Tuy nhiên, nhiều người lao động vừa có việc làm mới vừa hưởng TCTN mà không tự động khai báo. Đây cũng là trường hợp điển hình và phổ biến nhất trong trục lợi quỹ BHTN. Ngoài ra còn có tình trạng lao động chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BHTN, cũng có hiện tượng người lao động di chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ lại quay về chỗ cũ.

Tại TPHCM, trong 10 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP HCM đã phát hiện khoảng 330 người lao động có việc làm nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, qua kiểm toán cũng phát hiện 720 trường hợp khác vừa có việc làm, vừa nhận trợ cấp thất nghiệp từ các năm 2012, 2013, với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

“Trung tâm cũng không biết và không có công cụ nào để nhận biết người lao động đã có việc làm mới ở đâu hay không. Tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của người lao động. Những trường hợp gian lận chỉ được nhận biết khi họ có tham gia đóng BHXH ở nơi làm mới. Nhưng khi phát hiện được thì rất nhiều trường hợp đã “ăn gian” được vài tháng tiền TCTN”- đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM nói.

Thực tế phản ánh từ nhiều địa phương cũng cho biết, nguyên nhân khiến trục lợi BHTN ngày một gia tăng chính là việc đăng ký hưởng TCTN hiện nay quá dễ dàng. Đối với lao động nếu có đủ các loại giấy tờ gồm: Quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc; sổ BHXH; chứng minh nhân dân là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.

Thêm nữa, theo quy định 3 tháng sau khi có quyết định nghỉ việc, người lao động mới được đăng ký hưởng TCTN. Sau khi cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ đầy đủ thì phải mất thêm 20 ngày mới có kết quả. Như vậy người lao động mất gần 4 tháng để nhận TCTN. Đây chính là kẽ hở lớn, bởi trong khi cơ quan chức năng đang rà soát, xem xét thì người lao động đã tìm được việc làm mới. Họ vẫn đi làm, nhận lương chỗ mới và vẫn ung dung nhận khoản tiền BHTN. Khi họ có tham gia đóng BHXH ở nơi làm mới cơ quan chức năng mới phát hiện họ “gian lận” thì đã muộn.

Bên cạnh đó, quy định về BHTN ban hành chưa đầy đủ nên việc quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn. Hiện vẫn chưa có phần mềm liên thông giữa BHXH và trung tâm dịch vụ việc làm (nơi chi trả BHTN) nên việc trao đổi thông tin còn nhiều hạn chế, nhất là việc kiểm soát quá trình tham gia BHTN của người lao động. Việc đấu tranh với các hành vi trục lợi vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp người lao động không trung thực trong việc không thông báo tình trạng việc làm thực với trung tâm dịch vụ việc làm.

Truy tố hành vi gian lận bảo hiểm từ đầu năm 2018

Để giải quyết được tình trạng trên, hiện nay BHXH Việt Nam đang xây dựng bộ công cụ tập trung dữ liệu quản lý chính sách BHXH và chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) qua trục tích hợp quốc gia. Đây được đánh giá là một bước tiến lớn của ngành BHXH trong quản lý tập trung cơ sở dữ liệu.

Cụ thể, bộ công cụ có các tính năng nổi bật như: Kết nối với cơ sở dữ liệu thu, sổ thẻ để khai thác quá trình tham gia khi xét duyệt các chế độ. Đồng thời, bộ công cụ cũng sẽ kết nối, cung cấp dữ liệu cho hệ thống tài chính, kế toán, kiểm soát thông tin xét duyệt các chế độ. Đặc biệt, việc quản lý người hưởng chế độ hàng tháng, kiểm soát thông tin người hưởng trợ cấp ngắn hạn, kiểm soát thông tin người hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hiển thị đầy đủ trên bộ công cụ này.

Nhận định về việc liên thông thông tin liên quan đến quá trình đóng hưởng BHTN của người lao động thông qua bộ công cụ, nhiều chuyên gia cho rằng đây là bước tiến vượt bậc về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cải cách thủ tục hành chính, triển khai được mô hình tập trung cơ sở dữ liệu trong toàn ngành như dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, dữ liệu thu và giải quyết chính sách… Tuy nhiên thực tế cho thấy, nguyên nhân khiến tình trạng gian lận BHTN không ngừng gia tăng do “nhờn luật”, chế tài còn nhẹ nên nhiều người vẫn bất chấp để vi phạm.

Từ ngày 1/1/2018 tới đây Điều 214 Bộ luật Hình sự chính thức có hiệu lực, theo đó, việc gian lận tiền BHTN không chỉ dừng lại ở phạt hành chính mà còn bị truy tố hình sự với mức án khá cao (cao nhất 10 năm tù). Đây được xem là giải pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng gian lận quỹ BHTN. Chính vì vậy khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan BHXH và cơ quan quản lý nhà nước về BHXH cần chủ động tăng cường phối hợp xử lý kịp thời, tránh để hiện tượng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, trong thời gian dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp: Gia tăng và khó ngăn chặn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO