Trục lợi mùa dịch

Minh Thư 08/08/2021 14:50

Trong khi cả nước đang chung tay cùng ngăn chặn đại dịch Covid-19 thì không ít các đối tượng lợi dụng dịch bệnh nhằm trục lợi.

Ảnh: Bộ Y tế

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề tại nhiều địa phương. Một số tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch lây lan. Cả nước đang cùng chung tay chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Trong thời điểm này, không ít hình ảnh đẹp về những dân dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng sẵn sàng "nhường cơm sẻ áo" cho người nghèo chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, những vết hằn đỏ sẫm trên gương mặt các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, những giọt mồ hôi trên trán người chiến sĩ công an tại chốt kiểm soát dịch giữa trưa đổ nắng,… được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội.

Mặc dù công cuộc chống dịch còn gặp nhiều khó khăn nhưng những hình ảnh trên khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng và lạc quan hơn trong khoảng thời gian này.

Thế nhưng, đáng buồn thay, vẫn có không ít người lợi dụng dịch bệnh Covid-19 nhằm trục lợi. Mới đây, đầu tháng 8/2021, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện gần 10 chuyến xe gắn băng rôn: “Chuyến xe nghĩa tình đưa bà con về quê”, “Chuyến xe 0 đồng hỗ trợ bà con về quê” chở người từ TP HCM về Thừa Thiên - Huế. Nhờ những băng rôn đó, các chuyến xe này được các lực lượng chức năng tạo điều kiện hỗ trợ lưu thông.

Đáng nói, những "chuyến xe nghĩa tình" nói trên không hề nhằm mục đích giúp đỡ người nghèo mắc kẹt tại TP HCM do dịch mà thu của khách 2 triệu đồng/người.

Hành vi này của các đối tượng không chỉ lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân vi phạm Khoản 3, Điều 3, Nghị định 64/2008/NĐ-CP về "lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi" mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây lây lan dịch bệnh.

Bởi đơn vị vận tải hành khách tự ý đưa người dân ra khỏi vùng dịch mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền tại TP HCM là hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Đây không phải là một ngoại lệ của chuyện trục lợi mùa dịch.

Trước đó, ngày 3/8, UBND phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 35 triệu đồng đối với lái xe P.T.G. (44 tuổi, trú tại Nam Đàn, Nghệ An) do có hành vi lợi dụng xe cứu thương chở khách trái quy định.

Làm việc với cơ quan công an, lái xe khai nhận, chiều 1/8, đã nhận chở một đôi nam nữ từ TP Vinh, Nghệ An ra Hà Nội với giá 3 triệu đồng. Mục đích nhằm qua các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 mà không bị kiểm tra giám sát về y tế trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ.

Đáng chú ý, mới đây, sáng 7/8, một chiếc xe cứu hộ giao thông BKS 29H-03804 kéo theo xe ô tô mang nhãn hiệu ISUZU BKS 38A-372.69 đi vào làn "luồng xanh", qua cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Km 152+500) để qua trạm thu phí vào Hà Nội mà không gặp phải bất kỳ kiểm tra nào của các lực lượng làm việc tại chốt kiểm soát.

Xe cứu hộ đi vào làn "luồng xanh", qua chốt mà không có sự kiểm tra nào.
Người chờ sẵn ở lối gom đường cao tốc.

Đáng nói, tại đây có rất đông cán bộ lực lượng liên ngành làm nhiệm vụ gồm: CSGT, TTGT, quân đội và y tế.

Theo nguồn tin của PV, phương tiện cứu hộ nói trên thuộc Công ty cứu hộ giao thông Yến Thành có trụ sở tại 54 Lê Quang Đạo (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Trích xuất camera từ Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, những phương tiện cứu hộ của công ty cứu hộ giao thông Yến Thành thường xuyên vào, ra cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đều mang theo những phương tiện khác.

Trên các phương tiện được cứu hộ này đều có rất nhiều người mà không có bất kỳ sự kiểm tra về giấy phép thông hành hay kết quả test nhanh, xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.

Trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19, không ít tài xế lợi dụng việc được cấp giấy thông hành vận tải hàng hóa để chở hàng lậu và người trái phép "thông" chốt kiểm dịch.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GTVT với Sở GTVT 63 tỉnh, thành vào chiều ngày 4/8, theo phản ánh của đại diện một số địa phương, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số xe chở hàng có thẻ nhận diện "luồng xanh", có mã QR vi phạm quy định như: lái xe không có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2, hoặc giấy xét nghiệm hết hạn, đi sai lộ trình được cấp; tài xế không đúng danh sách đăng ký theo xe. Thậm chí, một số lái xe được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.

Điển hình là tại Hải Phòng, đêm ngày 31/7, tại khu vực chân cầu Nghìn, huyện Vĩnh Bảo (giáp ranh giữa TP Hải Phòng và tỉnh Thái Bình), lực lượng kiểm soát dịch bệnh đã phát hiện nhiều xe container chở theo người nhằm vượt qua chốt kiểm soát. Tiến hành kiểm tra, những trường hợp này đều trở về từ TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát phương tiện được cấp thẻ nhận diện phương tiện có mã QR Code hoạt động trên “luồng xanh”.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi là hành vi vi phạm đạo đức không thể chấp nhận được. Pháp luật cũng có những hình phạt thích đáng dành cho những kẻ trục lợi. Theo một số chuyên gia pháp lý, hành vi trục lợi trong điều kiện dịch bệnh thì càng phải xem như một tình tiết tăng nặng và cần xử lý thật nghiêm để làm gương.

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, rất cần cơ quan chức năng tăng cường nắm tình hình, phối hợp các lực lượng đơn vị trên địa bàn, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng bán rẻ lương tâm, mờ mắt vì đồng tiền, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các cơ quan chức năng, gây hoang mang dư luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trục lợi mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO