Trung Đông bước vào giai đoạn hậu IS đầy bất ổn

Linh Chi 08/11/2017 10:00

Khu vực Trung Đông đang dần bước tới thời kỳ hậu phiến quân IS, tuy nhiên tình trạng bất ổn trong khu vực chưa từng được dự báo sẽ được xoa dịu, trong khi thực tế nó còn có khả năng gia tăng do bất đồng giữa các nước.

Cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri tuyên bố từ chức vì lo bị ám sát hồi cuối tuần trước. (Nguồn: AP).

Mới cách đây vài ngày, từ một vị trí không xác định tại thủ đô Riyadh của Arab Saudi, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, 47 tuổi, đã tuyên bố từ chức. Cho rằng mình đang là mục tiêu của một âm mưu ám sát - điều mà lực lượng an ninh của ông bác bỏ - ông đã khiến nhiều nước trong khu vực bất ngờ bởi quyết định này.

"Bất cứ nơi nào mà Iran đặt chân tới, họ đều reo rắc sự hủy diệt, sự bất hòa, và bằng cách can thiệp vào nội bộ các nước Arab" - ông Hariri nói.

Cuộc chiến chống lại phiến quân IS có thể đang đi đến hồi kết, nhưng sự thù địch giữa Arab Saudi và Cộng hòa Hồi giáo Iran giờ lại đe dọa sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới Lebanon, một quốc gia mà cả Tehran và Riyadh đều cáo buộc lẫn nhau là đang can thiệp vào.

Các phe phái hậu thuẫn

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Lebanon đã trở thành vùng đất diễn ra các "cuộc chiến ủy nhiệm". Syria, Iraq, Arab Saudi, Israel, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ... đều từng ủng hộ các phe phái khác nhau trong nước này, gây ảnh hưởng nặng nề tới tình hình đất nước và cuộc sống người dân Lebanon.

Nhiều người dân Lebanon tin rằng chính quyền Arab Saudi có thể đã đề nghị ông Hariri - người cũng có quyền công dân Arab Saudi - từ chức khỏi vị trí mà ông đã dẫn dắt chính phủ của mình kể từ tháng 12/2006. Nhiều người cho rằng chính phủ của ông Hariri bao gồm một số vị Bộ trưởng có liên hệ với nhóm Hezbollah, đồng minh của Iran ở Lebanon.

Dù giới chức ở Arab Saudi bác bỏ dính líu tới quyết định của ông Hariri, nhưng giới chuyên gia lại cho rằng quốc gia này đang đặt trong tình trạng báo động do lo ngại rằng Iran sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trong thời kỳ hậu IS.

Iran đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống phiến quân IS mà chính phủ Iraq phát động. Iran hiện cũng đang ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad để đánh bại các nhóm nổi dậy mà Mỹ, Arab Saudi và các nước Vùng Vịnh hậu thuẫn. Arab Saudi cùng các nước Vùng Vịnh khác cũng đang tham chiến ở Yemen, nơi mà Iran hậu thuẫn phiến quân Houthi.

Iran từ lâu đã luôn ủng hộ chính quyền nhà Assad - đầu tiên là Hafez và giờ là Bashar al-Assad - kể từ cách mạng năm 1979. Nước này cũng ủng hộ Hezbollah kể từ khi nó trỗi dậy sau cuộc xâm lăng của Israel với Lebanon năm 1982. Iran cũng giành được tầm ảnh hưởng ở Iraq kể từ sau cuộc chiến mà liên quân Mỹ dẫn đầu lật đổ chính quyền Saddam Hussein.

Gia tăng ảnh hưởng khắp Trung Đông

Iran đã có lịch sử hết sức lâu dài ở khu vực Trung Đông. Dù cho Mỹ và các đồng minh cố gắng cô lập, bao vây hay trừng phạt nhằm vào nền kinh tế vốn dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ của nước này, thì sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Iran trên khắp Trung Đông vẫn tiếp tục gia tăng, không chỉ ở các nước Arab. Hiện nay, Iran còn đang thắt chặt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

"Kể từ thời Cyrus Đại đế, Iran đã có sức mạnh trong khu vực" - Rami Khouri, chuyên gia nghiên cứu thuộc ĐH Mỹ tại Beirut, nhận định - "Họ biết cách để vận hành bộ máy đó".

Ngược lại, theo ông Khouri, Arab Saudi và các đồng minh Vùng Vịnh của họ lại không làm điều đó, và giờ họ đang cố gắng làm điều gì đó ở Lebanon để thể hiện rằng họ cũng là những bên quyền lực.

Arab Saudi, Israel và nhiều đời chính quyền Mỹ từng liên tiếp nỗ lực làm suy yếu đồng minh chính của Iran ở Lebanon, nhóm Hezbollah, nhưng nỗ lực đó lại phản tác dụng, khiến Iran càng mạnh mẽ hơn.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Israel xem Hezbollah là một tổ chức khủng bố. Mỹ tin rằng Iran, được hỗ trợ bởi Hezbollah, đã chủ mưu các vụ đánh bom năm 1983 ở Beirut, khiến 241 nhân viên Mỹ cùng 58 lính dù Pháp thiệt amngj. Iran còn bị nghi đứng đằng sau vụ đánh bom Đại sứ quán Israel ở Buenos Aires (Argentian) năm 1993, khiến 29 người thiệt mạng.

Hiện nay, trong bối cảnh cuộc chiến chống IS đi đến hồi kết, Arab Saudi, Israel và Mỹ có thể tận dụng tình hình chính trị phức tạp của Lebanon để đối phó với Iran. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, khu vực Trung Đông hậu IS không có gì khác so với Trung Đông trước đây, mà có khi còn nguy hiểm hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Đông bước vào giai đoạn hậu IS đầy bất ổn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO