Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương: Điều cần thiết là góp phần bảo vệ sinh mạng ngư dân

Thanh Thuận (thực hiện) 07/07/2019 08:30

Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông (FESS) vừa tổ chức Lễ trao giải thưởng Nghiên cứu biển Đông năm 2018. Tại buổi lễ, Trung tá Lê Văn Chương, phóng viên báo Biên phòng đã vinh dự được trao giải đặc biệt xuất sắc với công trình nghiên cứu “Phương pháp neo tàu trên vùng nước cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo”.

Nhân dịp này, Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương đã chia sẻ với phóng viên báo Đại đoàn kết về đề tài đoạt giải.

Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương: Điều cần thiết là góp phần bảo vệ sinh mạng ngư dân

Phóng viên Lê Văn Chương trên hành trình nghiên cứu biển Đông.

PV:Phóng viên thường thể hiện nhãn quan và nhận thức của mình về một vấn đề thông qua những bài báo, còn anh lại chọn đề tài nghiên cứu khoa học để tham gia. Anh có thể chia sẻ câu chuyện giữa làm báo và khoa học để có được thành công ngày hôm nay?

Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương: Báo Biên phòng là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, là diễn đàn của nhân dân khu vực biên giới biển, đảo. Chính tiêu chí này cùng với sự động viên và chia sẻ của Ban Biên tập đã giúp tôi hoàn thành tốt đề tài. Tôi cũng xin nói thêm là, đề tài khoa học và một bài báo của những phóng viên tâm huyết sẽ có một điểm chung, đó là hướng đến tác động để có một sự thay đổi theo hướng tích cực, một sự đột phá để thay đổi cái cũ thành cái mới hơn, tân tiến và hiện đại hơn, hoặc khám phá ra điều mới mẻ. Nếu một nhà báo say sưa công việc thì khi tham gia vào lĩnh vực khoa học sẽ rất dễ đạt được mục tiêu.

Cơ duyên nào đã khiến anh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học này?

- Trong chuyến công tác tại huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 4/2008, tôi chứng kiến một sự kiện kỳ lạ. Đó là phần lớn các tàu cá đều bị chìm, nhưng tàu cá của ông Lê Hải đã sống sót trong cơn bão lớn ở quần đảo Hoàng Sa vào ngày 17/4, sau đó chở 10 ngư dân trên tàu bị nạn là người đồng hương về đất liền rồi vớt thêm được anh Ngô Thủ Lý, là ngư dân Trung Quốc ở xã Phước Điền, đảo Hải Nam, Trung Quốc đưa về Việt Nam. Tôi khâm phục nghĩa cử của ngư dân và tiến đến đặt câu hỏi: “Rất nhiều tàu cá bị chìm trong cơn bão, vậy nhưng anh có bí quyết gì để sống sót?”. Tôi nhận được câu trả lời khá kỳ lạ: “Đó là nhờ phương pháp neo tàu thép trên vùng nước cạn cùng với ngư dân xã Bình Châu”. Sau hơn 10 năm theo dõi và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn cũng như đi tác nghiệp, tôi đã viết báo cáo khoa học dự thi giải Nghiên cứu biển Đông của Học viện Ngoại giao, được Ban Tổ chức đánh giá cao và trao giải Đặc biệt xuất sắc.

Xin anh hãy chia sẻ phương pháp neo tàu trên bãi cạn?

- Bà con ngư dân làm nghề lặn ở quần đảo Hoàng Sa, mỗi khi nghe gió bão thì chạy vào các đảo ngầm, các đảo san hô rạn vòm (có bờ thành bao quanh như một sân vận động) và chọn nơi có mực nước sâu khoảng 4 mét, sau đó lặn xuống gắn chặt dây neo bằng thép, hoặc xích xuống các tảng, gờ đá lớn và chịu trận qua bão tố, sau đó lại xuất hành đi làm. Nghe thì đơn giản như vậy, nhưng đó là một sự chịu đựng nhẫn nhịn tận cùng và cảm động. Chỉ những con người có thần kinh “thép” và kinh nghiệm xuôi ngược nhiều năm ở Hoàng Sa thì mới dám thực hiện. Vì phương pháp này liên quan đến sinh mạng của cả đội bạn trên tàu.

Chỉ mới nhìn vào tên đề tài khoa học của anh đã thấy đây là đề tài có tính ứng dụng cao. Vậy đâu là điều anh tâm đắc ở công trình nghiên cứu của mình?

- Tôi đã khảo sát ngư dân ở các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam và chỉ thấy một bộ phận nhỏ ngư dân áp dụng phương pháp này. Ngư dân ra Hoàng Sa đánh bắt nếu không có nơi neo trú, hoặc cứ có bão là bỏ chạy thì cũng thiệt hại rất lớn, tốn hàng ngàn lít dầu. Vì vậy tìm ra một phương pháp neo riêng cho ngư dân đánh bắt tại một vùng đảo của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm giữ và kiểm soát là điều vô cùng cần thiết, vì góp phần bảo vệ sinh mạng ngư dân, đảm bảo cho họ có cuộc sống ổn định.

Được biết, đề tài khoa học của anh được thực nghiệm trong nhiều năm. Để hoàn thành đề tài khoa học này, công việc thực nghiệm được anh tiến hành như thế nào?

- Để hoàn thành phương pháp neo tàu trên bãi cạn ở quần đảo Hoàng Sa, tôi phải đi thống kê, rà soát trên máy định vị nhiều lần xem những đảo nào thực sự neo được, vì trong những năm qua, do không có sự thống nhất cho nên đã có trường hợp ngư dân neo tàu bị tai nạn. Ví dụ như đảo Đá Bắc nằm ở tọa độ 17 độ 06 phút vĩ độ bắc - 111 độ 30 phút kinh đông. Khi ngư dân vào đảo này neo trú bình thường, tàu có chiều dài thân vỏ trên 20 mét vào quá sâu và khi trở gió thì va vào đá ngầm bị chìm. Có trường hợp ngư dân neo trú và chịu đựng vượt cấp bão. Ví dụ như neo ở đảo Bom Bay, Đá Lồi thì tàu nhỏ không thể chịu được bão cấp 10-11, nhưng ngư dân vẫn nán lại, không di chuyển về đảo Đá Hải Sâm nên đã gặp rủi ro.

Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương: Điều cần thiết là góp phần bảo vệ sinh mạng ngư dân - 1

Ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trao giải đặc biệt xuất sắc cho Trung tá Lê Văn Chương, phóng viên báo Biên Phòng tại Lễ trao giải thưởng nghiên cứu biển Đông năm 2018.

Trong quá trình tác nghiệp, thu thập tài liệu trên biển anh gặp phải khó khăn nào?

- Đi trên tàu cá ngư dân thì rất vất vả nhưng vui. Cứ 3 giờ sáng là bắt đầu một ngày mới, thức dậy quay phim, chụp ảnh cảnh kéo lưới. Nhưng cũng phải cẩn thận vì ngư dân hò la kéo lưới, còn mình mà sảy chân rơi xuống biển thì chắc không ai biết đâu. Bên cạnh đó thì ngày nào cũng phải lo lau máy ảnh, máy quay để giảm ảnh hưởng của nước mặn, rồi sóng gió thì có ngày êm ả, có khi lại ầm ầm lốc xoáy. Nếu xuất hiện vòi rồng phía đường chân trời là lốc xoáy, phải lo chuẩn bị đối phó. Khi nào cái đuôi rồng đó nó đứt lên khỏi mặt biển thì gió lặng. Nói chung là kỷ niệm trên biển thì vô vàn, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và bình tĩnh chứ không được hốt hoảng.

Năm 2018, anh đã thực hiện 1 đề tài nghiên cứu khoa học và năm nay là đề tài thứ 2. Anh có thể chia sẻ về việc đưa đề tài khoa học này đi vào cuộc sống?

- Vừa rồi, có sự kiện tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu Gemvir – 1 của ngư dân Philippines và được ngư dân Việt Nam cứu giúp. Mối quan hệ trên biển giữa ngư dân Việt Nam và Philippinnes từ năm 1982 đến nay đã được tôi mô tả rất kỹ trong đề tài “Trục quan hệ của ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” và đề tài này có thể đưa vào áp dụng. Còn đề tài năm nay thì tôi dự kiến sẽ viết lại theo cách mà ngư dân dễ hiểu, dễ tiếp cận, sau đó sẽ phổ biến rộng rãi cho bà con để ngày càng có nhiều tàu cá bám đảo Hoàng Sa.

Được biết, ngoài việc làm báo, anh còn có cuốn sách “Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa” 2 tập?

- Đúng vậy. Nội dung cuốn sách kể về truyền thống của người và đất Quảng Ngãi - quê hương của Hải đội Hoàng Sa với lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, với những bài văn tế, thư tịch cổ, những đình miếu, những ngôi mộ gió; về những ngư dân kiên cường bám biển, bám đảo, bất chấp bão tố gian nan, họ hiện lên như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa để góp phần khẳng định chủ quyền đất nước; về những tấm lòng hào hiệp của các ngư dân, thuyền trưởng, bộ đội biên phòng… xả thân cứu người không may bị nạn khi mưu sinh trên biển. Sau một thời gian phát hành, tập sách “Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa” của tôi được lọt vào top bình chọn “100 quyển sách thanh thiếu nhi thành phố nên đọc” do Thành đoàn TPHCM tổ chức. Trong thời gian qua, thư viện ở một số tỉnh, thành đã liên kết với các trường đại học tổ chức thi tìm hiểu về biển đảo và có nhiều sinh viên viết cảm tưởng về cuốn sách này. Qua cuốn sách, tôi nhận được rất nhiều sự chia sẻ và cảm thấy tự hào vì mình đã truyền được tình yêu về biển đảo cho thế hệ trẻ.

Xin cảm ơn anh về những trao đổi!

Tại Lễ trao giải thưởng Nghiên cứu biển Đông năm 2018, GS.TS Nguyễn Tiến Sâm- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc chia sẻ: “Tôi ấn tượng rất tốt về bài gắn bó với biển, gắn bó với ngư dân của nhà báo Lê Văn Chương. Cùng với ngư dân bám biển nhiều năm, nắm bắt phương pháp neo đậu của ngư dân, tác giả đã đưa ra vấn đề văn hóa bám biển, hình thành những đội tàu chuyên khai thác hải sản ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là vấn đề rất quý giá và tôi thấy tâm đắc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương: Điều cần thiết là góp phần bảo vệ sinh mạng ngư dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO