Trưởng Ban Tiếp công dân TW vừa bị hành hung: Tôi thương bà con

Từ Khôi 27/05/2016 01:31

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương vừa bị đánh tâm sự: Là người hàng ngày chứng kiến những người đi khiếu kiện chầu chực, vất vả, thiếu thốn, tôi rất thương xót. Theo ông, giải pháp chính để giảm đi số lượng khiếu kiện đông người tại đây vẫn là sự giải quyết triệt để và đúng đắn tại cơ sở của 63 tỉnh thành trên cả nước.

Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương.

Ngày 26/5, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã trực tiếp gặp ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương tại trụ sở để làm rõ thêm nguyên nhân sự việc diễn ra sáng ngày 24/5, khi ông bị một nhóm người hành hung tại trụ sở. Qua tìm hiểu, mới thấy sự việc đó tiềm ẩn nhiều vấn đề bức xúc…

Phóng viên có mặt tại trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương (Ban) vào 10h45 phút ngày 26/5. Giữa sân trụ sở nắng oi ả sau trận mưa ròng rã ngày 25/5 có nhiều người cả người già, người trẻ, trung niên với giọng nói của nhiều vùng miền đang tập trung tại đây, có người la hét, chửi bới om sòm. Sau khi trình giấy giới thiệu, chúng tôi được bảo vệ cho vào gặp ông Nguyễn Hồng Điệp-Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương.

Ông Nguyễn Hồng Điệp tỏ ra trầm lắng khi kể lại vụ việc bị hành hung: "Vào khoảng 6h 48 phút ngày 24/5, khi tôi vừa đến trụ sở làm việc liền bị một nhóm người bao vây, chủ yếu là nhóm người của tỉnh Bạc Liêu và vài người khác của các tỉnh Thanh Hóa, Đắc Lắc, Bình Dương, Hà Nội. Họ túm áo, xô đẩy, cào cấu, khiến tôi bị ngã ngửa, đầu đập vào gốc cây xoài trong sân, người bị xây sát. Lực lượng bảo vệ vào can thiệp cũng bị họ túm áo kéo ra. Rồi họ la hét, chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ và tiếp tục đe dọa sẽ có các hành vi tiếp theo đối với các lãnh đạo và cán bộ tiếp dân tại trụ sở. Sau khi bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính thì họ không những không tiếp thu mà còn tỏ vẻ quá khích hơn. Ngày 25/5, họ lại tiếp tục la hét, lăng mạ, chặn xe các lãnh đạo, cán bộ tại trụ sở".

Không chỉ ông Nguyễn Hồng Điệp bị hành hung, trước đó, ngày 28/1/2016, Thanh tra viên Phòng Tiếp công dân I của Ban cũng đã bị công dân Phạm Thị Thuận (Như Thanh, Thanh Hóa) dùng dao tấn công vào mặt, đầu, gây thương tích 13%. Và bà Thuận đã bị khởi tố, tạm giam 4 tháng.

Ngày 12/5, ông Ngô Sĩ Giang- Phó Vụ trưởng, Thường trực tiếp công dân của Ban Nội chính Trung ương cũng bị công dân hành hung lăng mạ, đấm vào mặt.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân, ông Điệp chia sẻ: "Nhóm công dân tỉnh Bạc Liêu đã tới lưu trú tại Trụ sở Ban từ hơn 2 tháng nay và đã được bố trí tiếp nhiều lần. Trước đây, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cử tổ công tác tới trụ sở Ban để phối hợp tiếp, vận động và có biện pháp đưa bà con về địa phương trước ngày 19/5. Tuy nhiên, Tổ công tác của tỉnh Bạc Liêu đã không có mặt tại trụ sở của Ban tại Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ. Có thể, do bức xúc vì thời gian khiếu kiện lâu dài mà không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà những công dân này đã hành hung tôi và những cán bộ khác. Là người hàng ngày chứng kiến những người đi khiếu kiện chầu chực, vất vả, thiếu thốn, tôi rất thương xót. Tuy nhiên, chúng tôi không thể làm quá khả năng và thẩm quyền của mình. Sau khi sự việc xảy ra, ngày 25/5, Ban tiếp tục có công văn gửi Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị phối hợp để giải quyết sự việc".

Ông Nguyễn Hồng Điệp.

Theo ông Điệp: Có đến 80% vụ việc khiếu kiện tại Ban liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai. Đáng tiếc là những vụ việc này không được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương giải quyết hoặc giải quyết không triệt để. Ở cấp tỉnh không giải quyết được thì công dân kéo lên Ban Tiếp công dân Trung ương. Có những ngày, có đoàn rất đông, chật kín cả sân trụ sở và kéo dài ra ngoài đường. Nhiều người mang theo cả xăng, hung khí. Có người dọa tự thiêu.

Ông Điệp nói: "Liên tiếp sau mấy vụ việc cán bộ tiếp dân bị hành hung, ngay ngày 25/5, tôi đã ra Thông báo số 717/TB-BTCDTW báo cáo Thanh tra Chính phủ và thông báo tới toàn thể các phòng thuộc Ban để động viên cán bộ, nhân viên giữ vững ổn định tâm lý, đoàn kết, khắc phục khó khăn, có thái độ hòa nhã, tôn trọng và tận tình hướng dẫn công dân theo quy định của pháp luật. Và phải kịp thời báo cáo lãnh đạo Ban những tình huống công dân có dấu hiệu quá khích…".

Ông Điệp có đề cập một số giải pháp để giảm đi số lượng khiếu kiện đông người, kéo dài tại Ban. Giải pháp chính vẫn là giải quyết triệt để và đúng đắn tại cơ sở của 63 tỉnh thành trên cả nước. Ngoài giải quyết bằng khiếu nại, công dân còn có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

Cũng theo ông Điệp: Một số tỉnh tuy có cử tổ công tác tới phối hợp giải quyết nhưng cán bộ còn chưa am hiểu vụ việc nên càng khiến dân thêm bức xúc…

Số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông (Hà Nội) hiện tại là nơi tiếp công dân của 8 cơ quan: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Dân nguyện Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Thanh tra Chính phủ.

Nơi đây thường xuyên có nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự. Tuy nhiên, phóng viên khá bất ngờ khi ông Điệp cho biết trụ sở Ban lại không là mục tiêu để bảo vệ. Ban phải thuê 8 bảo vệ của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Ngoài đề nghị Công an TP Hà Nội, Công an quận Hà Đông tăng cường biện pháp bảo vệ Ban, ông Điệp cho biết: Ban cũng đã có công văn đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đưa trụ sở Ban vào mục tiêu bảo vệ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trưởng Ban Tiếp công dân TW vừa bị hành hung: Tôi thương bà con

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO