Truy trách nhiệm chính quyền nếu người dân chưa hài lòng

Lục Bình (Thực hiện) 23/03/2016 07:29

Ngày 22/3, khẳng định với Đại Đoàn kết bên lề Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015, Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khẳng định: Nếu dân chưa hài lòng phải truy trách nhiệm của chính quyền sở tại để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Truy trách nhiệm chính quyền nếu người dân chưa hài lòng

Ông Nguyễn Song Phi.

PV:Qua thí điểm xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại 10 địa phương, vậy dân “chấm điểm” cán bộ, chấm điểm nền hành chính thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Song Phi: Vừa qua 3 cơ quan gồm UBTƯ MTTQ Việt Nam, TƯ Hội Cựu chiến binh và Bộ Nội vụ phối hợp triển khai thí điểm điều tra cảm nhận của người dân về nền hành chính công tại 10 địa phương trên 6 lĩnh vực. Có thể nói, việc làm này có tác động đến người dân để người dân hiểu được bản chất, hoạt động của sự phục vụ của các cơ quan nhà nước trong thời gian vừa qua. Qua đó, đã có những kết quả bước đầu về cảm nhận của người dân với nền hành chính công. Khi người dân được hỏi, được đánh giá nền hành chính, giúp dân hiểu được chính quyền, nhưng đồng thời chính quyền cũng hiểu dân để có thái độ phục vụ dân thế nào cho đúng quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.

Việc điều tra cảm nhận của người dân được thực hiện ở 2 cấp xã, huyện, đây là cấp gần dân nhất. Kết quả bước đầu cho thấy, dân đánh giá bộ máy nhà nước, cán bộ đa số có tâm, có đạo đức, có phẩm chất, trách nhiệm để thực thi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước với dân. Ngược lại họ cũng đưa ra những yêu cầu như, hiện nay Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật nhưng việc triển khai đến dân để dân hiểu thì hướng dẫn, tổ chức thực hiện chưa đến nơi đến chốn, nhiều nơi khiến dân hiểu sai, phải đi lại nhiều, gây ra những bức xúc.

Lâu nay khi nói đến thủ tục hành chính người ta thường cho rằng “thủ tục hành dân là chính”, vậy qua việc dân được đánh giá, “chấm điểm” cán bộ, cán bộ của những vùng được thí điểm có chuyển động. Ông có cho rằng, hình ảnh người cán bộ sẽ đẹp lên trong mắt dân?

- Nhìn chung dân đánh giá cán bộ đa phần là tích cực, tuy nhiên cũng có nơi cán bộ còn tắc trách, quan liêu, có thể do năng lực kém hoặc những lý do nào đó khiến người dân phải đi lại nhiều lần nên tạo ra những bức xúc. Tôi cho rằng, khi công bố những đơn vị có cán bộ thái độ phục vụ dân kém, còn nhiều thủ tục hành dân thì đơn vị đó, cán bộ đó phải chuyển động. Thông qua những việc làm này sẽ tạo mối quan hệ gắn bó hơn giữa người làm công tác hành chính với dân, từ đó hình ảnh của cán bộ sẽ được cải thiện trong mắt dân.

Ông có cho rằng, người dân 10 địa phương thí điểm sẽ được hưởng lợi hơn hẳn so với vùng không thí điểm?

- Thời gian thực hiện thí điểm tương đối ngắn cho nên hiệu quả cũng chỉ ở phạm vi nhất định. Tuy nhiên, có rất nhiều thủ tục hành chính có sự chuyển biến thực sự như ở Quảng Bình, Hà Tĩnh… Ở Hà Tĩnh khi xét cấp giấy chứng sinh, cấp giấy kết hôn người dân đánh giá là nhanh hơn gọn hơn, hiệu quả hơn, nhân dân rất tâm đắc. Tôi cho rằng, 6 lĩnh vực thí điểm dân được hưởng lợi nhiều nhất từ thủ tục giấy chứng sinh, kết hôn, thủ tục chứng thực… nhìn chung dân khá hài lòng. Mắc nhất là cấp quyền sử dụng đất, xin phép xây nhà ở là còn nhiều rích rắc, dân thấy chưa thỏa mãn lắm.

Ông có cho rằng cần nhân rộng quá trình dân “chấm điểm” cán bộ chứ không chỉ khu biệt ở 10 địa phương như vừa qua?

- Để dân đánh giá nền hành chính là thể hiện dân chủ vì chính quyền của ta là chính quyền của dân, do dân. Tôi cho rằng nên nhân rộng việc làm này để thu thập được thông tin, hiểu được tiếng lòng của người dân, qua đó xây dựng chính quyền vững mạnh. .

Theo ông cơ quan hành chính, cán bộ cần làm gì để họ thực sự là công bộc của dân và chính quyền là chính quyền phục vụ?

- Tôi cho rằng cần tuyển chọn cán bộ có đạo đức, có phẩm chất, có trách nhiệm năng lực, tất cả vì dân, gần dân mới biết được những yêu cầu của người dân để phục vụ. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ phải hướng dẫn nhân dân thực hiện các văn bản, đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước. Dân có hiểu luật mới tuân thủ luật chứ nói chung chung dân không hiểu thì sao thực hiện được. Đặc biệt, chính quyền phải tìm điểm yếu, vấn đề còn hạn chế của đơn vị mình để tìm giải pháp tháo gỡ, giúp cơ quan chính quyền thực thi nhiệm vụ tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng: Sự hài lòng của dân là mục tiêu của nền hành chính

Qua thí điểm cho thấy cái gì chưa tốt có thể điều chỉnh lại cho tốt, hướng tới lợi ích người dân. Sự hài lòng của người dân phải là mục tiêu mà cơ quan công quyền hướng tới. Làm sao cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, làm sao nâng dần sự hài lòng người dân lên, lấy sự hài lòng của người dân là một trong những yêu cầu nâng cao chất lượng hành chính công. Khảo sát cho thấy, tỉ lệ hài lòng của người dân tương đối cao, tất nhiên người dân vẫn còn không ít những băn khoăn. Hy vọng sau khi Bộ Nội vụ công bố thông tin cảm nhận của người dân trên toàn quốc sẽ có bức tranh đầy đủ về tiếng lòng của người dân về nền hành chính công. Kết quả này sẽ phục vụ cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thấy ý kiến của nhân dân căn cứ vào đó để điều chỉnh chất lượng điều hành, cũng như cung cấp dịch vụ công tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truy trách nhiệm chính quyền nếu người dân chưa hài lòng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO