Truyền thông phương Tây và nỗi ám ảnh về nước Nga

Linh Chi 22/10/2016 12:00

Các hành động của Nga, cả tưởng tượng lẫn thực tế, thời gian gần đây đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông châu Âu, đặc biệt khi hãng MSM có bài viết về kế hoạch tấn công hạt nhân châu Âu của Nga hay về chiến hạm Nga. Một tờ tạp chí của Anh mới đây còn mở hẳn chuyên mục riêng về Tổng thống Nga.

Truyền thông phương Tây thời gian qua đưa tin dày đặc về Nga và Tổng thống Putin. (Nguồn: ibtimes).

Mới đây, tờ tạp chí lá cải Spectator của Anh, có số lượng phát hành khoảng 71.000 tờ mỗi tuần, đã đưa hẳn hình ảnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin lên trang bìa. Trên nền bối cảnh Thế chiến II, tờ tạp chí này mô tả cảnh ông Putin kêu gọi đội ngũ truyền thông nước nhà tấn công phương Tây.

Thể hiện bài viết trên tờ tạp chí lá cải này là một giọng điệu tố cáo hành động được cho là hung hăng của Nga cố hữu của phương Tây, nói về khả năng Nga xâm chiếm các nước vùng Baltic và đẩy toàn lục địa vào một cuộc chiến. Tất cả đều được vạch ra một cách trắng trợn và vô căn cứ.

Bài viết này còn dẫn hàng loạt tuyên bố của lãnh đạo Lithuania, trong đó bà lên án việc Nga triển khai tên lửa Iskander tới khu vực Kaliningrad như một mối đe dọa hiện hữu. Trong khi, trên thực tế, các tên lửa của Nga được triển khai đến Kaliningrad chỉ là một phần của một cuộc tập trận nhằm phản ứng cuộc tập trận khác của NATO.

Nhưng tờ Spectator cũng chỉ là một trong số ít những hãng truyền thông phương Tây đã cố tình thổi phồng cái mà họ gọi là “sự hung hăng của nước Nga”.

Sự ám ảnh của báo giới phương Tây đối với Nga đã đi đến một mức độ chưa từng thấy, khi mọi hoạt động của Tổng thống Putin hay của nước Nga đều được đăng tải lập tức, lên trang nhất, nhưng thường xuyên được đặt trong bối cảnh căng thẳng tột độ như thể Nga sắp gây chiến đến nơi.

Mới đây nhất, một chuyến viếng thăm của một nhóm hải quân Nga thôi cũng đã khiến báo giới phương Tây phản ứng thái quá, khi đăng tải thông tin rằng một vài nước châu Âu đã sẵn sàng đánh chặn nhóm hải quân này “nếu cần thiết” trong khi tờ The Sun của Anh đăng ngay bài viết có tiêu đề “Người Nga đang tới: Chiến hạm hạt nhân của Putin đang tiến tới eo biển Manche”.

Trong khi đó, hãng tin Reuters đưa ra thông tin vô căn cứ rằng Nga “triển khai toàn bộ hạm đội biển Bắc và hạm đội Baltic trong cuộc triển khai quân lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh”. Trong khi đó, thực tế thì nhóm hải quân trên chỉ gồm có một phần nhỏ của Hạm đội biển Bắc, theo hãng tin RT của Nga.

Trong bối cảnh báo giới phương Tây sôi sùng sục vì những điều tưởng tượng như hiện nay, ông Ben Harris-Quinney, Chủ tịch nhóm phân tích lâu đời nhất của Anh Bow Group, cảnh báo rằng các thông tin thổi phồng về Nga mà mà báo giới phương Tây đưa ra thời gian qua có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

“Ý nghĩ về Thế chiến III có thể giúp bán được báo và tạp chí. Và nó cũng là một chủ đề dành cho các bộ phim Hollywood” - ông Harris-Quinney nói.

Vị chuyên gia phân tích cũng cảnh báo rằng có gì đó đang thay đổi trong tâm lý của người dân châu Âu, mà một phần chính là do giới truyền thông tuyên truyền. Chưa tính đến khả năng xung đột với Nga, chỉ riêng tâm lý lúc nào cũng nghĩ tới chiến tranh như vậy là đá quá đủ nguy hiểm.

“Vấn đề ở chỗ là làm thế nào chúng ta có thể từ bỏ suy nghĩ kiểu đó? Làm thế nào để đối đáp với Nga theo cách không gây căng thẳng?” - ông Harris-Quinney nói.

Ellis Cashmore, Giáo sư xã hội học tại Đại học Aston, Birmingham (Anh), nhận định rằng việc gọi chứng bệnh “sợ Nga” là chưa đúng mực mà thực chất, Nga đã trở thành một nước bị phương Tây đổ cho mọi tội lỗi.

“Người ta ngày càng có cảm giác rằng Nga có thể bị đổ cho gần như mọi điều xấu trên thế giới. Điều này bắt nguồn kể từ sau sự kiện khủng hoảng ở Ukraine” - ông Cashmore nói, thêm rằng xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn sau sự kiện Thế vận hội Rio de Janeiro và chiến sự tiếp diễn ở Syria.

Ông Cashmore cũng cho hay ông cùng một số nhà phân tích truyền thông từng phát hiện ra xu hướng này từ sự kiện Thế vận hội Rio, trong đó nói rằng Nga đã bị “đối xử không công bằng” trong sự kiện thể thao này và cả Paralympics sau đó.

“Sau khi đưa ra bình luận trên, tài khoản email và Twitter của tôi tràn ngập những lời cáo buộc rằng tôi đang thông đồng với Tổng thống Putin, là miệng lưỡi của Putin, là yêu nước Nga” - ông Cashmore nói - “Đây là cách mà bình luận độc lập phản lại bạn”.

Theo vị chuyên gia phân tích, xét theo bối cảnh hiện nay thì dường như tính trung lập và độc lập của giới truyền thông phương Tây đã không còn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền thông phương Tây và nỗi ám ảnh về nước Nga

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO