TS Trần Đình Ngôn: Chèo không bao giờ hết “đất diễn”

Vũ Trần (thực hiện) 06/01/2017 08:35

Sự thiếu hụt lực lượng sáng tác cho nghệ thuật chèo từ nhiều năm qua luôn là trăn trở của nhà quản lý cũng như các đơn vị nghệ thuật chèo. Bởi, trong khi các tác giả “gạo cội” đã tuổi cao, sức yếu thì lực lượng kế cận vẫn tìm ra được những gương mặt “ưu tú”. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Đình Ngôn, người được mệnh danh là “Vua Chèo đất Bắc” trong việc “tiếp lửa” cho nghệ thuật chèo.

TS Trần Đình Ngôn: Chèo không bao giờ hết “đất diễn”

TS Trần Đình Ngôn.

PV:Thưa ông! Trong những năm qua, Bộ VHTT&DL phối hợp với các hội chuyên ngành đã có nhiều động thái tích cực trong việc đặt hàng sáng tác các tác phẩm biểu diễn chất lượng cao, trong đó có nghệ thuật chèo. Nhưng có một thực tế là đội ngũ sáng tác lại vô cùng thiếu, theo ông đâu là nguyên nhân?

TS Trần Đình Ngôn: Điều đầu tiên tôi xin nói đây là một chủ trương hay và rất có ý nghĩa. Đây là một trong những điều kiện góp phần đưa tác phẩm đạt đến một chất lượng cao hơn. Nhưng vui một thì cũng lo mười.

Những tác giả như chúng tôi rất cám ơn Bộ VHTT&DL, bởi nhờ có sự quyết liệt thực hiện, mà những người cầm bút mới có cơ hội được gửi trọn tâm tư vào tác phẩm như thế này.

Mức đầu tư hơn 140 triệu đồng cho một kịch bản - là con số trong mơ với nhiều tác giả. Quan trọng hơn, dù chỉ là một đợt đặt hàng với số lượng hạn chế, nhưng nó cũng đáp ứng mong mỏi bấy lâu của người cầm bút, là được phục vụ toàn tâm, toàn ý cho nghệ thuật, cho đất nước và ngược lại, họ được nhận chế độ đãi ngộ thích hợp.

Tuy nhiên, thực tế với 18 đơn vị nghệ thuật chèo hiện nay về sáng tác chỉ một vài tác giả viết riêng cho chèo. Trong khi đó, giải thưởng, huy chương tại các cuộc thi, kỳ liên hoan, hội diễn là thước đo để bình xét danh hiệu cho nghệ sĩ thì việc các đoàn nghệ thuật, nhà hát tập trung đặt hàng các thương hiệu đã được khẳng định là điều dễ hiểu.

Được biết, ông là một trong những tác giả mới đây đã được nhà nước đặt hàng sáng tác. Đây vừa niềm tự hào, nhưng cũng là thách thức?

- Đúng vậy, bởi đây là các tác phẩm được sáng tác sự chọn lựa kĩ lưỡng, tác giả là những cây bút uy tín, giàu kinh nghiệm, đạt nhiều thành quả qua các kỳ liên hoan, hội diễn.

Thuận lợi, đó là mình được viết mạnh tay, trực diện mà không lo vướng mắc về định hướng chung. Hơn nữa, nội dung đặt hàng cũng phù hợp với mong muốn, thôi thúc của người viết về những vấn đề gắn với thời cuộc.

Tuy nhiên, cái khó là dù viết phê phán tiêu cực, nhưng viết sao để người dân còn tìm thấy được ở đó lòng tin, chứ không phải “ném chuột vỡ cả bình”, người dân sinh hoài nghi.

Chưa kể, cái khó là viết theo yêu cầu của người khác, chứ không phải là sự thôi thúc của tâm hồn nghệ sĩ. Do vậy, người viết phải tìm ra sự đồng cảm giữa các bên, tạo nên sự thống nhất về đề tài cũng như cách tiếp cận vấn đề, từ đó chuyển thành sự rung động của bản thân.

Rồi nói thẳng, viết trực diện như thế nào là không đơn giản. Nhất là với tôi, thể hiện đề tài “nóng” đương đại bằng nghệ thuật truyền thống như Chèo lại có những cái khó riêng.

Cả cuộc kháng chiến chống Pháp, ngành Sân khấu chưa có được mấy vở hay, sau kháng chiến mới có được vài vở. Cuộc vận động sáng tác về công cuộc đổi mới, thành quả cũng không phải dồi dào.

Ngoài ra còn là sự trăn trở vì phải thể nghiệm, suy tư làm sao để chất lượng của tác phẩm tương xứng với thù lao nhận được. Đặc biệt, người viết phải bám sát định hướng đề ra, như kì vọng của lãnh đạo Bộ VHTT&DL rằng: các tác phẩm vừa đáp ứng được cái trước mắt nhưng không quá nặng về thời sự; vừa phải có giá trị lâu dài, có tầm nhìn tương lai và hấp dẫn để thu hút khán giả.

TS Trần Đình Ngôn: Chèo không bao giờ hết “đất diễn” - 1

Chèo truyền thống vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa.

Ông nhận định thế nào về khán giả của Chèo nói riêng và các loại hình nghệ thuật truyền thống hiện nay?

- Xin khẳng định luôn rằng: Chèo luôn có sức sống và không bao giờ hết “đất diễn”. Đó không phải là cái nhìn của người yêu Chèo và chủ quan riêng tôi, mà là thực tế các cuộc diễn đã chứng minh: số lượng khán giả vẫn rất đông, nhất là tại các hội diễn Chèo truyền thống. Nhiều người nhìn vào khán giả trẻ mà nói Chèo yếu thế, nhưng người trẻ chưa bao giờ là khán giả của Chèo một cách đúng nghĩa.

Xưa thanh niên tìm đến chiếu Chèo với mục đích giao lưu, tìm bạn là chính. Thơ Nguyễn Bính ấy, cô gái trong bài “Mưa xuân” đi “hội Chèo làng Đặng” chỉ để tìm người yêu, người yêu không đến thì cô bỏ về chứ có ở lại xem Chèo đâu.

Khán giả yêu Chèo, thời kì nào cũng vậy, chính là những người tuổi trung niên. Thêm nữa, Chèo cũng không có “đất diễn” tại thành phố, mà nguyên bản của nó, là đi ra từ dân gian và chủ yếu “sống” tại các làng quê.

Nói chung, khán giả vẫn rất chú ý những tác phẩm giàu chất Chèo. Nên nếu có đổi mới, nâng cao sức sống cho Chèo thì hãy bắt đầu từ đổi mới kịch bản, diễn viên...

Tương tự, nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu hiện nay không phải là không có khán giả, mà chúng ta cần nhìn nhận nguồn gốc, đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật để có cách thức đổi mới, thu hút khán giả phù hợp.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TS Trần Đình Ngôn: Chèo không bao giờ hết “đất diễn”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO